Bản tin quân sự ngày 1/2: Tên lửa Zircon phóng từ tàu ngầm
Nga hoàn tất thử nghiệm phóng tên lửa Zircon từ tàu ngầm; Ấn Độ chọn đối tác đóng tàu ngầm phi hạt nhân nội địa là những nội dung của bản tin quân sự thế giới hôm nay.
Nga hoàn tất thử nghiệm phóng tên lửa Zircon từ tàu ngầm
Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga đăng tải, vụ phóng tên lửa hành trình siêu thanh Zircon từ tàu ngầm trong khuôn khổ các cuộc thử nghiệm đã hoàn tất.
Tổng giám đốc kiêm Tổng công trình sư của NPO Mashinostroyeniya, Alexander Leonov công bố bên lề Hội thảo khoa học về du hành vũ trụ, xác nhận: “Chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm. Có cả một chương trình độc lập. Các tàu đang được trang bị theo thứ tự do Bộ Quốc phòng thiết lập”.
Tên lửa chống hạm siêu vượt âm Zircon có thể đạt tốc độ lên tới Mach 9; được trang bị cho tàu ngầm hạt nhân của Đồ án 885M Yasen-M và tàu khu trục của Đồ án 22350. Chúng cũng có thể được đưa vào kho vũ khí của tàu tuần dương hạng nặng Đô đốc Nakhimov.
Tên lửa chống hạm siêu vượt âm Zircon. Ảnh: Topwar |
Vào tháng 12/2024, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, tàu ngầm Arkhangelsk thuộc Đồ án 885M có khả năng mang tên lửa Zircon đã gia nhập Hải quân Nga. Vào tháng 2 cùng năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, trong chiến dịch quân sự đặc biệt, quân đội Nga đã sử dụng tên lửa siêu thanh Kinzhal và Zircon. Chúng đã khẳng định tính năng của mình trong chiến đấu.
Ấn Độ chọn đối tác đóng tàu ngầm phi hạt nhân nội địa
Tập đoàn đóng tàu hải quân Đức TKMS đã thông báo rằng, họ đã hợp tác với công ty đóng tàu Ấn Độ Mazagon Dockyard Limited (MDL).
MDL là một xưởng đóng tàu có tuổi đời gần một thế kỷ, tọa lạc tại Mazagaon, Mumbai. Đây là cơ sở đóng tàu lưỡng dụng chuyên sản xuất tàu nổi và tàu ngầm cho Hải quân Ấn Độ.
Đại diện ThyssenKrupp Marine Systems (TKMS) cho biết, hồ sơ dự thầu cho Đồ án P75I, bao gồm 6 tàu ngầm thông thường, đã được gửi tới Bộ Quốc phòng Ấn Độ và đang đợi chờ giai đoạn đánh giá tiếp theo.
Thiết kế tàu ngầm phi hạt nhân mới của Ấn Độ với công nghệ động cơ không phụ thuộc vào không khí ngoài. Ảnh: Defense News |
Ngoài quan hệ đối tác MDL-TKMS giữa Ấn Độ và Đức, tập đoàn L&T của Ấn Độ và Navantia của Tây Ban Nha cũng cạnh tranh để tiếp tục tham gia và triển khai dự án. Tuy nhiên, các đề xuất thực hiện của họ được cho là không khả thi.
Tàu ngầm S80 được đề xuất bởi quan hệ đối tác này, nhưng việc thiếu tàu ngầm chạy bằng động cơ không phụ thuộc vào không khí ngoài (AIP) được cho là lý do chính khiến quan hệ đối tác này rút lui khỏi việc tham gia. Vì vậy, ứng dụng MDL - TKMS hiện là lựa chọn duy nhất mà Bộ Quốc phòng có thể sử dụng.
Đồ án P75I đưa Ấn Độ trở lại nơi nó bắt đầu, khi HDW của Đức thành lập quan hệ đối tác với MDL vào những năm 1980 để chế tạo tàu ngầm SSK lớp HDW Type 209. Bốn tàu ngầm đầu tiên được chế tạo và được bàn giao cho Hải quân Ấn Độ vận hành với tên gọi là lớp Shishumar.
Giới chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ đánh giá, mục tiêu chính của chương trình P75I là cung cấp chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật để đạt được mục tiêu cho phép Ấn Độ chế tạo và thiết kế tàu ngầm của riêng mình.
Pháp nâng cấp xe tăng Lecler MDX
Tổng cục Vũ khí (DGA) thuộc Bộ Quốc phòng Pháp đã công bố hợp đồng nâng cấp 100 xe tăng Leclerc của quân đội nước này lên cấu hình Leclerc XLR. Như vậy, tổng số xe tăng sẽ được hiện đại hóa đã lên tới 200 chiếc.
Hợp đồng trị giá 330 triệu Euro để phát triển dự án hiện đại hóa 200 xe đang phục vụ trong quân đội Pháp kể từ những năm 1990. Xe tăng chiến đấu chủ lực Leclerc đã được trao cho Nexter vào tháng 3/2015.
Xe tăng Leclerc XLR. Ảnh: Topwar |
Vào tháng 6/2021, DGA đã trao cho Nexter Systems hợp đồng tiến hành sửa chữa và hiện đại hóa 50 xe tăng chiến đấu chủ lực đầu tiên. Vào tháng 12/2022, Tổng cục Vũ khí Pháp đã ký hợp đồng với công ty để tiến hành sửa chữa và hiện đại hóa 50 xe tăng chủ lực Leclerc theo tiêu chuẩn Leclerc XLR.
Tính đến tháng 12/2024, DGA đã chuyển giao 34 xe tăng Leclerc XLR hiện đại cho Quân đội Pháp. 21 xe tăng đã được giao trong năm 2024. Công việc này đang được thực hiện tại nhà máy KNDS Pháp ở Roanne.
Xe tăng Leclerc XLR nâng cấp dự kiến sẽ tiếp tục phục vụ cho đến những năm 2040, khi nó được thay thế bằng loại xe tăng được phát triển theo chương trình Hệ thống tác chiến mặt đất chủ lực (MGCS) của Pháp-Đức.
Việc hiện đại hóa xe tăng Leclerc chủ yếu nhằm mục đích tích hợp xe tăng này vào các nhóm chiến thuật vũ trang liên hợp của Lục quân Pháp trong khuôn khổ chương trình Scorpion. Xe tăng Leclerc XLR được trang bị các hệ thống cảnh báo và liên lạc giống như xe Scorpion: Thiết bị điện tử, hệ thống trao đổi thông tin và điều khiển chiến đấu kỹ thuật số SICS (Systeme d'Information et de Combat SCORPION) và các đài phát thanh liên lạc của Thales.
Ngoài ra, để thích ứng với các mối đe dọa mới, khả năng bảo vệ phương tiện khỏi mìn chống tăng, thiết bị nổ tự chế và súng phóng tên lửa chống tăng đã được tăng cường. MBT được trang bị hệ thống gây nhiễu Thales BARAGE và bộ bảo vệ bổ sung.
Đến cuối năm 2025, xe tăng Leclerc XLR được trang bị module vũ khí điều khiển từ xa T2B (RCWM) với súng máy 7,62 mm từ công ty FN Herstal của Bỉ để chiến đấu trong đô thị. Hỏa lực sẽ được tăng cường nhờ hệ thống kiểm soát hỏa lực mới cho phép bắn loại đạn 120mm tiên tiến, bao gồm: Hệ thống ngắm kỹ thuật số mới, đa năng và có thể lập trình dành cho pháo thủ và chỉ huy. Xe tăng được trang bị hệ thống bảo vệ NBC và hệ thống quang-điện tử mới.