“Thông tin minh bạch, tiêu dùng an toàn”
Năm 2024, công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tiếp tục gắn với chủ đề “Thông tin minh bạch, tiêu dùng an toàn”. Chủ đề này nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của thông tin rõ ràng, hàng hóa minh bạch đối với sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến. Để “công cuộc” này có sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn, vai trò then chốt nằm ở nhận thức và sự tham gia của các đơn vị sản xuất kinh doanh và chính người tiêu dùng.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Nâng cao thương hiệu, uy tín doanh nghiệp” do Báo Công Thương phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức mới đây, ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - cho biết: Với tư cách là hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chúng tôi thấy “thông tin minh bạch” vẫn là vấn đề cấp thiết hiện nay, các đơn vị sản xuất kinh doanh cần ý thức tính quan trọng của nó để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Tọa đàm “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Nâng cao thương hiệu, uy tín doanh nghiệp” do Báo Công Thương phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức |
Cùng với đó, người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo để “tiêu dùng an toàn”, tự bảo vệ quyền lợi của mình. Trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, bản thân doanh nghiệp và người tiêu dùng mới là chủ thể quan trọng và giữ vai trò quyết định. Cần nhận thức được rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là cơ sở để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững.
Cụ thể, phía doanh nghiệp cần đề cao trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để người tiêu dùng có thể đưa ra các quyết định đúng và an toàn. Bên cạnh đó là chú trọng cải tiến các dịch vụ truyền thống, củng cố và phát triển hệ thống phân phối; nghiên cứu xây dựng hệ thống, kênh bán hàng mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
“Khi việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo, doanh nghiệp mới có thể chiếm lĩnh được niềm tin, nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó nâng cao uy tín doanh nghiệp và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh”, ông Vũ Văn Trung khẳng định.
Về phía người tiêu dùng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, cần có ý thức tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình; cẩn trọng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ. Đặc biệt, bản thân người tiêu dùng cần mạnh dạn lên tiếng đề xuất, khiếu nại khi gặp vấn đề bị xâm hại quyền lợi để tham gia góp phần phát hiện, xử lý và xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh.
Lan tỏa và triển khai hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Các hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 không chỉ tập trung vào dịp 15/3 mà được triển khai xuyên suốt cả năm, đẩy mạnh vào các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng.
Năm 2024, công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tiếp tục gắn với chủ đề “Thông tin minh bạch, tiêu dùng an toàn” |
Cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội và các doanh nghiệp tại các địa phương chủ động tổ chức các hoạt động hướng đến người tiêu dùng hoặc lồng ghép nội dung vào hoạt động chuyên môn, hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường quyền lợi cho người tiêu dùng.
Ông Vũ Văn Trung cho biết: Mỗi năm, Trung ương hội sẽ có văn bản gửi đến Hội bảo vệ người tiêu dùng các tỉnh, thành phố về chương trình năm tới, bao gồm chủ đề cũng như những hoạt động cần bám sát… Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, thành phố, các hội địa phương sẽ triển khai hoạt động cụ thể theo tinh thần chung, tích cực huy động người tiêu dùng ở mọi cấp độ tham gia. Mục tiêu của Hội Bảo vệ người tiêu dùng là làm sao thực sự tạo nên phong trào rộng lớn, thiết thực nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, sau gần 2 năm tiến hành sửa đổi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội thông qua ngày 20/06/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2023. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với việc tăng thêm quyền cho người tiêu dùng, gắn chặt với bảo đảm môi trường kinh doanh, bảo vệ lợi ích của người sản xuất, phân phối hàng hóa.
Theo ông Vũ Văn Trung, với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), các quy định pháp lý đã cụ thể hơn, chi tiết hơn, do đó khi luật có hiệu lực sẽ đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng chặt chẽ hơn; đồng thời các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng nhận thức được rằng những hình thức kinh doanh chộp giật, thiếu minh bạch sẽ dần dần bị loại bỏ.
“Khi luật được phổ biến cặn kẽ hơn, người tiêu dùng cũng sẽ mạnh dạn hơn trong việc lên tiếng. Hội Bảo vệ người tiêu dùng luôn khuyến khích, vận động người tiêu dùng lên tiếng tự bảo vệ quyền lợi của mình; có lên tiếng thì các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội về quyền người tiêu dùng mới biết và có cơ sở để vào cuộc”, ông Vũ Văn Trung nói.
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng khẳng định, với sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội cũng như chính doanh nghiệp và người tiêu dùng, chắc chắn bức tranh xã hội về bảo vệ người tiêu dùng sẽ khởi sắc hơn.
“Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng nhận thức rằng trách nhiệm của Hội và các hội địa phương ngày càng phải nâng cao, chúng tôi sẽ quan tâm sát sao hơn nữa để kịp thời tiếp nhận các thông tin, khiếu nại từ người tiêu dùng và nỗ lực trong phạm vi, chức năng của mình giải quyết tốt nhất, hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền lợi thiết thực của người tiêu dùng”, ông Vũ Văn Trung khẳng định.