Cảnh báo bệnh cúm A gia tăng bất thường, nhiều bệnh nhân chuyển nặng |
Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), thời gian vừa qua, trên địa bàn một số tỉnh thành phố số ca cúm mùa có xu hướng gia tăng, trong đó tỷ lệ ca mắc cúm A qua thống kê của các bệnh viện tăng cao so với các năm trước.
Xử lý nghiêm trường hợp đẩy giá thuốc điều trị cúm A |
Để bảo đảm việc cung ứng thuốc điều trị cúm và kiểm soát giá các thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt đối với các thuốc điều trị cúm A (thuốc Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir), ngày 28/7, Cục Quản lý Dược có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố; các bệnh viện/ viện; cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc về việc bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị cúm mùa.
Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện Công điện số 665/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác; chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.
Các bệnh viện, doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về quản lý giá thuốc (niêm yết giá thuốc và bản theo giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá bán buôn, bán lẻ kê khai, kê khai lại đã công bố), không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm, đặc biệt các thuốc điều trị cúm A và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt những trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.
Đối với các bệnh viện, viện chủ động triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, thực hiện đúng các quy định về quản lý giá thuốc.
Cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các thuốc điều trị cúm, trong đó có thuốc điều trị cúm A, chủ động khẩn trương lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thuốc để bảo đảm nguồn cung ứng phục vụ công tác điều trị và thực hiện các hợp đồng cung ứng thuốc với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo kết quả trúng thầu đã ký kết…
Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện nay rất nhiều người dân bị cảm cúm đã tự ý sử dụng thuốc Tamiflu để điều trị không có hướng dẫn của bác sỹ. Theo chia sẻ của các y bác sỹ, nếu người dân tự ý sử dụng không theo chỉ dẫn sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc.
Liên quan đến thuốc điều trị bệnh cúm tại nhà, BS. Vũ Quốc Đạt - giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm (Đại học Y Hà Nội) - khuyến cáo người dân không nên tự ý mua Tamiflu để điều trị bệnh cúm, vì thuốc Tamiflu hiện nay chủ yếu sử dụng đối với bệnh nhân mắc cúm nặng, hoặc đối tượng có nguy cơ bệnh tiến triển nặng. Với những người không có bệnh lý nền, khỏe mạnh, khi mắc cúm triệu chứng nhẹ, việc dùng Tamiflu không cần thiết. Vì nếu sử dụng Tamiflu không đúng cách sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Giống như vi khuẩn, virus cũng có khả năng kháng thuốc điều trị, nên việc sử dụng Tamiflu quá mức có thể gia tăng sự xuất hiện virus kháng thuốc.