Quyền về lao động là một trong những vấn đề chính trong vòng đàm phán cuối cùng của CPTPP trước khi ký kết. CPTPP yêu cầu tất cả các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong pháp luật, thể chế và thông lệ, tất cả các quốc gia thành viên của ILO, bao gồm Việt Nam đều phải tôn trọng các quyền này. Đây được coi là những quyền được ghi nhận trên toàn thế giới trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn ba công ước cơ bản liên quan đến tự do liên kết, quyền thương lượng tập thể và loại bỏ lao động cưỡng bức. Để đạt được điều này, đòi hỏi Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống quan hệ lao động, phục vụ nhu cầu của NLĐ, doanh nghiệp (DN) và xã hội, hướng tới ổn định về chính trị, thịnh vượng chung.
Cần phải lấy người lao động làm trung tâm để tổ chức hoạt động công đoàn |
Bên cạnh đó, khi tham vào CPTPP sẽ đặt công đoàn Việt Nam trước sự cạnh tranh về việc tập hợp, kết nạp đoàn viên, thành lập tổ chức cơ sở, chia sẻ nguồn lực tài chính, cũng như những khó khăn trong việc thực thi các quy định của pháp luật về đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tổ chức và lãnh đạo đình công. Đây là những thách thức lớn của tổ chức công đoàn Việt Nam và là vấn đề chưa có tiền lệ trong cách tiếp cận của hệ thống chính trị nước ta...
Trước những thách thức hiệp định CPTPP mang lại, phát biểu tại Hội nghị giới thiệu CPTPP và tác động đối với tổ chức công đoàn Việt Nam, diễn ra tại Bắc Ninh mới đây, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn là biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, giảm thiểu thách thức, tiếp tục giữ vững, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới. Do đó, công đoàn cần phải đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, lấy NLĐ làm trung tâm để tổ chức hoạt động; kiện toàn bộ máy quản lý; nói được tiếng nói, nguyện vọng chính đáng của NLĐ, mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của NLĐ…
Để các tổ chức công đoàn hoạt động có hiệu quả, Chính phủ cần xây dựng kịch bản để phát huy mặt tích cực, lợi ích thời cơ và có kịch bản, giải pháp hạn chế tác động tiêu cực tạo môi trường phát triển bền vững, thêm nhiều việc làm, hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực lao động và công đoàn. Trong đó, việc hoàn thiện Bộ luật Lao động hiện nay là một trong những yêu cầu quan trọng. Đồng thời, tích cực tuyên truyền đến DN, NLĐ, tổ chức, cơ quan về nội dung của hiệp định cả về cơ hội và thách thức.
Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, CPTPP cũng được xem là bước đi quan trọng của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế cũng như cộng đồng DN.
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Tham gia Hiệp định CPTPP, các tổ chức công đoàn Việt Nam phải đổi mới, nâng cao năng lực, đội ngũ cán bộ, tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi, đổi mới tư duy và hành động, đặc biệt hướng tới việc bảo vệ và chăm lo quyền lợi NLĐ. |