Đừng để sập bẫy "việc nhẹ, lương cao" |
Nhắm vào các nạn nhân cần tiền, có hoàn cảnh khó khăn
Thời gian gần đây, rất nhiều người Việt đã bị lừa sang Campuchia bán cho các tổ chức đánh bạc, bị bóc lột sức lao động, và nếu muốn về phải nộp khoảng 3,000-30,000 USD. Tuy nhiên, không có lương cao việc nhẹ mà thực chất nạn nhân bị đưa vào các đường dây thực hiện hành vi lừa đảo, hoặc bị bán vào các sòng bài, bị tra tấn, đánh đập đòi tiền chuộc.
Thực tế, trước những lời mời hấp dẫn tuyển lao động làm việc tại Campuchia với mức lương từ 700 – 1.000 USD/ tháng trên mạng xã hội, nhiều nạn nhân sẵn sàng vượt biên trái phép sang Campuchia mơ về một công việc ổn định lương cao.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2022, Công an Việt Nam đã phối hợp cùng nhà chức Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa đi lao động trái phép. Và những nạn nhân mà các đối tượng này nhắm tới chủ yếu dưới 40 tuổi, có gia cảnh khó khăn, cần tiền tiêu xài.
Các đối tượng đã đưa ra mức lương hấp dẫn để "dụ" người lao động sang Campuchia làm việc. |
Từng là nạn nhân khi bị lừa sang Campuchia làm việc, em L.N. (16 tuổi, tỉnh Bến Tre) cho biết: Do có nhu cầu tìm việc làm nên em đã lên mạng tìm. Tháng 5/2022, thông qua một tài khoản Facebook, N. được giới thiệu công việc tại Campuchia với mức thu nhập từ 15-20 triệu/tháng. N. đồng ý trốn gia đình đi và được người này hướng dẫn các bước để qua Campuchia.
Khi sang Campuchia, N. được đưa vào làm việc cho công ty của người Trung Quốc. Em được hướng dẫn cách thức lừa đảo người khác thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo hoặc tìm kiếm, mời chào, lôi kéo các khách hàng tham gia đánh bạc trực tuyến.
Do không đáp ứng được yêu cầu công việc, N. bị nhóm người tại đó doạ dẫm và yêu cầu thông báo gia đình chuyển hơn 60 triệu đồng để trả chi phí đi lại. Cầu cứu khắp nơi, gia đình mới có tiền chuộc em N. về nước.
Cũng theo N. cho biết, ở Campuchia còn rất nhiều trường hợp khác xuất cảnh trái phép, đi theo lời rủ rê, lôi kéo "việc nhẹ, lương cao". Vì vậy, không nên tin vào việc nhẹ lương cao để rồi phải nhận giá đắt.
Tương tự, là trường hợp của em N.T.T (SN 2000, tỉnh An Giang). Do cần tiền tiêu xài nên em lên mạng tìm việc làm. Ngày 30/5/2022, sau khi tìm hiểu, T. nhận được lời giới thiệu làm phu xe đưa người qua lại Campuchia với số tiền 5 triệu đồng/chuyến. T. đồng ý, tuy nhiên khi qua Campuchia, công việc của T. lại không giống như thỏa thuận. Lúc này, T. mới biết mình bị lừa.
T. chia sẻ, công ty đó làm về game và cũng lừa đảo người khác làm việc nhẹ lương cao. Khi T. muốn về thì họ nói, có tiền mới được về với giá 2.500 USD.
Theo Công an tỉnh An Giang, thời gian qua, đơn vị đã tiếp nhận nhiều đơn đề nghị giải cứu của những gia đình có người thân bị lừa sang Campuchia. Gần đây nhất, tối ngày 18/8/2022, Công an huyện An Phú, tỉnh An Giang phối hợp cùng Đồn Biên Phòng Cửa khẩu Long Bình đã đưa 40 người nhập cảnh trái phép vào Trung tâm Giáo dục cộng đồng xã Đa Phước, huyện An Phú.
40 người này được xác định là từ Casino Rich World (Campuchia), bơi qua sông Bình Di để nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Từng xuất cảnh trái phép sang Campuchia, nhóm này làm việc tại các Casino. Do làm việc quá thời gian quy định, không được nghỉ ngơi, thậm chí không được trả lương nên những nạn nhân này đã bất chấp nguy hiểm chạy khỏi sòng bạc nhảy xuống sông Bình Di trốn về Việt Nam.
Những nạn nhân này khai rằng, thông qua mạng xã hội và người quen, họ bị lừa đến Campuchia để làm việc với lời hứa "việc nhẹ, lương cao". Tuy nhiên, họ đã rất sốc khi bắt đầu làm việc. Theo đó, hằng ngày họ phải lên mạng để dụ dỗ mọi người nạp tiền vào tài khoản trực tuyến để đánh bạc.
"Việc nhẹ, lương cao" chỉ là chiêu trò dụ dỗ
Những mong có được công việc có thu nhập ổn định nơi xứ người, có người may mắn được trở về, nhưng có những người phải ở lại lao động "khổ sai" nhiều năm vì không có tiền chuộc, thậm chí, bị luân phiên giao bán. Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an thông tin, những người bị lừa sang làm việc ở nước ngoài, cụ thể là Campuchia đa phần đều đang ở độ tuổi rất trẻ, nghe theo những lời mời chào trên mạng rồi tự trốn nhà đi. Điều đáng nói là, khi các lao động của Việt Nam bị đưa sang Campuchia thì việc giải cứu, đưa nạn nhân về nước gặp rất nhiều khó khăn, bởi hầu hết những người bị đưa đi đều theo dạng xuất cảnh trái phép.
Hiện nay, tình trạng xuất cảnh trái phép diễn ra ở các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn như vùng Tây Nguyên, vùng biên giới Tây Nam và một số tỉnh, thành phố phía bắc. Số lượng không chỉ hàng chục, hàng trăm mà hàng nghìn người. Họ bị cưỡng bức lao động hoặc làm việc trong điều kiện cực kỳ nặng nhọc, thậm chí bị giam giữ và không được nhận lương như hứa hẹn. Đáng nói, nhiều bạn chỉ nghe lời mời chào trên mạng, sợ bị ngăn cản nên trốn nhà, tự bỏ địa phương đi. Điều này khiến gia đình cũng như cơ quan chức năng khó khăn trong tìm kiếm, giải cứu.
Đại diện Cục Cảnh sát hình sự khuyến cáo, không có chuyện việc nhẹ lương cao. Người lao động không có trình độ, chuyên môn lao động, sản xuất thì rất dễ rơi vào cạm bẫy của các ổ nhóm bóc lột sức lao động, lừa đảo. Chính vì vậy, người dân cần thận trọng khi tiếp cận với môi trường mạng xã hội. Bên cạnh đó, khi đã bị sa vào tay tội phạm trong nước cấu kết với tội phạm quốc tế, các cơ quan chức năng rất khó truy tìm và giải cứu.
Hình ảnh người dân trốn chạy khỏi Casino tại Campuchia, bơi qua sông Bình Di để nhập cảnh trái phép vào Việt Nam |
Theo luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội: Hiện nay, tình hình công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc tại các cơ sở đánh bạc trực tuyến, bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, theo đó, để tránh "tiền mất tật mang" người dân nâng cao cảnh giác trước những lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, không mất chi phí đi lại... của các đối tượng trên mạng xã hội.
Để tránh bị mắc bẫy “việc nhẹ, lương cao, luật sư Trần Xuân Tiền cho hay: Trước khi xác định nhận lời đi làm, nhất là đi làm việc ở nước ngoài, người dân cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm nơi mình định đến làm việc. Cần tham khảo ý kiến của mọi người và cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm nơi làm việc và công việc của mình, thông tin về người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh.
"Khi có nhu cầu đi lao động nước ngoài, cần tìm hiểu kỹ, liên hệ cơ quan chức năng tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh, xuất khẩu lao động tại nước ngoài" - luật sư Tiền cho biết.
Bên cạnh đó, khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình và kịp thời trình báo cho cơ quan Công an để cơ quan chức năng kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.
Theo quy định pháp luật, nếu người lao động Việt Nam muốn đi làm việc ở nước ngoài thì phải theo hợp đồng lao động. Vì vậy, người lao động cần phải trực tiếp liên hệ đến các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và tuyệt đối không thông qua cho các tổ chức, cá nhân không có chức năng này.