Ngày 5/1, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu của Ban chấp hành Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương đã triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ công tác theo kế hoạch đề ra, qua đó tham mưu để Bộ Chính trị ban hành một số chủ trương lớn, quan trọng về phát triển kinh tế ngành và kinh tế địa phương.
Cụ thể, đã trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, trong năm 2020, trước diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, Ban Kinh tế Trung ương đã theo dõi sát, nắm chắc tình hình và tác động của dịch bệnh, những diễn biến, xu hướng kinh tế thế giới để chủ động nghiên cứu, xây dựng các báo cáo chuyên đề.
Năm 2020, Ban Kinh tế Trung ương đã có 111 văn bản thẩm định, tham gia ý kiến về các đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị; 102 văn bản tham gia ý kiến với các bộ, ngành, địa phương về các đề án, dự án, báo cáo, văn bản quy phạm pháp luật.
Cũng trong năm 2020, Ban Kinh tế Trung ương chủ động, chủ trì, tham mưu công tác phổ biến, tuyên truyền, quán triệt triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng dưới nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, hiệu quả như: Tổ chức diễn đàn, hội nghị, hội thảo trực tiếp kết hợp với trực tuyến như: Diễn đàn cao cấp về năng lượng Việt Nam 2020 triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Diễn đàn cao cấp trực tuyến và Hội nghị thượng đỉnh về đô thị thông minh ASEAN 2020…; phỏng vấn báo chí, truyền hình, các bài viết trên phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng.
Theo lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, trong giai đoạn 2016-2020, Ban đã chủ trì nghiên cứu, tham mưu ban hành 15 nghị quyết, kết luận của Đảng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó bao gồm 3 nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 9 nghị quyết và 3 kết luận của Bộ Chính trị, chiếm tỉ trọng lớn trong tổng số nghị quyết, kết luận của Đảng về lĩnh vực kinh tế - xã hội đã được ban hành trong nhiệm kỳ khóa XII.
Ban Kinh tế Trung ương còn thực hiện tốt công tác thẩm định, tham gia góp ý kiến đối với hàng trăm đề án, báo cáo, văn bản quan trọng trình BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị |
Về phương hướng, nhiệm vụ 2021 và giai đoạn tiếp theo, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho biết, năm 2021, Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII, chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XIII, phát huy tối đa tinh thần chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo, nỗ lực và quyết liệt ngay từ đầu năm.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược về kinh tế - xã hội. Làm tốt hơn công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương của Đảng về kinh tế - xã hội. Cải thiện, nâng cao chất lượng hơn nữa công tác thẩm định các đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và công tác nghiên cứu, dự báo kinh tế vĩ mô.
Xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025, trong đó dự kiến trình Ban Chấp hành Trung ương 6 đề án; Bộ Chính trị 41 đề án; Ban Bí thư 5 đề án để ban hành các nghị quyết, kết luận về lĩnh vực kinh tế; trong đó năm 2021 có 2 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, 13 đề án trình Bộ Chính trị và 2 đề án trình Ban Bí thư.
Ngoài ra, Ban Kinh tế Trung ương thực hiện sơ kết, tổng kết chủ trương, đường lối phát triển kinh tế; làm tốt hơn công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế - xã hội đã ban hành trong nhiệm kỳ khóa XII, đặc biệt là các nghị quyết có vai trò nền tảng đối với hoàn thiện thể chế kinh tế và phát triển lâu dài của đất nước như các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân; các nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển công nghiệp, năng lượng, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0..