Vỡ tường đập thủy điện Ia Glae 2 ở Gia Lai
Chiều 11/10, ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, đang cùng đoàn công tác vào kiểm tra hiện trường vụ vỡ tường đập tại thủy điện Ia Glae 2 tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.
Thủy điện Ia Glae 2 ở Gia Lai vừa bị vỡ đập dẫn nước, đoạn đập bị vỡ dài khoảng 10m, khiến nhiều hoa màu, cây trồng của người dân vùng hạ du bị cuốn trôi.
Hiện trường vụ vỡ đập dẫn nước thủy điện Ia Glae 2. Ảnh: CTV |
Vụ vỡ tường đập trên xảy ra sau trận lũ quét tối ngày 8, rạng sáng ngày 9/10. Lũ quét về đột ngột, tốc độ dòng chảy cao làm đẩy trôi một phần tường bê tông đập tràn tự do của thủy điện đang xây dựng.
Sau khi sự cố xảy ra, các ngành chức năng huyện Chư Prông đã khẩn cấp đưa người dân đến nơi an toàn.
Công trình thủy điện Ia Glae 2 theo thiết kế có công suất 12MW; thuộc công trình thủy điện cấp III; diện tích đất sử dụng là 83,7ha, trong đó diện tích xây dựng công trình là trên 76ha. Vốn đầu tư thuỷ điện là trên 423 tỷ đồng, do Công ty CP Thủy điện Khải Hoàng, trụ sở tại phường Yên Thế, TP. Pleiku thi công.
Theo tìm hiểu, thủy điện này được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 2/2020. Đến nay, dự án đã chậm tiến độ khoảng 2 năm.
Thông xe cầu vòm thép cao nhất Việt Nam
Sáng 11/10, tỉnh Bắc Ninh tổ chức thông xe cầu Kinh Dương Vương bắc qua sông Đuống, nối huyện Tiên Du và Thuận Thành của Bắc Ninh, sau hơn 5 năm xây dựng.
Đây được xem là cầu vòm thép cao nhất Việt Nam với khoảng cách từ mặt cầu lên tới đỉnh vòm 40-67 m, có chiều dài hơn 1,5 km, mặt cắt ngang cầu rộng 22,5 m, thiết kế 4 làn ôtô, lề bộ hành mỗi bên 2 m, tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng.
Cầu Kinh Dương Vương vắt ngang sông Đuống. Ảnh: Văn Chương |
Điểm đầu cầu thuộc địa phận xã Cảnh Hưng (huyện Tiên Du), điểm cuối thuộc xã Đại Đồng Thành (thị xã Thuận Thành).
Cầu có kiến trúc 5 vòm chịu lực mang hình tượng cặp rồng thời Lý, thân rồng cuộn hình chữ S, giữa đỉnh vòm là đầu cặp rồng cất cao, đối xứng nhau. Để thi công hạng mục nhịp vòm thép, nhà thầu từng phải huy động cần cẩu nặng 800 tấn từ miền Nam di chuyển khoảng một tháng bằng đường thủy.
Cầu Kinh Dương Vương giúp giảm tải ùn tắc cho cầu Hồ, kết nối nhiều tuyến quốc lộ như 1, 17, 38,18, đồng thời tạo thành mạng giao thông khép kín khu vực Bắc Đuống và Nam Đuống của tỉnh Bắc Ninh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực vùng Thủ đô Hà Nội.
Độc lạ cuộc thi "hoa hậu vịt" ở Lạng Sơn
Ngày 10/10, mạng xã hội lan truyền hình ảnh về cuộc thi "hoa hậu vịt" ở Lạng Sơn. Theo nội dung chia sẻ, UBND thị trấn Thất Khê (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) đã tổ chức cuộc thi "hoa hậu vịt đầu xanh", chọn ra "hoa hậu", "á hậu 1" và "á hậu 2", với tổng giải thưởng 51 triệu đồng.
Cuộc thi "hoa hậu vịt" gây xôn xao mạng xã hội ngày 10/10 (Ảnh: Mạng xã hội) |
Sau khi bài viết được đăng tải đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Mọi người đều tỏ ra bất ngờ về cơ cấu giải thưởng cũng như tên gọi của cuộc thi này.
Ông Vương Văn Công, Chủ tịch UBND thị trấn Thất Khê cho biết, địa phương có tổ chức cuộc thi "hoa hậu vịt" lần đầu tiên, sự kiện này thuộc khuôn khổ chương trình quảng bá "Tinh hoa vịt quay Thất Khê, các món ẩm thực và sản phẩm đặc sản của địa phương" nhân kỷ niệm 73 năm Ngày giải phóng Thất Khê (10/10/1950 - 10/10/2023).
Cuộc thi "hoa hậu vịt đầu xanh" đã thu hút sự tham gia của 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Chương trình nhằm giới thiệu và duy trì thương hiệu vịt đầu xanh, tôn vinh người chăn nuôi vịt trên địa bàn huyện Tràng Định.
Những con vịt đạt đủ tiêu chuẩn tham gia cuộc thi như cân nặng trên 3kg, nuôi hơn 6 tháng, đầu xanh, lông mượt, màu lông óng mượt, đều, đẹp.
Kết quả, "hoa hậu vịt" thuộc về xã Chí Minh; á hậu 1 thuộc về xã Đội Cấn; á hậu 2 thuộc về thị trấn Thất Khê. Tổng giá trị giải thưởng là 51 triệu đồng. Số tiền đoạt giải trên sẽ được sử dụng để thực hiện công tác an sinh xã hội. Cuối cùng con vịt đoạt giải "hoa hậu" đã được bán đấu giá với giá trị 35 triệu đồng.