Phát triển doanh nghiệp ưu tiên đầu tư phát triển ngành
Báo cáo tại cuộc họp của Tổ công tác xây dựng Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp của Ủy ban ngày 21/12, ông Phạm Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ủy ban) cho biết: Hiện nay, 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu nhà nước là các doanh nghiệp nhà nước lớn với tổng tài sản trên 2,3 triệu tỷ đồng; hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh quan trọng và được giao quản lý, khai thác nhiều nguồn tài nguyên trọng yếu của đất nước. Trong đó, có 12 tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 7 tập đoàn, tổng công ty đã cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Tổng số doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty là 871, trong đó có 479 công ty con, 368 công ty liên kết và 24 đơn vị sự nghiệp (cơ sở đào tạo, cơ sở y tế, viện nghiên cứu). Về các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19, tổng doanh thu của 18/19 tập đoàn, tổng công ty trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 731.073,63 tỷ đồng; Tổng nộp ngân sách của 17/19 tập đoàn, tổng công ty đạt 86.754,88 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng chủ trì cuộc họp của Tổ công tác xây dựng Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp của Ủy ban. |
Trên cơ sở Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Nghị định 131), ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Công văn số 6862/VPCP-ĐMDN ngày 18/8/2020 của Văn phòng Chính phủ, giao Ủy ban xây dựng Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban (Chiến lược tổng thể). Theo đó, ngày 9/9/2020, Chủ tịch Ủy ban đã ban hành Quyết định số 410/QĐ-UBQLV thành lập Tổ công tác xây dựng Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban.
Cụ thể, chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp dự kiến bao quát một số vấn đề gồm: Mức độ ưu tiên đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực theo từng thời kỳ, chu kỳ kinh tế trong nước và thế giới; Phân phối nguồn lực hữu hạn (bao gồm tài chính, công nghệ, kỹ thuật, lao động,…) được Nhà nước giao; Đánh giá cụ thể lợi thế so sánh của từng doanh nghiệp về quy mô, thị phần thị trường nắm giữ, khoa học, kỹ thuật, giá trị thương hiệu, khả năng thích ứng, chuyển đổi công nghệ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Văn Thành - Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho rằng, để xây dựng chiến lược tổng thể phù hợp, có tính thực tiễn cao, trước hết cần phải xác định rõ mục tiêu của chiến lược. Ủy ban được Nhà nước giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại các doanh nghiệp nhà nước nên cần xây dựng chiến lược để tối đa hóa hiệu quả số vốn được giao, dựa trên cơ sở chiến lược kinh tế - xã hội tổng thể của quốc gia. Việc đánh giá thực trạng mối liên kết giữa các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban là vấn đề cần ưu tiên để có thể xác định ưu, nhược điểm trong việc kết nối giữa các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng nêu ý kiến, trong quá trình xây dựng chiến lược, Ủy ban cùng các doanh nghiệp cần đánh giá tác động của môi trường kinh tế vĩ mô, ưu, nhược điểm của các yếu tố tác động. Về đánh giá tình hình tài sản và vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp, Ủy ban có thể hỗ trợ một doanh nghiệp xác định thông qua hình thức thoái vốn tại doanh nghiệp khác. “Mong muốn Ủy ban sẽ có những định hướng cụ thể trong chiến lược tổng thể, nhất là lộ trình thoái vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp để các doanh nghiệp có cơ sở tham khảo trong việc xây dựng chiến lược riêng bên cạnh các quy định của pháp luật Nhà nước”- ông Sơn bày tỏ.
Với nội dung này, ông Nguyễn Chí Thành - Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đánh giá, việc xây dựng chiến lược tổng thể là tất yếu trên cơ sở Nghị định số 131 cần xác định vốn tại các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban chỉ là một trong những đối tượng do Ủy ban quản lý bên cạnh các nguồn lực khác của Nhà nước. Mục tiêu của chiến lược tổng thể cần gắn kết chặt chẽ với đề án thành lập Ủy ban là cơ quan đại diện chủ sở hữu nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp và phải xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của việc thành lập này.
Đối với danh sách đối tượng quản lý của Ủy ban là 19 Tập đoàn, Tổng công ty, ông Nguyễn Chí Thành cho rằng việc phân nhóm doanh nghiệp đã được thực hiện phù hợp với chiến lược phát triển ngành nghề kinh doanh. Ngoài ra, Ủy ban cần tập trung quản lý 3 vấn đề gồm vốn, nhân lực và cơ chế, chính sách. Ngoài ra, mục tiêu, phạm vi và cách thức quản trị đối với các doanh nghiệp trực thuộc là những yếu tố Ủy ban cần xác định rõ trong xây dựng đề cương chiến lược tổng thể, đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt.
Tiếp tục phát triển 19 Tập đoàn, Tổng công ty theo đúng định hướng
Đóng góp ý kiến cụ thể cho chiến lược tổng thể đầu tư, phát triển doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Hiển - Vụ trưởng Vụ Công nghệ - Hạ tầng cho biết biết: Hiện mỗi ngành, doanh nghiệp đều có chiến lược phát triển tổng thể riêng. Tuy nhiên, chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp Ủy ban đang xây dựng sẽ có nhiều đặc điểm khác so với chiến lược riêng của mỗi doanh nghiệp. Nội dung chính của chiến lược tổng thể tập trung theo hướng quản lý tổng thể dòng vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp hay phân bổ tài sản.
Theo ông Nguyễn Hồng Hiển, việc xây dựng chiến lược này của Ủy ban sẽ gắn với chiến lược cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp trong thời gian tới và cần đánh giá tổng thể hiệu quả sử dụng vốn theo phân nhóm ngành nghề, lĩnh vực hoặc nhóm doanh nghiệp. Trên cở sở đó, Ủy ban sẽ xác định phương thức phân bổ nguồn tiền của Nhà nước như thoái vốn, đẩy mạnh cổ phần hóa và tập trung nguồn vốn cho các Tập đoàn, Tổng công ty phát triển. Trong thời gian tới, Tổ công tác xây dựng Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp của Uỷ ban cần đẩy mạnh hoạt động; tiến hành các chuyến thị sát tại các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban, làm việc với các Bộ, ban, ngành chức năng nhằm đảm bảo chiến lược tổng thể của Ủy ban có thể tương hợp với chiến lược phát triển của các Bộ, ngành này. Ngoài ra, Tổ công tác cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII về chủ trương phát triển các doanh nghiệp nhà nước cũng như các thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
“Việc xây dựng chiến lược tổng thể phát triển các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban là cần thiết, theo đó, ngoài chức năng là cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu của Nhà nước, Ủy ban có thêm một chức năng lớn được Chính phủ kì vọng đó là việc xây dựng chính sách phát triển tổng thể cho công tác quản lý, bảo toàn cũng như phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp” - ông Nguyễn Hồng Hiển nhấn mạnh.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Tổ công tác, ông Phạm Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Ủy ban nhận định: Chiến lược tổng thể phát triển doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban đề cập bao quát các nguồn lực: tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, tài chính - đầu tư, nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ,… với mục đích phát triển 19 Tập đoàn, Tổng công ty của Ủy ban theo đúng định hướng của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phù hợp với quy hoạch của các ngành nghề, lĩnh vực. Chiến lược tổng thể của Ủy ban dự kiến quy định các thành phần như mục tiêu, nguyên tắc, phương thức, cần phù hợp và là cơ sở để mỗi doanh nghiệp trực thuộc có thể xây dựng chiến lược phát triển riêng.
Về cơ sở pháp lý của chiến lược, Vụ Tổng hợp sẽ tiếp tục phối hợp với các Vụ
Kết luận cuộc họp, - ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẳng định, việc xây dựng chiến lược tổng thể đầu tư, phát triển doanh nghiệp thuộc Ủy ban có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng với hướng tiếp cận quản lý vốn doanh nghiệp. Chiến lược tổng thể cần phân tích thêm vai trò các hoạt động đầu tư - kinh doanh đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong đó nhiệm vụ của Ủy ban là đầu tư vốn.
Theo Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng, dù tiếp cận theo hướng Ủy ban là cơ quan hành chính Nhà nước quản lý nguồn vốn hay nhà đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nội dung chính sẽ vẫn bao gồm một số vấn đề quan trọng nhất như sắp xếp, tái cơ cấu danh mục tại các doanh nghiệp thuộc Ủy ban cũng như tại công ty con hay công ty liên kết; định hướng nguồn lực theo phương thức thoái vốn, phân bổ lại nguồn lực…. Từ đó, đề ra các giải pháp cụ thể của từng doanh nghiệp, tháo gỡ các cơ chế, chính sách liên quan.