Bản tin quân sự 31/1: Su-57 của Nga có thể trang bị tên lửa siêu vượt âm Kinzhal
Máy bay chiến đấu Su-57 trang bị tên lửa Kinzhal; Pháp sẽ cung cấp 80 máy bay Rafale cho UAE là những nội dung của bản tin quân sự thế giới hôm nay.
Máy bay chiến đấu Su-57 trang bị tên lửa Kinzhal
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57 của Nga có thể được trang bị tên lửa siêu vượt âm Kinzhal, bất chấp khả năng tàng hình của máy bay. Khả năng trang bị tên lửa mới cho máy bay chiến đấu đã được Phi công quân sự công huân của Nga, Thiếu tướng đã nghỉ hưu Vladimir Popov chia sẻ trong cuộc trò chuyện với hãng tin NEWS.ru.
“Tôi nghĩ Su-57 sẽ có thể mang được tên lửa Kinzhal. Nhưng vấn đề là ở đây là máy bay mất đi yếu tố tàng hình. Đây có lẽ là lý do duy nhất khiến chúng ta không đặt thùng chứa hoặc khoang chứa bom cho tổ hợp Kinzhal trên Su-57. Tôi cho rằng họ đang thử nghiệm một phiên bản Kinzhal dành riêng cho máy bay chiến đấu”, ông Vladimir Popov nói.
Máy bay chiến đấu Su-57. Ảnh: TASS |
Thiếu tướng Popov lưu ý rằng với tên lửa Kinzhal, tín hiệu radar của Su-57 bị tăng lên tương đương với máy bay thế hệ thứ 4. Vũ khí mới sẽ biến máy bay chiến đấu của Nga thành mục tiêu dễ bị phát hiện hơn trên không.
Đầu tháng 1/2024, lãnh đạo Tập đoàn nhà nước Rostec, Sergei Chemezov tuyên bố rằng sản lượng máy bay chiến đấu Su-57 tại Nga sẽ được tăng lên bằng cách mở rộng năng lực sản xuất của Tập đoàn chế tạo hàng không thống nhất.
Pháp sẽ cung cấp 80 máy bay Rafale cho UAE
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu cho biết nước này sẽ bắt đầu cung cấp máy bay chiến đấu Rafale cho UAE vào năm 2027.
"Tại Istres (một thành phố ở phía Đông Nam nước Pháp), đồng nghiệp Mohamed Mubarak Fadel al-Mazrouei và tôi đã kiểm tra chiếc Rafale đầu tiên được sản xuất cho Lực lượng vũ trang UAE", ông Lecornu viết trên mạng xã hội.
"Nó sẽ phục vụ cho các cuộc thử nghiệm đầu tiên trước khi quá trình chuyển giao 80 máy bay chiến đấu Rafale theo đơn đặt hàng của các đối tác của chúng tôi bắt đầu vào năm 2027", Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nhấn mạnh.
Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp. Ảnh: Topwar |
Thỏa thuận mua 80 chiến đấu cơ Rafale, được ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới UAE hồi tháng 12/2021, là một phần trong gói vũ khí lớn hơn bao gồm cả 12 trực thăng quân sự.
Trong một tuyên bố, Phủ Tổng thống Pháp cho biết UAE là một trong những khách hàng lớn nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Pháp. Thỏa thuận được ký trong bối cảnh Tổng thống Macron hội đàm với Thái tử Abu Dhabi Mohammed bin Zayed vào ngày đầu tiên trong chuyến công du vùng Vịnh.
Trước đó, Qatar là nước đầu tiên ở vùng Vịnh mua máy bay Rafale, với số lượng 36 chiếc. Theo báo cáo của Quốc hội Pháp, UAE là khách hàng lớn thứ 5 của ngành công nghiệp quốc phòng Pháp, với tổng trị giá 4,7 tỷ Euro từ năm 2011 đến 2020. Số máy bay đặt mua sẽ bắt đầu được bàn giao từ năm 2027
Máy bay chiến đấu Rafale F5 đang được Dassault Aviation phát triển với mục tiêu không chỉ nâng cấp khả năng chiến đấu mà còn tích hợp nhiều vũ khí thế hệ tiếp theo, bao gồm tên lửa siêu thanh và đặc biệt là tên lửa hạt nhân ASN4G nhằm thay thế cho loại ASMP-A thế hệ cũ để bảo đảm năng lực răn đe của nước này.
Ba Lan mua tên lửa chống radar mới
Theo trang tin quân sự Defense News, Bộ Quốc phòng Ba Lan đã mua hơn 200 tên lửa AARGM-ER (Tên lửa dẫn đường chống radar tiên tiến có tầm bắn mở rộng) từ Mỹ. Giá trị của hợp đồng ước tính là 745 triệu USD. Cụ thể, Washington đã chấp thuận bán 360 tên lửa loại này cho Warsaw vào tháng 4/2024.
Lô tên lửa AARGM-ER đầu tiên được đặt hàng dự kiến sẽ được giao trong khoảng thời gian từ năm 2029 đến năm 2035. Những tên lửa này sẽ được sử dụng từ máy bay chiến đấu F-35 và sau khi được điều chỉnh phù hợp, sẽ được trang bị trên máy bay F-16 của Không quân Ba Lan.
Tên lửa AARGM-ER phóng từ máy bay E/F-18 Super Hornet. Ảnh: Defense News |
Nhiệm vụ của AARGM-ER là tiêu diệt và phá hủy hệ thống phòng không của đối phương. Với bán kính bay hơn 200km, tên lửa này nhắm tới các nguồn radar của đối phương, đặc biệt là các hệ thống phòng không. Khi được sử dụng với số lượng lớn, AARGM-ER cho phép "dọn sạch" không phận khỏi các mối đe dọa trên mặt đất và cho phép lực lượng không quân bắt đầu giành ưu thế trên không trước đối thủ.
“Không quân Ba Lan có bước tiến ấn tượng về khả năng chiến đấu với việc mua lại AARGM-ER”, báo chí Ba Lan đăng tải.
AGM-88G AARGM-ER là phiên bản cải tiến của AGM-88E AARGM, vốn là biến thể của tên lửa chống radar HARM do tập đoàn Raytheon của Mỹ phát triển. Phiên bản AARGM-ER có động cơ tên lửa mới và thiết kế khí động học được cải thiện, nhưng vẫn giữ nguyên cảm biến và đầu đạn của phiên bản trước. Hiện nay, chỉ có Mỹ đã đưa vào trang bị loại tên lửa AARGM-ER. Ngoài Ba Lan, Hà Lan và Phần Lan cũng đã mua vũ khí chống radar này.