Chưa đến Trung thu, buôn lậu bánh trung thu đã rục rịch "vào mùa" |
Ghi nhận trên nhiều con phố ở Hà Nội như: Xã Đàn, Phạm Ngọc Thạch, Cầu Giấy… các gian hàng bán bánh trung thu của nhiều thương hiệu đã được dựng lên cách đây 1 tuần để đón đầu dịp Rằm tháng 7.
Có thể thấy, 2 năm trước, do dịch Covid-19, thị trường bánh trung thu có phần trầm lắng thì năm nay, đã khởi động sớm hơn. Nhiều doanh nghiệp đã trưng bày, bày bán bánh trung thu với nhiều mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh bánh trung thu |
Chị Nguyễn Thu Thủy - phụ trách quầy bánh trung thu trên đường Cầu Giấy - cho biết, thời gian này, khách mua chủ yếu vẫn là khách lẻ, mua để thưởng thức và biếu tặng cá nhân. Khách hàng tổ chức, doanh nghiệp đang được chào giá để đặt hàng với số lượng lớn. Nhìn chung, thị trường năm nay có tín hiệu tích cực hơn so với năm trước.
Trong Tết Trung thu năm nay, đại diện các đơn vị sản xuất, kinh doanh cho biết, hầu hết các nguyên vật liệu đầu vào để làm bánh đều tăng giá mạnh. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá bán bánh trung thu các loại cũng được đẩy lên cao kỷ lục so với những năm trước.
Đơn cử, bánh Kinh Đô loại có giá bán thấp nhất cũng lên tới 55.000 đồng/cái (bánh dẻo không trứng 180g), còn bánh mặn 2 trứng lên tới 122.000 - 167.000 đồng/cái (210g) - tức bằng 1/2 hộp bánh (4 cái) vào những năm trước. Bánh Như Lan thập cẩm gà quay 2 trứng 125.000 đồng/cái (250g). Một số bánh đặc biệt như gà quay xốt X.O Kinh Đô giá 390.000 đồng/cái (4 trứng, 800g); bánh trung thu Như Lan yến sào vi cá 750.000 đồng/cái (8 trứng, 1,2 kg). Còn chủ một cơ sở sản xuất bánh trung thu tại Liên Ninh (Hà Nội) thông tin, giá bánh trung thu các loại năm nay tăng 15% - 25% do chi phí đầu vào tăng mạnh.
Trên một số nền tảng mạng xã hội đã xuất hiện nhiều bài viết liên quan đến mua bán, đặt hàng bánh trung thu. Hiện tại, nhiều thương hiệu đã tung ra sản phẩm bán sôi nổi trên "chợ mạng". Ngoài ra, bánh trung thu handmade cũng khởi động, được dự đoán sẽ "chiếm sóng" trong năm nay, khi dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng tìm đến việc mua online nhiều hơn.
Bên cạnh các sản phẩm bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thời điểm này, các loại bánh trung thu "3 không" - không rõ nguồn gốc, không rõ chất lượng, không đảm bảo an toàn sử dụng - đã rục rịch "vào vụ". Vừa qua, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra và tạm giữ hơn 5.000 bánh trung thu có nhãn hiệu bằng chữ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Hay tại khu vực các tỉnh phía Nam, Cục Quản lý thị trường Tây Ninh đã phát hiện gần 500 chiếc bánh trung thu và nhiều bánh kẹo các loại không nhãn hiệu, địa chỉ sản xuất.
Dịp Tết Trung thu sắp tới, lực lượng quản lý thị trường cả nước sẽ tăng cường quản lý địa bàn, thu thập thông tin, giám sát thị trường để kịp thời triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường. Song song đó, kịp thời ngăn chặn, xử lý các vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng như có tên, địa chỉ của nhà sản xuất, có hướng dẫn sử dụng và bảo quản. |