Bình Dương: Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu Bình Dương: Đôn đốc thu nợ đọng bảo hiểm xã hội hơn 600 tỷ đồng |
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại Bình Dương tiếp tục gặp khó khăn, nên nhiều người lao động trên địa bàn mất việc làm, thất nghiệp gia tăng trong thời gian qua.
Báo cáo tình hình lao động việc làm của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh này có 173 doanh nghiệp giảm vốn hoặc giải thể khiến nhiều người lao động mất việc, giảm giờ làm, nghỉ việc không lương.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2023, Bình Dương có hơn 80.000 lao động mất việc, ngừng việc, nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động. Hiện, lao động ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ bị mất việc, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng nhiều nhất. Ít biến động lao động là ngành chế biến thủy, hải sản; sản xuất linh kiện điện tử và sản phẩm điện tử.
Về số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp của Bình Dương, số liệu đến 4 tháng đầu năm 2023 là 18.216 người, tăng 7,33% so với năm 2022.
Thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo đồng thời nhằm đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đang thực hiện nhanh các thủ tục để giải quyết chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; kết nối cung cầu lao động để điều tiết giữa nơi cần tuyển và nơi cắt giảm.
Cùng với đó, với vai trò kết nối việc làm cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cũng đã “vào cuộc” tăng cường các hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm cho hơn 21.000 người.
Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã quyết định phê duyệt cho 22.654 đoàn viên, người lao động của 97 doanh nghiệp được hưởng chính sách với tổng số tiền 34,5 tỷ đồng. Trong đó có 10.679 người lao động bị giảm giờ làm, ngừng việc được phê duyệt hỗ trợ 10,6 tỷ đồng và 11.971 người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương được phê duyệt hỗ trợ 23,8 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong Tháng Công nhân năm 2023, các cấp công đoàn tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ 127.381 người lao động thuộc các trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo, trường hợp gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các trường hợp khó khăn được hỗ trợ từ 500.000 đồng và quà nhu yếu phẩm. Những trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động được hỗ trợ từ 2 đến 10 triệu đồng, tùy từng trường hợp. Tổng số tiền hỗ trợ người lao động trong tháng công nhân là trên 35,2 tỷ đồng.
Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, những hoạt động chăm lo cho người lao động sẽ vẫn được các cấp chính quyền, tổ chức Công đoàn Bình Dương tập trung thực hiện xuyên suốt trong thời gian tới. Bởi việc chăm lo cho người lao động khó khăn không chỉ là trách nhiệm, mà đó còn là tình cảm, sự quan tâm để đồng hành, giúp công nhân lao động vững tin vượt qua khó khăn, yên tâm lao động sản xuất, gắn bó và có cuộc sống tốt hơn ở Bình Dương.
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn sẽ có nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khó có sự bứt phá, vì vậy, theo dự báo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đến cuối năm 2023, con số này sẽ còn tăng thêm 60.000 người.
Nêu rõ nguy cơ việc doanh nghiệp khó khăn thì tiền lương, phúc lợi cho người lao động giảm nên dễ dẫn đến tranh chấp, đình công trái pháp luật. Vì vậy, theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, sắp tới Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Dương và Liên đoàn Lao động và các địa phương sẽ đẩy mạnh công tác nắm tình hình để có biện pháp hạn chế thấp nhất các vấn đề tranh chấp có thể trở thành điểm nóng.
Ngoài ra, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cũng sẽ tăng cường việc tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho người lao động gặp nhiều khó khăn. Đồng thời cố gắng nỗ lực, phối hợp với các ngành triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động trong thời gian tới nhằm mục đích ổn định tình hình thị trường lao động.