Bến Tre cần tập trung khai thác thị trường nội tỉnh và kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển mới
Chỉ đạo điều hành 26/03/2024 12:02
Tại buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của tỉnh Bến Tre tại trụ sở Bộ Công Thương sáng ngày 26/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương ghi nhận những kết quả tích cực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre đạt được trong thời gian vừa qua.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác của tỉnh Bến Tre. Ảnh: Cấn Dũng |
Cụ thể, trong lĩnh vực Công Thương, năm 2023, tỉnh Bến Tre đạt kết quả tích cực hoặc cao hơn kết quả chung cả nước trong phần lớn các chỉ tiêu chính. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2023 tăng 6,1% (cao hơn mức tăng bình quân cả nước 1,5%; xếp thứ 31/63 cả nước); quý I/2024 tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước (cả nước sau 2 tháng tăng 5,7% so cùng kỳ năm 2023).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 đạt 63.234 tỷ đồng, tăng 13,73% (cao hơn mức tăng cả nước 9,6%, xếp thứ 38/63 cả nước); quý I/2024 ước đạt 17.184 tỷ đồng, tăng 10,20% so cùng kỳ (cả nước sau 2 tháng tăng 8,1%).
Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 1.530 triệu USD giảm 1,1 % (cả nước giảm 4,6%, đứng thứ 33/63 cả nước); quý I/2024 ước đạt 360,26 triệu USD, tăng 12,34% so với cùng kỳ năm 2023 (cả nước sau 2 tháng tăng 19,2%).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức đang đặt ra, như: quy mô sản xuất công nghiệp, thị trường trong nước và xuất nhập khẩu của tỉnh còn khiêm tốn về giá trị tuyệt đối, xếp hạng trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 chưa cao (xếp thứ 8/13 về chỉ số sản xuất công nghiệp, thứ 10/13 về tổng mức bán lẻ; 7/13 về tăng trưởng XK); thiếu cơ sở sản xuất công nghiệp lớn; giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa cao, hạ tầng thương mại, hạ tầng logistics chưa phát triển; mạng lưới bán lẻ hiện đại còn mỏng, hạ tầng thương mại đầu tư còn yếu.
Ngoài những nguyên nhân khách quan do bối cảnh chung, các nguyên nhân chủ quan là đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu; cơ chế khuyến khích đầu tư chưa hấp dẫn; mô hình sản xuất còn nhỏ lẻ, tự phát…
Để phát huy tiềm năng, lợi thế, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch phát triển lĩnh vực Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị lãnh đạo tỉnh Bến Tre tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ sau:
Một là, tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm và các quy hoạch chuyên ngành ở địa phương theo quy định, để sẵn sàng tiếp nhận, triển khai các dự án trọng điểm cấp vùng, địa phương trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản và công nghiệp, thương mại, logistics, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên kết luận. Ảnh: Cấn Dũng |
Hai là, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính để phát triển công nghiệp; tập trung thu hút đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến nông thủy sản, đặc trưng là cây dừa; phát triển năng lượng mới như hydrogen, năng lượng sạch, cùng với hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp năng lượng; quan tâm bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng ngập mặn gắn với năng lượng xanh, năng lượng sạch, khai thác cơ chế trao đổi tín chỉ carbon rừng nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải kết hợp và bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống người dân từ nguồn tại chỗ.
Ba là, tập trung khai thác tối đa thị trường nội tỉnh và kết nối liên vùng, quan tâm bố trí nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc (Khme, Bana, Thượng…); xây dựng chương trình kích cầu tiêu dùng đặc thù phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển thương mại điện tử, đồng thời, kiên quyết đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt qua đường biển, đường thủy nội địa.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển xuất khẩu theo hướng chính ngạch thông qua việc: Chủ động triển khai hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) phù hợp với nhu cầu và năng lực của doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong XTTM; chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, tận dụng hiệu quả cơ hội của các FTA mà nước ta là thành viên để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu. Tham gia tích cực các Hội nghị giao ban XTTM hàng tháng với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức.
Năm là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu, phù hợp với việc chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh.