Doanh nghiệp Việt đăng ký bảo hộ ở nước ngoài còn hạn chế
Theo thống kê, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ở thị trường nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam còn rất ít, ngay cả khi sản phẩm của doanh nghiệp đã có mặt ở nhiều thị trường trọng điểm trên thế giới. Trong cả giai đoạn từ năm 2013-2017, cả nước mới chỉ có 38 sáng chế và 523 nhãn hiệu nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở SHTT ở nước ngoài. Đây là một con số rất khiêm tốn.
Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam ý thức được vai trò của tài sản trí tuệ, thực hiện đăng ký bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp tại thị trường trong nước, nhưng tại thị trường nước ngoài còn rất ít doanh nghiệp Việt Nam thực hiện việc đăng ký. Chính vì vậy đã xảy ra nhiều trường hợp một số tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam bị mất tại nước ngoài do có cá nhân, tổ chức khác đăng ký trước, như câu chuyện của cà phê Trung Nguyên, cà phê Buôn Mê Thuột, võng xếp Duy Lợi…
Bên cạnh đó, những đặc sản gắn liền với chỉ dẫn địa lý của các địa phương cũng thường dễ bị xâm hại thương hiệu nhất, như nước mắm Phú Quốc, xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, kẹo dừa Bến Tre… Trong các siêu thị, cửa hàng ở các nước, không khó để thấy nhiều sản phẩm của Thái Lan, Trung Quốc in lên bao bì sản phẩm là “Bún bò Huế, Hủ tíu Sa Đéc”… Từ thực tế nêu trên, nhiều chuyên gia về SHTT cho rằng, khi doanh nghiệp có ý định đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài, cần có kế hoạch bảo hộ quyền SHTT, tránh những rủi ro có thể xảy ra. Việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở thị trường nào cũng cần tính toán kỹ vì đăng ký thực hiện ở nước nào thì có hiệu lực ở nước đó.
Cần sự hỗ trợ của các bên
Theo PGS-TS Mai Hà, Chủ tịch Hội SHTT Việt Nam, nền kinh tế thị trường tại Việt Nam phát triển không bài bản, dẫn đến nhận thức của người dân nói chung và doanh nghiệp nói riêng về SHTT còn hạn chế. Chiến lược về bảo hộ SHTT ở nước ngoài còn chưa rõ ràng, cụ thể. Chủ tịch Hội SHTT Việt Nam cũng khuyến nghị, các doanh nghiệp sản xuất nông sản Việt chủ yếu là nhỏ và vừa, nguồn lực còn hạn chế, do đó, việc đăng ký bảo hộ SHTT ở nước ngoài nên xác định trước thị trường tiềm năng của mình. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, các hiệp hội và hội chuyên về SHTT để chọn giải pháp thích hợp nhất cho chiến lược phát triển của mình.
Nước mắm Phú Quốc - một trong những thương hiệu từng gặp rắc rồi khi đăng ký bảo hộ tại nước ngoài |
Về vấn đề này, ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục SHTT cũng lưu ý các doanh nghiệp, hiện nay việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài được thực hiện thông qua ba con đường, gồm quốc gia, khu vực và quốc tế. Nghĩa là doanh nghiệp có thể nộp đơn đăng ký bản quyền tại cơ quan SHTT quốc gia, khu vực hoặc sử dụng các hệ thống đăng ký toàn cầu do WIPO (Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới) thiết lập. Hiện Việt Nam đã là thành viên của Hiệp ước Hợp tác về sáng chế (PCT) và Thỏa ước, Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu. Đây là hai hệ thống giúp cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm sự bảo hộ sáng chế ở 152 nước thành viên và bảo hộ nhãn hiệu ở 101 nước thành viên một cách thuận lợi và tiết kiệm.
Hiện nay, Cục SHTT đang hoàn thiện hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn việc gia nhập Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đăng ký bảo hộ đối tượng này ở 68 nước trên thế giới. Việc nộp đơn qua các hệ thống đăng ký của WIPO sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm nhiều thời gian và chi phí. Ông Seth Hay, Trưởng đại diện Văn phòng Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp hội Nhãn hiệu quốc tế cho rằng, nếu tận dụng các hệ thống bảo hộ quyền SHTT quốc tế nói trên một cách hiệu quả, doanh nghiệp không chỉ được đơn giản thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí, mà còn có điều kiện thuận lợi để mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh ra nhiều thị trường.
Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục SHTT cho biết: Trong thời gian qua, Cục SHTT đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của Việt Nam ở nước ngoài thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý trong nước. Cục SHTT sẽ tiếp tục nỗ lực để tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài thông qua việc đàm phán, gia nhập các thỏa thuận quốc tế về SHTT, thực hiện hỗ trợ, tư vấn và cung cấp thông tin, cũng như tham gia giải quyết các tranh chấp phát sinh.