Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu chiến lược về kinh tế - xã hội Ban Kinh tế Trung ương: Tăng cường hơn nữa tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ |
Theo ông Trần Tuấn Anh- Trưởng ban Kinh tế Trung ương, năm 2022 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Ban Kinh tế Trung ương. Ban được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng và trình nhiều đề án lên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thông qua, ban hành những chủ trương, định hướng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm rất cao để thực hiện và hoàn thành có chất lượng các đề án.
Ông Trần Tuấn Anh- Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị |
Với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, 6 tháng đầu năm, Ban Kinh tế Trung ương đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai, hoàn thành các đề án chuyển tiếp từ năm 2021 và chủ động xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai các đề án được giao năm 2022.
Cụ thể, Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thiện, trình Bộ Chính trị ban hành 1 nghị quyết về phát triển đô thị, 2 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội vùng, 1 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đó là Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/1/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/1/2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Ban cũng tổ chức xây dựng, hoàn thành có chất lượng 2 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương. Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất ban hành 2 nghị quyết là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Cùng với đó, Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục tổ chức triển khai xây dựng các đề án để từ nay tới cuối năm 2022 và đầu năm 2023 sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong đó có 1 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa - hiện đại hóa, 4 đề án trình Bộ Chính trị và 1 đề án trình Ban Bí thư trong 6 tháng cuối năm 2022; chủ động nghiên cứu xây dựng 1 đề án trình Bộ Chính trị vào quý I/2023.
Ngoài tập trung thực hiện các nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao theo kế hoạch, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức nghiên cứu một số nội dung phục vụ công tác tổng kết, tham mưu, đề xuất của Ban về một số chủ trương, chính sách lớn của Đảng thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu của Văn kiện và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động triển khai nghiên cứu để tổ chức thẩm định, tham gia ý kiến đối với nhiều nội dung, báo cáo liên quan đến kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng theo yêu cầu của Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan liên quan. Công tác theo dõi, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các chủ trương của Đảng về kinh tế tiếp tục được Ban quan tâm tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả nhất định. Việc phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và triển khai các hoạt động của lãnh đạo Ban được tổ chức hiệu quả...
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương yêu cầu tập thể lãnh đạo Ban và người đứng đầu các đơn vị nâng cao quyết tâm chính trị và trách nhiệm nêu gương; Các cấp ủy Đảng cần vào cuộc cùng với chính quyền bảo đảm điều kiện công tác, môi trường làm việc tại cơ quan, đơn vị; Phát huy tốt hơn nữa truyền thống và các bài học kinh nghiệm để triển khai công tác trong thời gian tới; Xây dựng các chương trình làm việc, kế hoạch cho từng đề án một cách khoa học, bám sát thực tiễn. “Cần phân định rõ trách nhiệm của từng người, từng khâu trong hệ thống, đặc biệt trong đề án, người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Ban về công việc của đơn vị mình; nâng cao hơn nữa năng lực của cán bộ, thường xuyên đào tạo, tập huấn, cập nhật thông tin”- Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Ban, các đơn vị đã tập trung tham mưu, xây dựng kế hoạch và hệ thống các văn bản liên quan phục vụ việc triển khai xây dựng các đề án; qua đó, giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện, nhận được sự tin tưởng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.