Bình Dương đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu Điểm tên thị trường xuất khẩu quế nhiều nhất của Việt Nam |
Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 16,3 tỷ USD
Dù gặp nhiều khó khăn song các ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh Bình Dương trong 6 tháng năm 2024 tiếp tục đà hồi phục và tăng trưởng cao, nhất là lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa, qua đó tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, cho biết, trong 6 tháng năm 2024, kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; chính sách tiền tệ thắt chặt tác động mạnh đến doanh nghiệp, các hoạt động kinh tế, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu…
Tuy nhiên, với việc triển khai quyết liệt, kịp thời đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND Bình Dương… đã và đang tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp, ngành hàng lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng cho sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng năm 2024.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Bình Dương trong 6 tháng năm 2024 đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 23,2% so cùng kỳ 2023. |
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng năm 2024 tăng tăng 5,63% so cùng kỳ (6 tháng năm 2023 tăng 2,65%). Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong khi đó, xuất khẩu là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Bình Dương trong 6 tháng năm 2024. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng năm 2024 của Bình Dương đạt gần 16,3 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm 2023 giảm 17,4% so với cùng kỳ). Thặng dư thương mại đạt gần 4,8 tỷ USD.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương trong 6 tháng năm 2024 trên đà hồi phục và tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Đơn cử ngành gỗ và sản phẩm từ gỗ, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 23,2% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 18,53% tổng kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh.
Tương tự, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt gần 1,39 tỷ USD, tăng 9,3% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 8,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Còn kim ngạch xuất hàng giày da đạt hơn 879 triệu USD, tăng 8,4% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 5,4% tổng kim ngạch xuất khẩu…
Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, khai thác các thị trường mới
Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, trong 6 tháng năm 2024 hoạt động xuất khẩu hàng hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực và khả quan. Đặc biệt, kết quả này cho thấy năng lực của các doanh nghiệp đã cải thiện nhiều nhờ sự thích ứng và tận dụng được cơ hội của thị trường, điều này tạo niềm tin tăng trưởng tích cực trong cả năm.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng từ 9-10% đã đề ra năm 2024, trong những tháng còn lại của năm 2024, ngành Công Thương tiếp tục tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu củng cố các thị trường xuất khẩu chủ lực, khai thác thị trường mới; cũng như mở rộng thị trường các nước có lợi thế từ các cam kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.
Cụ thể, tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao các chỉ số cải cách hành chính; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 100% thủ tục hành chính của ngành. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, nắm tình hình hiệp hội ngành hàng, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường ổn định và thuận lợi để xúc tiến đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư, công nghệ phục vụ phát triển.
Đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan Tham tán thương mại tại nước ngoài duy trì thực hiện “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” hàng tháng bằng hình thức trực tuyến. Qua đó, cung cấp thông tin hữu ích cho doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng của tỉnh về tình hình cung cầu hàng hóa tại các thị trường xuất khẩu.
Cùng với đó, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu, sản phẩm và ký kết các đơn hàng xuất khẩu mới.
Song song đó, triển khai hiệu quả, kịp thời các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết như: CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU), UKVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh) và RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực)… Qua đó, giúp doanh nghiệp chủ động xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chủ động nguyên liệu nội khối để được hưởng ưu đãi thuế quan… Đồng thời, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác chứng nhận xuất xứ hàng hóa và phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu…
Để tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu cũng như đạt được kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế đề ra năm 20024, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết: Đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục nỗ lực, quyết tâm cao hơn trong hoạt động chỉ đạo, điều hành. Trong đó, chủ động, phối hợp chặt chẽ, phát huy những kết quả đạt được, tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, có những giải pháp phù hợp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra. |