Nhiều chiêu trò giả mạo giấy tờ, tài liệu
Theo Luật Đấu thầu năm 2013, đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để kí kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Trên thực tế, hoạt động đấu thầu có vai trò quan trọng, mang lại lợi ích to lớn đối với chủ đầu tư, nhà thầu và nền kinh tế quốc dân nói chung. Công tác đấu thầu được thực hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ xây dựng, mua sắm thiết bị, thực hiện dự án… Đặc biệt trong lĩnh vực công, đấu thầu góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đầu tư và xây dựng, hạn chế và loại trừ được tình trạng thất thoát, lãng phí vốn ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, hoạt động đấu thầu còn thúc đẩy chuyển giao công nghệ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giữa các quốc gia, các tổ chức phát triển với các quốc gia đang phát triển.
Mặc dù với những hành lang pháp lý đã có, hoạt động đấu thầu đã có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, hoạt động này cũng còn một số tồn tại, hạn chế, đặc biệt là tình trạng làm giả các giấy tờ, hồ sơ để tham dự thầu.
Thời gian qua, nhiều vụ việc giả mạo giấy tờ, hồ sơ để tham dự các gói thầu cũng đã bị chủ đầu tư, các cơ quan chức năng phát hiện. Điển hình như vụ việc tổ chuyên gia của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Triệu Sơn (Thanh Hoá) phát hiện hồ sơ dự thầu của Công ty Cổ phần tu bổ di tích Trung ương Vinaremon có một bằng tốt nghiệp đại học mang tên ông Nguyễn Đình Long có dấu hiệu giả mạo.
Trong văn bản trả lời Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Triệu Sơn về việc hỗ trợ xác minh thông tin văn bằng của ông Nguyễn Đình Long do nhà thầu đăng tải, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội xác nhận về bằng cấp của cá nhân ông Nguyễn Đình Long không có thông tin trong hồ sơ dữ liệu sinh viên tốt nghiệp của nhà trường. Điều này đồng nghĩa với việc bằng cấp mang tên Nguyễn Đình Long được Vinaremon sử dụng là giả.
Một vụ việc khác xảy ra vào tháng 6/2024 là việc Công ty Cổ phần Kapal sử dụng giấy chứng nhận đăng ký xe máy chuyên dùng, giấy chứng nhận kiểm tra an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường, hợp đồng thuê thiết bị giả mạo để tham dự gói thầu xây lắp thuộc công trình Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Triệu Đại, hạng mục: Nhà 2 phòng học (Triệu Phong, Quảng Trị).
Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Gia Phúc sử dụng giấy chứng nhận ISO giả mạo để tham dự gói thầu do Trung tâm Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường vùng 3 tổ chức. (Ảnh: Phong Lâm) |
Hồi cuối tháng 7/20204, Viện Nghiên cứu Phát triển Tiêu chuẩn Chất lượng (Viện ISSQ) phản ánh tới Báo Công Thương về việc Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Gia Phúc sử dụng giấy chứng nhận ISO có nhiều dấu hiệu giả mạo mẫu giấy chứng nhận do Viện ISSQ cấp.
Sau khi nhận được văn bản của Trung tâm Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường vùng 3, Viện ISSQ đã có văn bản phản hồi. Trong đó, nêu rõ, Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Gia Phúc không có trong danh sách khách hàng của Viện ISSQ và giấy chứng nhận ISO 9001:2015 có số HT 234-82 không phải do Viện ISSQ phát hành.
Điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Gia Phúc vướng vào “lùm xùm” về giả mạo giấy tờ, hồ sơ dự thầu. Bởi vào hồi tháng 8/2019, Giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Long đã ban hành quyết định cấm Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Gia Phúc tham gia hoạt động đấu thầu đối với toàn bộ các gói thầu do Điện lực Vĩnh Long tổ chức đấu thầu trong thời gian 4 năm. Lý do là Nhà thầu Gia Phúc đã cung cấp thông tin không trung thực khi dự thầu 1 gói thầu đấu thầu qua mạng tại đơn vị này vào tháng 5/2019.
Tại thời điểm đó, nhà thầu Gia Phúc cung cấp chứng thư bảo lãnh dự thầu do Ngân hàng TMCP Phương Đông - Chi nhánh Phú Lâm phát hành. Tuy nhiên, Ngân hàng TMCP Phương Đông - Chi nhánh Phú Lâm đã có Công văn số 0720/2019/CV-OCBPL ngày 20/6/2019 xác nhận chưa từng phát hành chứng thư bảo lãnh với các nội dung như chứng thư mà Công ty Điện lực Vĩnh Long đã nhận được từ nhà thầu Gia Phúc.
Cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng
Theo ông Nguyễn Đỗ Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng Nhận Quốc Gia GOODVIETNAM, việc sử dụng giấy tờ, hồ sơ, tài liệu giả, cung cấp thông tin không chính xác để tham gia đấu thầu các dự án sẽ tiềm ẩn những hệ lụy khó lường.
Bởi khi các nhà thầu không có đủ năng lực, kinh nghiệm thực tế sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng công trình, gây tác động xấu tới môi trường đầu tư, kinh doanh, ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Thời gian qua, Công ty Cổ phần chứng nhận Quốc gia GOODVIETNAM cũng đã phát hiện một số cá nhân, tổ chức có hành vi giả mạo giấy chứng nhận ISO theo mẫu mà công ty cấp cho khách hàng. Sau đó, sử dụng vào mục đích thương mại, đánh lừa khách hàng, đối tác. “Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức kinh doanh, vi phạm pháp luật”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, để hạn chế tình trạng gian lận, sử dụng giấy tờ, tài liệu giả mạo để tham dự thầu, cơ quan chức năng cần có các biện pháp răn đe mạnh hơn, quyết liệt hơn, ví dụ như tăng mức phạt, tăng thời hạn cấm tham dự thầu.
Bên cạnh đó, các đơn vị chủ đầu tư cần xem xét kỹ hồ sơ của các đơn vị dự thầu trước khi quyết định lựa chọn thầu. Cần tăng cường việc trao đổi, kiểm tra chéo thông tin trong hồ sơ doanh nghiệp tự khai với thực tế.
Liên quan tới vấn đề trên, trao đổi với báo chí, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) cho biết, nhà thầu phải có trách nhiệm về tính chính xác, trung thực đối với các tài liệu, thông tin mà nhà thầu đưa ra trong hồ sơ dự thầu.
Trường hợp nhân sự gian lận đối với các bằng cấp trong hồ sơ tự khai của mình thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm vì đã quan liêu, thiếu trách nhiệm trong việc sử dụng nhân sự, không kiểm tra tính xác thực đối với các tài liệu của nhân sự thuộc quyền quản lý của nhà thầu và hồ sơ dự thầu.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, tùy từng trường hợp, tính chất, mức độ trong từng sự việc, chủ đầu tư, bên mời thầu đưa ra các hình thức xử lý đối với nhà thầu có hồ sơ dự thầu thiếu trung thực như cảnh cáo, nhắc nhở, xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc chuyển cơ quan điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có) để răn đe. Ngoài việc bị xử lý như trên, chủ đầu tư có thể đề xuất cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các tổ chức, cá nhân gian lận.