Ứng dụng nhiên liệu LNG nền tảng cho lộ trình giảm phát thải khí nhà kính Nghiên cứu và đề xuất các cơ chế chính sách nhập và phân phối LNG |
Đa dạng các ứng dụng nhiên liệu LNG
Phát biểu tại Hội thảo Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp: “Ứng dụng nhiên liệu LNG nền tảng cho lộ trình giảm phát thải khí nhà kính”, tổ chức chiều 30/1, TS. Nguyễn Hữu Lương - Chuyên gia cao cấp, Viện Dầu khí Việt Nam cho hay: LNG hiện đang có những ứng dụng chính, gồm: Dân dụng và thương mại như làm nhiên liệu để nấu ăn, sưởi ấm hộ gia đình và tòa nhà; trong giao thông vận tải làm nhiên liệu để thay thế cho DO & FO; trong công nghiệp làm nhiên liệu để cung cấp năng lượng cho sản xuất thép, xi măng, gốm...; trong hóa chất/hóa dầu sản xuất phân bón, các loại nhựa, xơ, sợi...
TS. Nguyễn Hữu Lương - Chuyên gia cao cấp, Viện Dầu khí Việt Nam |
Riêng trong công nghiệp, LNG là một loại nguyên liệu đốt sạch, sản sinh lượng khí thải CO2 ít hơn đáng kể so với các loại nhiên liệu hóa thạch truyền thống. LNG cũng hiệu quả hơn các dạng khí tự nhiên khác bởi tiêu tốn ít năng lượng hơn để làm lỏng và vận chuyển trên khoảng cách dài. Với nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng bền vững, nhiều ngành công nghiệp đang chuyển sang sử dụng LNG như một cách để giảm lượng khí thải carbon và tuân thủ các quy định.
“Về nhu cầu thị trường khí Việt Nam, bao gồm cả khí tự nhiên nội địa và khí LNG nhập khẩu giai đoạn 2030 – 2050, cơ cấu nguồn cung khí tại Việt Nam từ nguồn mỏ trong nước sẽ chiếm từ 40% – 45%, nhu cầu khí nhập khẩu dao động từ 55% - 60%. Nhu cầu sử dụng LNG sẽ tập trung tại 4 lĩnh vực: Sản xuất điện; công nghiệp; sản xuất phân bón và hóa dầu”, TS. Nguyễn Hữu Lương bổ sung thêm thông tin.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính khi ứng dụng LNG, tại Hội thảo, TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, cho hay: Phát thải khí nhà kính của Việt Nam trong hơn 30 năm đã tăng lên 3 lần, cao hơn tốc độ trung bình của thế giới. Điều này không chỉ khiến Việt Nam phải đối mặt với các hiện tượng biến đổi khí hậu mà còn là yêu cầu từ môi trường kinh doanh bên ngoài. “Yêu cầu từ các nước nhập khẩu về chứng chỉ sản xuất sạch (CBAM) với xi măng, phân bón, điện, hydrogen, sắt thép…”, TS. Nguyễn Tú Anh nói.
Thực tế, ngay từ năm 2013, Đảng, Chính phủ đã đưa ra định hướng giảm phát thải khí nhà kính, theo đó hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã và đang được xây dựng, hoàn thiện. Việt Nam cũng đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực này, như đóng góp giảm phát thải khí nhà kính không điều kiện đến năm 2030 là 15,8%; đóng góp có điều kiện là 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường.
TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương |
TS. Nguyễn Tú Anh cho rằng, thách thức đối với Việt Nam trong thực hiện mục tiêu trên là việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch đòi hỏi một nguồn lực khổng lồ. Ước tính chỉ để chuyển đổi năng lượng than sang năng lượng tái tạo mỗi năm Việt Nam cần từ 25 tỷ -30 tỷ USD.
Cần cơ chế đặc thù
Đồng tình với quan điểm trên, tại Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam bày tỏ: LNG là một bước đệm cần thiết cho việc chuyển đổi từ năng lượng than sang năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, việc phát triển điện khí LNG cũng đang đối mặt nhiều thách thức. Trong đó, thị trường tiêu thụ điện tăng chậm so với mục tiêu trong các quy hoạch điện; thiếu khung pháp lý để hoàn thành đàm phán và ký kết các thỏa thuận pháp luật, kinh tế, thương mại giữa các chủ thể trong chuỗi dự án đến khí LNG; bỏ bảo lãnh Chính phủ nhưng doanh nghiệp lại chưa đủ hành lang pháp lý để bảo lãnh thay thế…
TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam |
Trong số các thách thức trên, theo Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, khó khăn và thách thức lớn nhất là thiếu cơ chế, chính sách cho mọi hoạt động của chuỗi khi điện khí LNG và tiêu thụ điện khí LNG. Hành lang pháp lý cho hoạt động độc lập và tự chủ của doanh nghiệp còn thiếu khi Chính phủ không còn bảo lãnh cho tất cả các loại hình dự án…
Với những thách thức đã chỉ ra, TS. Nguyễn Quốc Thập cũng đồng thời nêu nhóm giải pháp cho phát triển điện khí LNG.
Cụ thể, cần tập trung thay đổi nhận thức và tư duy, điện khí LNG không phải chỉ có kho cảng LNG và nhà máy điện mà cần được hấp thụ bởi các khu/cụm công nghiệp và các nhà máy. Điện khí LNG cần được vận hành theo thông lệ quốc tế đó là thị trường và thị trường dài hạn. Giá điện và giá khí LNG cần phải neo theo giá dầu thô trong công thức giá. Cam kết dài hạn và thị trường cũng là điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa các dự án khí điện LNG.
Mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện theo sát với mục tiêu trong các quy hoạch điện: Quy hoạch, xây dựng tập trung và đồng bộ cụm kho cảng LNG, nhà máy điện và các khu công nghiệp/nhà máy có quy mô sử dụng điện đủ lớn; thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư các loại hình khu công nghiệp/nhà máy cam kết tiêu thụ điện dài hạn cùng với chuỗi nhà máy điện và kho cảng LNG; kích cầu điện, kích thích sản xuất, kích thích tiêu dùng; tháo gỡ nút thắt liên quan đến cam kết huy động tổng sản lượng điện.
Sửa đổi Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế, Luật Đầu tư và các Nghị định hướng dẫn.
Hội thảo thu hút sự tham gia của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực |
Cập nhật và sửa đổi điều lệ và quy chế tài chính của các tập đoàn kinh tế Nhà nước: Đảm bảo các doanh nghiệp có đầy đủ cơ sơ pháp lý để cam kết và thế chấp với các chủ thể trong hợp đồng mua bán LNG và mua bán điện; các tập đoàn kinh tế Nhà nước được quyền cam kết và thế chấp tài sản hay dòng tiền của tập đoàn trong các giao dịch pháp luật - kinh tế - thương mại.
Cam kết bảo lãnh/bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ/nội tệ: Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cam kết đảm bảo về khối lượng cho nhà đầu tư; tỷ giá sẽ do thị trường quyết định; rủi ro khi đó sẽ do thị trường quyết định; nút thắt về cam kết bảo lãnh/bảo đảm chuyền đồi ngoại tệ/nội tệ và nghĩa vụ thanh toán quốc tế về nhập khẩu LNG được tháo gỡ.
Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế để: Có cơ hội để xây dựng cơ chế chính sách điện khí LNG nói riêng và năng lượng nói chung; có cơ hội để xây dựng mô hình quản trị đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác sử dụng hiệu quả và tối ưu điện khí LNG; lựa chọn được các nhà đầu tư có tiềm lực về công nghiệp, tài chính và kinh nghiệm triển khai; hợp tác quốc tế là một trong các điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa các dự án khí điện LNG theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) và quy hoạch năng lượng quốc gia.
“Cần thiết có một Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội để đảm bảo mục tiêu quy hoạch năng lượng và Quy hoạch Điện VIII”, TS. Nguyễn Quốc Thập đề xuất.