Giữ vị trí là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, việc tìm hiểu quy trình, thủ tục và các quy định bảo vệ thương hiệu là rất cần thiết đối với các doanh nghiệp đã xuất khẩu hoặc đang có kế hoạch xuất khẩu và kinh doanh sản phẩm mang thương hiệu Việt vào thị trường Hoa Kỳ.
Thực tế cho thấy, đã có không ít các nhãn hiểu nổi tiếng của Việt Nam đã bị đăng ký trước ở Hoa Kỳ, và việc lấy lại thương hiệu sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Có nhiều trường hợp doanh nghiệp phải bỏ tiền ra mua lại thương hiệu của chính mình với giá cao, hoặc chấp nhận sử dụng một thương hiệu khác trên đất Hoa Kỳ, hay tốn rất nhiều chi phí luật sư cho việc khởi kiện lấy lại thương hiệu.
Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và thương hiệu nói riêng sẽ giúp doanh nghiệp an toàn tiếp cận thị trường cũng như tránh được các hành vi cạnh tranh không lành mạnh để bảo vệ thương hiệu và thị phần của mình.
Theo tài liệu "Hướng dẫn tiếp cận thị trường Hoa Kỳ: bảo hộ nhãn hiệu thương mại cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ" do Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston biên soạn, việc bảo hộ nhãn hiệu thương mại có tính chất vùng/lãnh thổ, bởi vậy, nhãn hiệu thương mại dù đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam thì vẫn phải đăng ký tại Hoa Kỳ.
Số liệu từ Cục sáng chế và bảo vệ thương hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cho biết, hiện Việt Nam mới chỉ có 1938 thương hiệu được đăng ký với USPTO trong đó chỉ 1090 thương hiệu hiện đang trong tình trạng tồn tại.
Trong khi đó, một số nước xếp sau Việt Nam về kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ lại có số lượng thương hiệu đăng ký lớn hơn Việt Nam nhiều lần, ví dụ Đài Loan là 33.820 thương hiệu được đăng ký, Singapore là 10.811; Malaysia là 2690 (số liệu đến tháng 8 năm 2019).
Theo đó, doanh nghiệp có trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu nhãn hiệu thương mại của chính doanh nghiệp mình, cho dù các cơ quan chính phủ có thể giúp doanh nghiệp thực hiện các biện pháp để ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm. Doanh nghiệp nên chủ động theo dõi để phát hiện bất kỳ việc sử dụng trái phép thương hiệu.
“Nếu doanh nghiệp cho rằng một cá nhân hay một doanh nghiệp khác đã sử dụng trái phép thương hiệu của doanh nghiệp mình, doanh nghiệp nên tham khảo ý kiến chuyên gia pháp lý trước khi liên hệ với bên vi phạm hoặc theo đuổi bất kỳ vụ kiện nào” – Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston khuyến cáo.
Bên cạnh đó, Luật Sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu thương mại nói riêng ở Hoa Kỳ rất phức tạp và chỉ nên được sử dụng khi các phương pháp thực thi khác không thể ngăn chặn hành vi xâm phạm. Nếu việc kiện tụng là cần thiết, thì doanh nghiệp nên sử dụng một luật sư chuyên về luật nhãn hiệu thương mại. Nếu nhãn hiệu thương mại đã được đăng ký, thì nhãn hiệu thương mại đó có thể được lưu hồ sơ tại Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP).
CBP có thể sử dụng các quy trình thực thi để ngăn chặn việc nhập cảnh của hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung vào Hoa Kỳ. Đây là một biện pháp đơn giản và hiệu quả, tiết kiệm để bảo vệ và thực thi quyền sở hữu nhãn hiệu thương mại của doanh nghiệp. Nếu phát hiện vi phạm, với sự giúp đỡ của một luật sư, doanh nghiệp có thể sử dụng một lá thư yêu cầu chấm dứt việc vi phạm.
Việc này cảnh báo người vi phạm và yêu cầu họ dừng mọi hoạt động có thể gây ra vi phạm. Ngoài ra còn có một số phương pháp giải quyết tranh chấp thay thế có thể được sử dụng. Đó là các việc liên quan đến hòa giải hoặc dàn xếp và thường rẻ hơn và nhanh hơn so với kiện tụng.
Doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các hiệp hội kinh doanh và các hiệp hội ngành nghề để đại diện cho doanh nghiệp trong bất kỳ tranh chấp liên quan đến việc sử dụng trái phép nhãn hiệu thương mại của doanh nghiệp mình.
Tài liệu Hướng dẫn tiếp cận thị trường Hoa Kỳ do Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam dự định kinh doanh tại Hoa Kỳ hoặc đang kinh doanh hay xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ hiểu thêm và lưu ý các quy định liên quan đến nhãn hiệu thương mại để có thể sử dụng, bảo vệ và thực thi các quyền mà doanh nghiệp/cá nhân có đối với nhãn hiệu thương mại đang sở hữu. |