Ban hành Kế hoạch tổ chức đại hội thi đua yêu nước ngành Công Thương
Trang thông tin Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công Thương 02/08/2024 13:14
Thực hiện Kế hoạch số 01/KH-HĐTĐKT ngày 20/5/2024 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Hướng dẫn số 2823/HD-BNV ngày 21/5 năm 2024 của Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch 5601/KH- BCT tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Công Thương lần thứ IV và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI năm 2025.
Đại hội sẽ tiến hành đánh giá kết quả, tác dụng của phong trào thi đua yêu nước trong các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc bộ, các doanh nghiệp thuộc bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là các đơn vị) trong thời gian từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X (2020) đến thời điểm tổ chức đại hội.
Đồng thời, làm rõ những hạn chế tồn tại cần khắc phục, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp tổ chức chỉ đạo phong trào thi đua và công tác khen thưởng có hiệu quả hơn trong giai đoạn 2025 - 2030. Tiếp tục nâng cao nhận thức tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả nội dung Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.
Bên cạnh đó, đại hội biểu dương những thành quả lao động sáng tạo, các gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu; tôn vinh các tập thể Anh hùng, các Anh hùng, Chiến sĩ thi đua tiêu biểu trong phong trào thi đua ngành Công Thương nhằm phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, tạo ra động lực mới trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện thắng lợi theo tinh thần Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và Kế hoạch 5 năm (2021- 2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thông qua Đại hội, tiếp tục khẳng định các bài học kinh nghiệm về tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng, đặc biệt trong việc xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến ở các đơn vị, chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục để tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.
Tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Công Thương chủ trương sẽ Xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ phong tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc và trình Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương các loại cho các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến vào đầu năm 2025.
Để thực hiện tốt chủ trương này, các đơn vị cần sớm có kế hoạch cụ thể bồi dưỡng các cá nhân, tập thể đủ tiêu chuẩn theo quy định; đồng thời, tiến hành lựa chọn Chiến sỹ thi đua cơ sở và đề nghị Chiến sỹ thi đua Bộ Công Thương, Chiến sỹ thi đua toàn quốc. Việc bình bầu lựa chọn các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng nêu trên cần đảm bảo dân chủ, công khai, kịp thời và đúng quy định.
Những nội dung tập trung thực hiện từ nay đến Đại hội thi đua yêu nước các cấp tiến tới Đại hội thi đua yêu nước ngành Công Thương lần thứ IV và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI năm 2025 bao gồm đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng.
Các cơ quan thông tin truyền thông tập trung tuyên truyền về Đại hội thi đua yêu nước các cấp và Đại hội thi đua yêu nước ngành Công Thương; biểu dương ghi nhận những thành quả của phong trào thi đua yêu nước trên tất cả những lĩnh vực của đời sống xã hội, công tác xây dựng đảng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước; mở rộng nhiều hình thức tuyên truyền, biểu dương các tấm gương Anh hùng Lao động, Chiến sỹ thi đua toàn quốc, các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt.
Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện tốt Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng của các cấp, của ngành và nhân dân, để tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo động lực góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.
Bên cạnh đó, tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Chú trọng việc phát hiện các điển hình tiên tiến, nhân tố mới thực sự tiêu biểu trong các phong trào thi đua, được quần chúng, tập thể suy tôn để biểu dương, tôn vinh kịp thời hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền tặng thưởng các hình thức khen thưởng phù hợp; có kế hoạch bồi dưỡng, nhân rộng để các điển hình tiêu biểu được lan toả thực sự hiệu quả trong cuộc sống.
Về mặt công tác tổ chức, các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Bộ (trừ Tổng cục Quản lý thị trường) sẽ lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị như: “Hội nghị tuyên dương Điển hình tiên tiến”, “Hội nghị Biểu dương người tốt, việc tốt”, “Hội nghị Biểu dương những người lao động giỏi, lao động sáng tạo” hoặc “Đại hội Thi đua yêu nước”. Hình thức tổ chức do đơn vị lựa chọn, quyết định. Thời gian tổ chức 1/2 ngày, hoàn thành trong quý I/2025. Lưu ý, tổ chức Đại hội cần phải đảm bảo trang trọng, thiết thực, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức, lãng phí.
Thành phần, số lượng đại biểu bao gồm đại biểu khách mời; đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền; đại biểu là đại diện tập thể và cá nhân Anh hùng Lao động, những người đạt các danh hiệu vinh dự Nhà nước, Chiến sỹ thi đua toàn quốc, Chiến sỹ thi đua Bộ Công Thương, Chiến sỹ thi đua cơ sở; các điển hình tiên tiến là công nhân, người trực tiếp sản xuất, công tác; gương người tốt, việc tốt. Trong trường hợp đơn vị có dưới 300 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thì tổ chức Hội nghị toàn thể.
Thông tin chi tiết tại đây!