Siết chặt kiểm soát, chặn bánh trung thu lậu trên thị trường Quản lý thị trường Hà Nội: Thu giữ hơn 5.000 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc |
Mặc dù còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Trung thu nhưng một số cơ sở kinh doanh đã bắt đầu gom các loại mẫu bánh trung thu "3 không" (không rõ nguồn gốc, không rõ chất lượng, không đảm bảo an toàn sử dụng) để chuẩn bị "bung hàng".
Những ngày qua, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã liên tục phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh bánh trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Điển hình, Đội Quản lý thị trường số 24 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội vừa kiểm tra và tạm giữ hơn 5.000 bánh trung thu có nhãn hiệu bằng chữ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Lô hàng này thuộc về hộ kinh doanh Phan Thị Nhàn tại xóm Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức. Bà Nhàn cho biết, số hàng được mua trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời và đều không có hóa đơn chứng từ.
Tương tự, tại khu vực các tỉnh phía Nam, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Tây Ninh cũng phát hiện nhiều sản phẩm bánh trung thu và bánh kẹo các loại không nhãn hiệu, địa chỉ sản xuất. Chủ hộ kinh doanh là ông Phạm Văn Thanh không thể xuất trình hóa đơn theo quy định cho đoàn kiểm tra. Sau quá trình kiểm đếm, Đội Quản lý thị trường số 1 đã lập biên bản tạm giữ, niêm phong gần 500 chiếc bánh trung thu, bánh bông lan các loại.
Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội vừa tạm giữ hơn 5.000 bánh trung thu không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ |
Từ vụ việc tạm giữ hơn 5.000 bánh trung thu, lãnh đạo Đội Quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, những năm gần đây, lực lượng chức năng liên tục triệt phá nhiều kho, xưởng chứa trữ bánh trung thu nhập lậu, giá rẻ. Thông thường, các đối tượng thu gom, mua trôi nổi hàng hóa từ các tỉnh biên giới phía Bắc với giá rất rẻ, sau đó bán kiểm lời với giá cao gấp nhiều lần.
“Thị trường bánh trung thu thường có xu hướng tiêu thụ mạnh vào thời điểm cận dịp lễ truyền thống. Vì vậy, tình trạng một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn nhập hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ về bán kiếm lời vẫn xảy ra” - đại diện Đội Quản lý thị trường số 24 nhận định.
Thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường cả nước sẽ tăng cường quản lý địa bàn, thu thập thông tin, giám sát thị trường để kịp thời triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Trung thu sắp tới.
Song song đó, kịp thời ngăn chặn, xử lý các vị phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu như: bánh kẹo, hoa quả, đồ chơi... Đồng thời, chú trọng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã, nhãn hiệu, chất lượng, an toàn thực phẩm, đo lường, các nguyên liệu, thành phẩm có nguồn gốc nước ngoài.
Trước đó, năm 2021, trước tình trạng bánh trung thu tràn lan các loại hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã đưa ra cảnh báo việc nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng; đa phần, sản phẩm này được rao bán, chạy quảng cáo thường xuyên trên mạng xã hội, các nhóm cộng đồng mua bán online, cộng đồng các khu dân cư. Nhiều sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép, thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm, thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, cơ quan quản lý của Bộ Công Thương khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng như có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng và bảo quản.
Trong đó, sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Sản phẩm cần đảm bảo không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo, người tiêu dùng tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu. Người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương.
Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, khách hàng không nên mua ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn, chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.