Không cho vay, mượn thuốc điều trị Covid-19 khi chưa có chỉ đạo của Bộ Y tế Xử lý nghiêm trường hợp đẩy giá thuốc điều trị cúm A |
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A). Triệu chứng của bệnh cúm mùa khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Số ca mắc bệnh cúm gia tăng, người dân không tự ý xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà |
Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế vừa đưa ra khuyến cáo: Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám, xử trí kịp thời.
Bên cạnh đó, cần che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Số liệu thống kê, mỗi năm, Việt Nam ghi nhận 600.000 đến 1 triệu ca cúm thường. Tuy nhiên thời gian gần đây, tại một số địa phương, một số bệnh viện tuyến cuối ghi nhận sự gia tăng của bệnh cúm; thậm chí mới đây các bác sỹ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân nữ, 40 tuổi (quê ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) từ tuyến dưới chuyển lên với chẩn đoán suy hô hấp, cúm, viêm phổi.
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm phổ biến, bất cứ ai cũng có thể mắc. Theo nhận định của Bộ Y tế, số ca mắc cúm mùa ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân.
Cúm mùa gây ra bởi các virus cúm là bệnh truyền nhiễm, lây chủ yếu qua đường hô hấp và dễ bùng phát thành dịch. Cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người suy giảm miễn dịch, người già (trên 65 tuổi), trẻ em (dưới 5 tuổi) và phụ nữ có thai. Tuy nhiên, bệnh có thể tiến triển nặng gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy, thời gian gần đây, số trường hợp mắc hội chứng cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước đây, tuy nhiên số ca nhập viện có xu hướng gia tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối; trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A (không phải chủng độc lực cao). Từ đầu năm 2022 đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8, A/H7N9...
Thống kê tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thời gian gần đây, có thời điểm mỗi ngày ghi nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám liên quan đến cúm, nhiều trường hợp là trẻ em.
Để phòng tránh cúm A, theo bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Những người có yếu tố nguy cơ cần tiêm phòng cúm hàng năm. Đối với những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ trở nặng khi bị nhiễm cúm A không nên tự điều trị mà khi có dấu hiệu bệnh, phải đến các cơ sở y tế khám để được tư vấn chuyên khoa, cùng theo dõi và có chỉ định điều trị phù hợp.