Thí điểm mô hình ấp thông minh
Theo đó, ấp 2, xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo là địa phương đầu tiên của tỉnh Bình Dương được lựa chọn ấp điển hình để xây dựng thí điểm mô hình ấp thông minh. Tại đây, ấp được đầu tư xây dựng khang trang hiện đại với nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa sạch đẹp. Hiện, toàn ấp có hơn 300 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt và thương mại - dịch vụ.
Trước đây, người dân địa phương thói ít có thói quen sử dụng internet hay điện thoại thông minh. Tuy nhiên, nhờ được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân đang quen dần với việc thực hiện các thủ tục hành chính qua cổng Dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng internet. Cùng với đó, tiếp nhận mọi thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở địa phương qua nhóm Zalo.
Việc sử dụng công nghệ số đã góp phần giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin đồng thời giúp cho cán bộ địa phương rút ngắn thời gian, khoảng cách trong mọi công việc.
MobiFone tỉnh Bình Dương và UBND xã Tân Hiệp (huyện Phú Giáo) ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số triển khai ấp thông minh giai đoạn 2024 - 2025 - (Ảnh: Thu Hường). |
Ông Mai Văn Việt, Trưởng ấp 2, xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo cho biết, nhờ được tiếp cận với Internet, người nông dân có thêm cơ hội được tìm hiểu và chủ động lựa chọn các phương thức sản xuất nông nghiệp vừa tiết kiệm chi phí, công chăm sóc vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
"Một số trang trại chăn nuôi gà, vịt ở địa phương đang sử dụng hệ thống máng ăn tự động và hệ thống xử lý chất thải khép kín tự động, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Thấy được hiệu quả thiết thực trong việc ứng dụng công nghệ số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bà con ở ấp 2 rất phấn khởi và đồng tình hưởng ứng khi được địa phương lựa chọn thí điểm xây dựng ấp thông minh”, ông Việt chia sẻ.
Được biết, trên địa bàn xã Tân Hiệp ước tính đến nay, số lượng người dân trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh khoảng 2.350 máy, chiếm tỉ lệ hơn 80%. Mặt khác, địa phương cũng đã xây dựng hạ tầng mạng chuẩn hóa, đảm bảo an toàn thông tin tối thiểu, đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng. Hạ tầng công nghệ thông tin, các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu dùng chung được hoàn thiện, kết nối, đảm bảo an toàn về an ninh thông tin, tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử và hỗ trợ người dân trong tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến.
Hiện nay, các địa điểm văn phòng 6 ấp trên toàn địa bàn xã Tân Hiệp đều được trang bị hệ thống mạng wifi miễn phí, cán bộ và người dân dưới các ấp có thể truy cập sử dụng internet khi cần thiết trong các buổi sinh hoạt, hội họp...
Ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo cho biết: “Xây dựng ấp thông minh tại địa phương nhằm thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, thúc đẩy ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong chính quyền xã để phục vụ và tương tác với người dân tốt hơn, nâng cao kỹ năng số cho người dân để mở rộng cơ hội tiếp cận với công nghệ số, giúp người dân dễ dàng giới thiệu, quảng bá về đời sống và nét văn hóa của địa phương trên môi trường số”.
Nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế số, xã hội số
Xây dựng ấp, làng thông minh là một trong những mục tiêu cần thiết trong suốt lộ trình chuyển đổi số ở địa phương. Trong năm 2024, với chủ đề chuyển đổi số “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”, tỉnh Bình Dương tập trung nâng cao chất lượng chuyển đổi số trên các lĩnh vực từ các cấp cơ sở. Với mục tiêu xây dựng mỗi ấp thông minh thì sẽ xây dựng bền vững làng thông minh, vùng thông minh đổi mới sáng tạo…
Người dân ấp 2, xã Tân Hiệp (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) tìm hiểu ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt - (Ảnh: Thu Hường). |
Theo kế hoạch triển khai thí điểm xây dựng ấp thông minh tại ấp 2, xã Tân Hiệp sẽ tập trung các nhiệm vụ trọng tâm như: đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn về chuyển đổi số; xây dựng, hoàn thiện cơ chế; phát triển hạ tầng số; phát triển hạ tầng dữ liệu - ứng dụng - dịch vụ và an toàn thông tin mạng.
Trong năm 2024, xã Tân Hiệp sẽ phấn đấu hoàn thành các mục tiêu: Tỉ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng và tỉ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 92%; tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trong dịch vụ thương mại điện tử đạt từ 35% trở lên; phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử cho người dân và các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể; phổ cập nền tảng dạy học trực tuyến; phổ cập sử dụng nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân và phổ cập nhiều ứng dụng nền tảng số khác phục vụ nhu cầu giải trí, văn hóa - thể thao và du lịch nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Ông Lý Thành Vinh, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, cho biết: “Để xây dựng thành công mô hình “ấp thông minh”, thì việc đầu tiên đòi hỏi mỗi người dân phải là một “công dân thông minh” trên môi trường công nghệ số. Do vậy, các cấp các ngành ở địa phương cần phải đẩy mạnh tuyên truyền một cách sâu rộng để người dân nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mình. Mặt khác, xây dựng và nhân rộng mô hình “ấp thông minh” là việc làm hết sức cần thiết, đúng với chủ trương đường lối của Đảng để phát triển kinh tế - xã hội số trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay”.
Ông Nguyễn Hữu Lợi - Phó Giám đốc MobiFone tỉnh Bình Dương thông tin: “Đồng hành với địa phương trong quá trình xây dựng ấp thông minh, chúng tôi sẽ hỗ trợ người dân quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm của địa phương trên các sàn thương mại điện tử, đồng thời hướng dẫn người dân các phương thức thanh toán điện tử tin cậy cho các giao dịch thương mại điện tử; kết nối trạm y tế của địa phương với hệ thống khám chữa bệnh từ xa của các tuyến bệnh viện Trung ương để người dân được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn thông qua ứng dụng công nghệ số”.