Từ ngàn đời nay, trong ý nghĩ của người Tây Nguyên, bến nước vừa gần gũi vừa thiêng liêng. Đồng bào Tây Nguyên đã tạo dựng cho mình một nét văn hóa đẹp từ bến nước. Con suối chảy qua làng hay giọt nước đầu làng là tặng phẩm của rừng già cho con người, nó được chắt ra từ sự tinh túy của rừng để đem đến sự sống tốt đẹp cho con người. Âm thanh gợi nhớ của người Tây Nguyên là cồng chiêng, hình ảnh gợi nhớ của họ là bến nước. Giữ gìn giọt nước cũng như giữ gìn hồn mình, buôn, làng mình.
Lễ cúng bến nước để tạ ơn thần nước |
Đối với đồng bào Tây Nguyên, bến nước không chỉ cung cấp nguồn nước sinh hoạt mà còn là nơi để bà con gặp gỡ, chuyện trò, tạo nên sự gắn kết trong cộng đồng. Bến nước vì thế trở thành biểu tượng văn hóa vừa gần gũi, vừa thiêng liêng trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Để bảo vệ, duy trì bến nước, mỗi buôn, làng thường đặt ra những quy ước như: Không được xả rác bừa bãi hay buộc trâu bò gần bến nước và nhất là không được chặt các cây đầu nguồn. Nếu ai vi phạm nhẹ sẽ bị nhắc nhở, nặng thì bị phạt rượu, gà, heo tùy mức độ.
Các cô gái hứng nước vào các quả bầu khô |
Bến nước tạo nên sự gắn kết cộng đồng |
Tuy nhiên, người dân rất hiếm khi phạm phải, ai cũng có ý thức bảo vệ, gìn giữ không gian sinh hoạt chung của cộng đồng. Nhờ vậy, trải qua hàng trăm năm, bến nước của buôn làng vẫn đêm ngày tuôn chảy dòng nước trong vắt, mát dịu. Tình yêu, sự trân quý từng giọt nước chảy từ mạch rừng thiêng đã thấm sâu vào trong tâm hồn mỗi con người Tây Nguyên.