Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Võ Tuấn Nhân - cho biết: Mặc dù tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nước ta tăng lên nhưng do lượng thải rắn phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, cùng với ý thức chưa được nâng lên, khiến tỷ lệ thu gom vẫn chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó, quản lý chất thải rắn là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, tiềm ẩn nguy cơ an ninh trật tự. Do đó, việc đề xuất được mô hình thống nhất quản lý chất thải rắn cũng như giải pháp quản lý công nghệ xử lý chất thải rắn nhằm kiểm soát, giải quyết có hiệu quả… là thách thức mà ngành tài nguyên và môi trường đang đối diện.
Hội thảo là cơ sở thực tiễn phục vụ cho Hội nghị toàn quốc về chất thải rắn sẽ diễn ra vào tháng 6/2019 |
Thực tế hiện nay, tại nhiều vùng nông thôn việc thu gom chất thải rắn chưa được quan tâm. Nhiều khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa, miền núi, rác thải được thải trực tiếp ra ao, hồ, sông, suối, ruộng đồng hoặc tập trung tại các bãi rác tự phát… Bên cạnh đó, việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt vẫn gặp khó khăn, do việc quy hoạch các bãi chôn lấp chất thải ở xa khu dân cư, làm tăng chi phí vận chuyển từ điểm trung chuyển đến bãi chôn lấp chất thải. Ngoài ra, việc đầu tư và xây dựng các khu xử lý chất thải, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh mới chỉ thực hiện ở một số tỉnh, thành phố có nguồn thu ngân sách lớn. Khu vực xử lý chất thải tại các cơ sở vùng sâu, vùng xa và tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp đa phần chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, do những ảnh hưởng tiêu cực của việc chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt như ô nhiễm nước ngầm, nước mặt, ô nhiễm không khí do đốt hoặc thu hút động vật ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng xung quanh, gây ra sự phản đối của cộng đồng đối với việc xây dựng, vận hành các cơ sở xử lý chất thải sinh hoạt. Chính những điều này đã và đang gây khó khăn trong công tác thu gom chất thải cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống.
Bởi vậy, bàn về giải pháp quản lý chất thải rắn tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích vào các vấn đề lớn hiện nay như: Tồn tại, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn; cơ chế chính sách liên quan đến ưu đãi đầu tư dự án xử lý chất thải rắn; quy hoạch quản lý chất thải rắn cấp liên tỉnh hoặc cấp vùng; định mức, đơn giá thu gom, xử lý chất thải rắn; thực trạng công tác quản lý chất thải nhựa. Bên cạnh đó các chuyên gia quốc tế cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới về công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn.
Ngay trong buổi chiều cùng ngày cũng diễn ra hội thảo khoa học “Mô hình quản lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt”, nhằm đánh giá thực trạng, hiệu quả mô hình quản lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên phạm vi cả nước; kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới về mô hình quản lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; định hướng lựa chọn mô hình quản lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với nước ta trong thời gian tới.
Được biết, các ý kiến đóng góp đưa ra trong hai hội thảo này sẽ được tổng hợp, là cơ sở thực tiễn để phục vụ cho Hội nghị toàn quốc về chất thải rắn dự kiến diễn ra vào tháng 6/2019, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ.