Cảnh giác với các thủ đoạn mượn danh "bảo vệ môi trường" để xuyên tạc, chống phá Gia hạn nhận tác phẩm Cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường ngành Công Thương lần thứ 2 |
“Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thực tế thời gian qua, trong phát triển kinh tế, nhất là các lĩnh vực thuộc ngành Công Thương, việc xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, các “điểm nóng” về môi trường đã và đang được giải quyết kiên quyết. Thế nhưng, các thế lực thù địch và cơ hội chính trị lại hậm hực, chúng luôn rình rập, núp bóng “bảo vệ môi trường” để phá hoại, qua đó xuyên tạc, phủ nhận sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng.
“Ăn theo” các sự cố về môi trường
Cách đây hơn 7 năm, vào đầu tháng 4/2016, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) đã xả thải ra biển miền Trung, gây ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến cá chết hàng loạt dọc bờ biển bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế.
Ngay sau sự cố này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương vào cuộc xác định nguyên nhân, thủ phạm đã gây ra sự cố. Ngay sau khi Đoàn kiểm tra liên ngành chỉ ra các lỗi sai phạm của Formosa Hà Tĩnh, Công ty này đã nhận trách nhiệm về sự cố môi trường biển gây ra tại các tỉnh miền Trung, đồng thời xin lỗi nhân dân và Chính phủ Việt Nam. Đồng thời, chuyển số tiền 500 triệu USD để bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố ô nhiễm môi trường biển và cam kết khắc phục toàn bộ các lỗi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trước khi đưa vào hoạt động.
Cảnh giác với việc núp bóng “bảo vệ môi trường” để phá hoại |
Trong lúc các bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương rốt ráo thực hiện các công việc nhằm khắc phục hậu quả sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung thì một số kẻ đã lợi dụng sự cố này để tung tin bịa đặt, bóp méo sự việc, chính trị hóa vấn đề trên mạng xã hội và báo chí nước ngoài. Một số kẻ cơ hội chính trị đã kích động nhân dân tụ tập đông người gây rối tại trụ sở các cơ quan công quyền. Ở một số tỉnh miền Trung đã xuất hiện hàng chục vụ tuần hành, tụ tập đông người dưới cái gọi là “đấu tranh vì môi trường”, gây trở ngại cho hoạt động giao thông trên quốc lộ 1A, biểu tình trước cổng Formosa, kích động, phản đối chính quyền, vu khống lực lượng chức năng, gây rối tại UBND huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh, ngày 3/4/2017)… Đây là những hành vi coi thường kỷ cương, phép nước, gây phẫn nộ trong các tầng lớp nhân dân, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật.
Gần đây, khi có những thông tin về ô nhiễm không khí ở Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, một số kẻ đã lên mạng xã hội “khuyến nghị” người nước ngoài “hãy rời bỏ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vì ô nhiễm”. Họ còn kêu gọi, tổ chức tụ tập, biểu tình gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn. Họ quy kết “Nhà nước Việt Nam bưng bít thông tin”, “chính quyền thờ ơ với đời sống người dân”… Mục đích của họ là phủ nhận sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu để làm mất niềm tin, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Ở một số địa điểm tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Bình... đã thấy xuất hiện những lời kêu gọi người dân, nhất là giới trẻ tụ tập, tuần hành nhân sự cố môi trường.
Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế
Bảo vệ môi trường là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, trong tình thế “ngàn cân treo đầu sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giành thời gian viết tác phẩm “Đời sống mới” (với bút danh Tân Sinh) kêu gọi xây dựng đời sống văn minh, tiến bộ gắn với giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường: “Trong nhà ngoài vườn, luôn luôn sạch sẽ gọn gàng... Luôn luôn cố gắng, làm cho nhà mình thành một nhà kiểu mẫu trong làng”… “Làm cho làng mình thành một làng phong thuần tục mỹ”. Sau đó, trong rất nhiều bài nói, bài viết, Người vẫn luôn nhắc nhở tầm quan trọng đặc biệt của bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống an lành cho nhân dân.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, trong các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, vấn đề bảo vệ môi trường luôn ở vị trí quan trọng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (năm 1991), Đảng ta khẳng định: “Tuân thủ nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái cho thế hệ hiện tại và mai sau”. Ngày 25/6/1998 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chỉ thị nêu rõ: “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân...; bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiếp tục bổ sung: “… bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững”.
Trước yêu cầu ngày càng cấp bách về vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên thiên nhiên, ngày 3/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW, nhấn mạnh: “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước”.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021) đã đề ra quan điểm, chủ trương thể hiện tính chiến lược và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu: “… Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường…”.
Cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo sự thống nhất, xuyên suốt thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP 26 (năm 2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; giảm 30% lượng phát thải khí methane gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030; tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang điện sạch và Tuyên bố các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.
Thực tế những năm qua tại Việt Nam cho thấy, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu, lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của Nhân dân làm mục tiêu trong chiến lược phát triển đất nước. Bởi vậy, cái gọi là “Đảng, Nhà nước Việt Nam không quan tâm bảo vệ môi trường”, hay Việt Nam “đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”… rõ ràng chỉ là những luận điệu vu khống, xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm kích động nhân dân “xuống đường” theo kiểu “cách mạng đường phố”, “cách mạng cây”, “cách mạng màu”… như đã từng xảy ra ở một số quốc gia nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá chủ nghĩa xã hội.
Ngành Công Thương là trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch
Ngành Công Thương với đặc thù sản xuất công nghiệp và thương mại là lĩnh vực đặc biệt quan trọng của mỗi quốc gia. Với Việt Nam, lĩnh vực công thương hiện đang đóng góp hơn 80% GDP, khoảng 70% thu ngân sách Nhà nước. Công thương cũng là trọng điểm của chống phá của các thế lực thù địch.
Thực tế, trong những năm qua, ngành Công Thương Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong việc xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, các “điểm nóng” về môi trường và từng bước kiểm soát các nguồn thải trong các ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường như thép, nhiệt điện, hóa chất, khoảng sản, luyện kim... .
Tuy nhiên, thực tế vấn đề phát thải gây ảnh hưởng môi trường thường gia tăng theo sự phát triển ngành công nghiệp. Mặt khác, công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển công nghiệp ở nước ta đang gặp nhiều thách thức. Đó là sự thiếu hợp lý trong quy hoạch các cụm, khu công nghiệp; khó khăn trong quản lý, xử lý chất thải phát sinh; khó khăn trong quản lý các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm cao… Chính vì thế, để đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường ngành Công Thương, cần phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ cả về “xây” và “chống”.
Với nhóm giải pháp “xây”, trước hết, cần triển khai tích cực Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025, hướng đến mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường ngành Công Thương đảm bảo đồng bộ, tránh chồng chéo, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn, đặc biệt tập trung vào một số loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; ngăn chặn, kiểm soát các nguồn chất thải gây ô nhiễm và phòng ngừa các sự cố môi trường; sử dụng hiệu quả các loại tài nguyên, nâng cao tỷ trọng tái chế, tái sử dụng các loại phế liệu, sản phẩm phụ và chất thải, hướng tới xây dựng, phát triển và đảm bảo mục tiêu cơ cấu lại ngành Công Thương theo hướng bền vững, thân thiện môi trường.
Hỗ trợ, khuyến khích, động viên các chủ đầu tư đầu tư hệ thống bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp bằng việc ban hành, tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp từng giai đoạn từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; tăng cường phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường.
Bộ Công Thương cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu và đề xuất xây dựng hoặc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát nguồn thải trong một số loại hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao... Thúc đẩy thí điểm các mô hình công nghiệp xanh trong các ngành công nghiệp. Xây dựng mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường. Xây dựng mô hình khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường.
Với nhóm giải pháp “chống”, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong ngành Công Thương. Đồng thời phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở để trang bị cán bộ, đảng viên và nhân dân kiến thức, hiểu biết làm “tấm khiên” bảo vệ, vô hiệu hóa sự trước những thông tin xấu độc. Mặt khác, phải có chế tài đủ mạnh để xử phạt những trường hợp cố tình chia sẻ, lan tỏa các thông tin xấu, sai sự thật để nâng cao ý thức trách nhiệm công dân trong sử dụng mạng xã hội.
Trước mắt, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc điều tra, làm rõ, tìm ra các đối tượng cầm đầu, đứng sau những trang, nhóm núp bóng bảo vệ môi trường chống phá Đảng, Nhà nước, ngụy tạo dẫn chứng và thông tin gây hoang mang trong nhân dân; xử lý nghiêm minh theo quy định của Pháp luật hiện hành. Đồng thời, thu thập, cung cấp đầy đủ bằng chứng vi phạm pháp luật Việt Nam của các facebooker, blogger, youtuber, yêu cầu các nhà mạng phối hợp, sớm gỡ bỏ thông tin xấu độc./.