Huy động mọi nguồn lực tham gia hỗ trợ
Trong Kế hoạch hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp tỉnh, Bình Định phấn đấu 100% các cơ sở CNNT có nhu cầu hỗ trợ được hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; số lượng sản phẩm đăng ký và số lượng sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu kỳ bình chọn sau cao hơn kỳ bình chọn trước. Đồng thời, các đơn vị thuộc Sở Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao đều có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động hỗ trợ.
Nội dung hỗ trợ được Sở Công Thương tỉnh xác định khá đa dạng, bao gồm: Cung cấp thông tin, hướng dẫn tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước; tư vấn lập dự án đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ tự công bố sản phẩm. Các cơ sở CNNT có sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cũng được xét ưu tiên hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương; tham gia các chương trình xúc tiến thương mại; phát triển thương mại điện tử.
Là đơn vị chủ trì thực hiện chương trình khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bình Định được giao nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở lập hồ sơ đề án. Chủ trì, xây dựng các đề án về công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm CNNT tiêu biểu trên các phương tiện truyền thông. Tư vấn lập dự án đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm.
Bên cạnh đó, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh được giao chủ trì triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các cơ sở CNNT có sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh tham gia Chương trình xúc tiến thương mại hàng năm; hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu phù hợp với thị trường mục tiêu; giới thiệu sản phẩm tại các điểm bán hàng Việt, điểm bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh...; làm cầu nối giao thương tại các hội nghị, hội chợ triển lãm, diễn đàn trong và ngoài nước.
Bình Định phấn đấu 100% cơ sở có nhu cầu được hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh |
Trên thực tế, hỗ trợ cho các sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh và các cấp nói chung là nhiệm vụ đã được Sở Công Thương Bình Định chú trọng triển khai trong nhiều năm qua. Chỉ tính riêng năm 2020, trong tổng số 31 chương trình đề án khuyến công đã triển khai, có tới 11 đề án hỗ trợ cho các cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu. Trong đó, hỗ trợ 200 triệu đồng cho Công ty TNHH SX TM và DV Đường Minh có sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2019; hỗ trợ 40 triệu đồng cho hộ kinh doanh Lê Thị Hiệp có sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực năm 2020; hỗ trợ 924,5 triệu đồng cho 9 cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2018, 2020. Nội dung hỗ trợ chủ yếu tập trung vào ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất và hỗ trợ thuê tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm.
Trong năm 2020, Sở Công Thương Bình Định cũng đã triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ 12 cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu với kinh phí hỗ trợ 83,625 triệu đồng.
Đề xuất từ thực tế
Theo đánh giá từ Sở Công Thương Bình Định, việc hỗ trợ cho các cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Doanh thu của các cơ sở năm 2020 đạt 11.982 triệu đồng và thu hút thêm vốn đầu tư của các cơ sở 4.924,2 triệu đồng. Các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, cơ sở CNNT về chất lượng, mẫu mã sản phẩm và là điều kiện thuận lợi cho các cơ sở CNNT phát triển sản xuất, kinh doanh. Tạo sự kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng, từng bước giúp cho sản phẩm công nghiệp nói chung và sản phẩm CNNT tiêu biểu nói riêng có mặt khắp mọi nơi từ khu vực thành thị đến nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, số cơ sở tham gia các hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại còn ít so với số cơ sở có sản phẩm đạt sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp. Phần lớn các cơ sở gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang bị máy móc mở rộng sản xuất; khả năng tìm kiếm mở rộng thị trường còn hạn chế, hầu hết phát triển theo hướng tự phát nên việc xây dựng đề án hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công còn hạn chế. Nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu chủ yếu từ ngân sách nhà nước, chưa huy động được nguồn lực tài chính của các tổ chức tham gia.
Để hoạt động hỗ trợ triển khai đạt tối đa hiệu quả trong thời gian tới, Sở Công Thương Bình Định đề nghị Cục Công Thương địa phương: Quan tâm bố trí nguồn vốn khuyến công quốc gia để hỗ trợ các chương trình, đề án phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Bình Định, nhất là các sản phẩm đạt cấp khu vực, cấp quốc gia. Có cơ chế hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại từ nguồn kinh phí quốc gia cho các cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu. Xây dựng các chương trình truyền thông, quảng bá sản phẩm CNNT tiêu biểu mang tầm chiến lược; chủ động nghiên cứu, xây dựng tên gọi sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp dễ nhớ, dễ gọi và dễ lan tỏa.
Xem xét, tham mưu bãi bỏ quy định thủ tục hành chính đối với việc cấp Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp. Thống nhất việc gửi hồ sơ đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và cấp quốc gia bằng hồ sơ điện tử, không dùng bản giấy. Xem xét, tham mưu giãn khoảng cách thời gian tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu định kỳ 3 năm 1 lần để nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị của Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu.