Tập trung xây dựng chiến lược tổng thể đầu tư, phát triển doanh nghiệp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hóa EVNGENCO2 |
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh yêu cầu này tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 của Ủy ban, ngày 25/12 tại Hà Nội.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh phát biểu tại Hội nghị |
Thực hiện tốt vai trò dẫn dắt của kinh tế nhà nước
Báo cáo của Ủy ban cho thấy, năm 2020, Ủy ban đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo ổn định xã hội, thực hiện tốt vai trò dẫn dắt của kinh tế nhà nước trong thời điểm nhiều thách thức; thực hiện các giải pháp điều hành sản xuất kinh doanh mà các tập đoàn, tổng công ty đã đề ra.
Cụ thể, Ủy ban đã báo cáo, tham mưu Ban cán sự đảng Chính phủ, Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam; tổ chức Hội nghị với 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc để đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 và đề ra các giải pháp đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020.
Về công tác thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp ngành công thương, Ủy ban đã rà soát, tổng hợp các hồ sơ, tài liệu, báo cáo và nắm tình hình thực tế của doanh nghiệp; trên cơ sở đó, đã phân tích, đánh giá, tham mưu… cho các cấp có thẩm quyền; đề xuất một số nội dung mới, có tính quyết liệt để xử lý nhanh hơn đối với các dự án, doanh nghiệp; phương án xử lý phù hợp tình hình thực tế, theo cách tiếp cận sớm xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho Nhà nước…
Tuy nhiên, trong năm 2020, việc phê duyệt báo cáo tài chính, báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; thực hiện xếp loại doanh nghiệp; lập báo cáo giám sát tài chính đối với doanh nghiệp chưa đảm bảo được thời gian theo quy định. Công tác đánh giá người quản lý doanh nghiệp, người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp và công tác phê duyệt tiền lương còn chậm.
Cùng với đó, xử lý một số công việc của doanh nghiệp còn chưa bảo đảm tiến độ. Nguyên nhân là số ượng công việc các tập đoàn, tổng công ty báo cáo Ủy ban nhiều, một số công việc khá phức tạp, trong khi đó số lượng cán bộ chuyên môn của Ủy ban chưa đủ, có những quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý vốn nhà nước, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và sắp xếp lại nhà, đất công còn chưa đủ rõ, vướng mắc khi thực hiện... Một số quy định pháp luật liên quan đến quản lý doanh nghiệp còn chưa đồng bộ, thậm chí còn quy định khác nhau, một số quy định còn có cách hiểu khác nhau hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể...Bên cạnh đó, nhìn chung việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty còn chậm.
Tập trung 12 nhiệm vụ cụ thể
Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh nêu phương hướng và 12 nhiệm vụ cụ thể Ủy ban triển khai trong năm 2021, như tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ủy ban phù hợp với yêu cầu hoàn thiện mô hình cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.
Rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn hoặc xem xét sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật còn chưa đầy đủ, rõ ràng, thống nhất và chưa hợp lý.
Đáng chú ý, thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ theo thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty. Duy trì kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; không để tình trạng mất vốn nhà nước hoặc sử dụng vốn nhà nước không có hiệu quả. Giải quyết các vấn đề tập đoàn, tổng công ty báo cáo xin ý kiến về hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, công tác cán bộ một cách khẩn trương nhất, đúng quy định của pháp luật.
“Trong đó, chú trọng xem xét để bảo đảm các dự án đầu tư phải có hiệu quả, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước, phù hợp chiến lược phát triển và không vượt quá năng lực của doanh nghiệp; xác định giá trị doanh nghiệp, phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chặt chẽ, không để thất thoát vốn, tài sản nhà nước”- Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh lưu ý.
Người đứng đầu Ủy ban đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thực hiện nghiêm túc các quy định về: giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh hiệu quả hoạt động và công khai tài chính, công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước; giám sát theo các quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty, nhất là công tác giám sát tài chính, giám sát đầu tư.
Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành những quy định cụ thể, đúng pháp luật để bảo đảm quan hệ kinh tế, tài chính giữa Nhà nước và các tập đoàn, tổng công ty, nhất là các quyền, nghĩa vụ được thực hiện đầy đủ, minh bạch theo quy định của pháp luật, phù hợp cơ chế thị trường.
“Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; việc phục vụ các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội được xác định rõ chi phí để Nhà nước bù đắp và được làm rõ khi đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hoàng Anh nêu cụ thể.
Trên cơ sở đó, Ủy ban chỉ đạo việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời lập kế hoạch và thực hiện tiếp tục cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp tiếp nhận theo đúng tiến độ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả ngành công thương. Tập trung rà soát, phát hiện các dự án, doanh nghiệp đang thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả khác của các doanh nghiệp để chỉ đạo xử lý. “Các tập đoàn, tổng công ty phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Khẩn trương đổi mới, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp theo cơ chế kinh tế thị trường và các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế…”- Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh giao nhiệm vụ.