Tỉnh hiện có khoảng 7.550 cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động ở các làng nghề. Sản phẩm làng nghề khá phong phú, đa dạng, chủ yếu chế biến lương thực thực phẩm (rượu Bàu Đá, bún bánh), sản phẩm thủ công mỹ nghệ (mặt hàng chạm khắc gỗ, song mây, chiếu cói, vải thổ cẩm, thảm xơ dừa), rèn đúc đồng mỹ nghệ... Phần lớn các cơ sở làng nghề có quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ thiết bị lạc hậu... nên thị trường đầu ra chủ yếu tiêu thụ trong nước.
Do quy mô nhỏ, thị trường tiêu thụ hạn hẹp các cơ sở sản xuất làng nghề trong tỉnh hiện rất thiếu vốn cũng như rất khó để tiếp cận nguồn vốn vay do không có tài sản bảo đảm.
Theo đại diện của Sở Công Thương Bình Định, bản thân việc thuyết phục các cơ sở sản xuất nhận hỗ trợ ứng dụng, cải tiến thiết bị đưa vào sản xuất giúp tăng năng suất sản xuất, chất lượng sản phẩm cũng là vấn đề khó. Bởi thực tế khi doanh nghiệp chấp nhận đầu tư nhưng thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, thiết bị chưa thể khai thác tối ưu công suất, thậm chí có những cơ sở chỉ sử dụng 30% công suất thiết bị... khiến lãng phí tài nguyên của cơ sở.
Để hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề, những năm qua khuyến công Bình Định triển khai nhiều nội dung thiết thực. Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề và nâng cao tay nghề cho trên 5.600 lao động; hỗ trợ triển khai nhiều đề án mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Khuyến công tỉnh cũng đã tổ chức hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn cấp khu vực tại Bình Định, tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh, khu vực và tham gia hội chợ hàng công nghiệp nông thôn cấp khu vực... nhằm quảng bá sản phẩm, cơ sở làng nghề của tỉnh.
Quy hoạch phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2020 của Bình Định là 116.580 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách hỗ trợ 49.040 triệu đồng, vốn đối ứng của các cơ sở làng nghề, vốn huy động là 67.540 triệu đồng. |
Trong quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp của tỉnh cùng với hàng loạt các chính sách ưu đãi cho phát triển làng nghề và cơ sở sản xuất tại các làng nghề. Bình Định không phát triển nhưng có giải pháp khắc phục, tổ chức di dời các làng nghề, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào các cụm công nghiệp nhằm thuận lợi trong việc xử lý môi trường. Với những làng nghề, cơ sở sản xuất các loại sản phẩm tiêu dùng thông thường, hiệu quả thấp và không có sức cạnh tranh trên thị trường... sẽ được tổ chức sản xuất lại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhằm từng bước nâng số cơ sở và mở rộng quy mô sản xuất.
Từ nguồn kinh phí khuyến công tỉnh cũng ưu tiên hỗ trợ cho các cơ sở, làng nghề sản xuất sản phẩm đặc trưng, củng cố kỹ năng truyền thống, đồng thời đưa công nghệ mới vào các khâu sản xuất. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất làng nghề đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ, mẫu mã. Sử dụng linh hoạt nguồn kinh phí khuyến công, xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động tại các cơ sở làng nghề.
Với việc mở rộng thị trường, tìm hướng đi thích hợp xuất khẩu cho các cơ sở, làng nghề, UBND tỉnh tổ chức liên kết giữa các làng nghề, với doanh nghiệp đầu mối tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng.