Thứ tư 23/04/2025 03:29
Xoài Yên Châu

“Bén duyên” thị trường Úc

Với 3 tấn xoài tượng da xanh vừa được Công ty TNHH Agricare Việt Nam thu mua và xuất khẩu sang thị trường Úc, người trồng xoài ở huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đang có hy vọng mới trong việc nâng cao hơn nữa giá trị quả xoài - đặc sản của vùng đất này.  

Sản phẩm đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý

Nếu như Sơn La là địa phương được biết đến với nhiều sản phẩm cây ăn trái cho giá trị cao; thì Yên Châu chính là huyện có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất của tỉnh này. Trong đó, xoài là loại quả đang làm nên tên tuổi cho Yên Châu. Xoài trồng ở Yên Châu có hai loại chính là xoài tròn và xoài hôi. Xoài tròn Yên Châu nổi tiếng với hương vị đặc trưng thơm ngọt đậm đà, vỏ xanh vàng. Đây cũng là sản phẩm chỉ Yên Châu mới có, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và hệ thống nhận diện thương hiệu.

Ông Lường Trung Hiếu - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho biết, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Sơn La về trồng cây ăn quả trên đất dốc, những năm qua, huyện Yên Châu đã tập trung chỉ đạo phát triển một số cây ăn quả chủ lực dựa trên lợi thế về điều kiện khí hậu của vùng. Theo đó, Yên Châu đã tập trung phát triển cây xoài tại các xã vùng thấp dọc tuyến quốc lộ 6 theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với trên 1.100 héc-ta, trong đó diện tích cho sản phẩm là 450 héc-ta, tổng sản lượng quả xoài đạt khoảng 3.500 tấn.

Bên cạnh đó, Yên Châu cũng đẩy mạnh thâm canh diện tích xoài cũ (xoài tròn và xoài hôi) và trồng mới thêm một số giống xoài có lợi thế xuất khẩu như xoài tượng da xanh. Đây là loại xoài thơm ngon, tươi lâu, trọng lượng lớn, có thể chế biến thành nhiều món và được nhiều thị trường ưa chuộng. Năm 2016, huyện Yên Châu đã phối hợp với Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu cấp mã số vùng trồng cho 7héc-ta xoài tượng da xanh đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường Úc. Đồng thời, phối hợp với Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sơn La và Trung tâm quản lý chất lượng vùng I cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho 6 hợp tác xã với gần 50 héc-ta sản phẩm xoài đạt tiêu chuẩn.

Cơ hội phát triển kinh tế cho đồng bào

Để có được các sản phẩm xoài đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, người trồng xoài ở Yên Châu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, từ làm đất, bón phân, tỉa cành, phun thuốc, bao bọc quả và hái quá. Anh Hà Văn Nam, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu cho biết: Với 1 héc-ta trồng xoài tượng da xanh, vụ xoài năm nay gia đình anh dự kiến thu được khoảng 10 tấn xoài, trong đó có 2 tấn xoài đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Với giá bán trung bình 20.000 - 25.000 đồng/kg, gia đình anh Nam dự kiến sẽ có thu nhập khoảng 200 triệu đồng nhờ bán xoài.

Từ một người sản xuất nông nghiệp theo phương pháp truyền thống, đến nay, anh Nam và nhiều người dân Yên Châu đã rất có ý thức trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc và thu hái theo tiêu chuẩn VietGAP. Với anh Nam, được tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong phát triển trồng cây ăn quả, được hỗ trợ xúc tiến thương mại… người dân rất yên tâm tập trung sản xuất để có các sản phẩm chất lượng cao.

Được biết, loại xoài mà doanh nghiệp sẽ thu mua để xuất khẩu sang Úc, Trung Quốc và các thị trường khác là xoài xanh, thuộc các giống lai như GL3; GL4, xoài Thái Lan, kích cỡ trung bình từ 7 - 9 lạng/quả. Ngoài yêu cầu trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, các sản phẩm xoài xuất khẩu sang Úc đều được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng; đồng thời thực hiện chiếu xạ theo quy trình của Úc.

Theo Phó Chủ tịch Lường Trung Hiếu, đây là năm thứ hai sản phẩm xoài tượng da xanh của Yên Châu xuất khẩu sang thị trường Úc – thị trường khó tính đối với các sản phẩm nông sản. Sự kiện này không chỉ mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người trồng xoài ở Yên Châu, mà hơn thế, còn tạo cho đồng bào ở Yên Châu ý thức, trách nhiệm đối với sản phẩm nông nghiệp làm ra; từ đó hướng tới phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững.

Phương Tú

Tin cùng chuyên mục

Thắp lửa văn hóa đọc ở nông thôn, gieo mầm tri thức

Quảng Ngãi: Độc đáo lễ mừng nhà mới của đồng bào Hrê

Bình Định bắc nhịp cầu tiêu thụ nông sản vùng cao

Người cao tuổi Kon Tum góp sức dựng xây nông thôn mới

Gia Lai tăng giá trị cho cà phê đặc sản

Gia Lai phát triển chợ vùng sâu, mở lối sinh kế bền vững

Từ chợ bản đến chuỗi siêu thị: Hành trình vươn xa của sản phẩm vùng dân tộc Bắc Giang

Dược liệu Quảng Nam: Từ sinh kế vùng cao đến trung tâm công nghiệp dược liệu quốc gia

VCAMart: 'Cú hích' cho nông sản vùng dân tộc thiểu số

‘Bắc cầu’ thị trường cho nông sản vùng cao: Khơi thông từ chính sách tới hành động

Long nhãn Sơn La - 'vàng ngọt' của núi rừng Tây Bắc

Chè Shan tuyết - ‘vàng xanh’ trên đỉnh Tây Côn Lĩnh

Hàng hóa của bà con đồng bào dân tộc ‘đắt khách’ tại Hội chợ VITM Hà Nội

Mật ong Cao Bằng: ‘Gieo’ thương hiệu, ‘gặt’ đầu ra bền vững

Đào tiên Ngân Sơn: Trái ngọt đổi thay vùng đất khó

Tập livestream bán hàng, phụ nữ Cơ Tu đưa thẳng hàng lên kệ siêu thị

Bà con nông dân Gia Lai đổi đời nhờ cây mía

Nông sản Đắk Lắk: Từ đất đỏ bazan vươn tầm thế giới

Hương hồi Bình Liêu: Từ chợ quê lên kệ hàng thành phố

Yên Bái ‘mở lối’ cho hàng hóa vùng cao vươn xa