Cá kiếm đâm ngang bụng thuyền trưởng
Theo Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý, tỉnh Bình Thuận cho biết, tàu cá PY96549TS, công suất 400 CV, gồm 5 lao động, hành nghề câu, do ông Trần Văn Nhứt (42 tuổi, trú khu phố 4, phường Phú Đông, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) làm thuyền trường, trực hướng khai thác hải sản trên vùng biển Trường Sa.
Vào lúc 23h ngày 5/10, khi tàu ở tại khu vực cách Đông Nam đảo Phú Quý khoảng 120 hải lý, thuyền trưởng Nhứt bị cá kiếm bay lên đâm ngang bụng phía trước từ phải sang trái, bị thương nặng và rơi vào hôn mê. Thuyền trưởng Nhứt trong tình trạng nguy kịch và tàu đề nghị được cứu nạn khẩn cấp.
Các y, bác sỹ đã tiến hành cứu chữa ban đầu cho nạn nhân. Ảnh: VOV |
Ngay sau đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý đã điều động tàu CN09 và 11 cán bộ, chiến sỹ, phối hợp với 2 cán bộ y tế thuộc Trung tâm Quân dân y huyện Phú Quý tổ chức đi cứu nạn.
14h10 ngày 6/10, tàu CN09 đã đến khu vực tàu cá PY96549TS để tiếp cận cấp cứu người bị nạn và quay về đảo Phú Quý. Hiện, tình trạng sức khỏe nạn nhân đã ổn định và đang được các y, bác sỹ tiếp tục điều trị Trung tâm Quân dân y huyện Phú Quý.
Giả danh Bệnh viện Quân đội để lừa đảo
Ngày 6/10, Công an huyện Tiên Du cho biết, đơn vị vừa phối hợp Công an tỉnh Bắc Ninh bóc gỡ ổ nhóm mạo danh các Bệnh viện Quân đội để lừa bán thực phẩm chức năng cho 7.000 người.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Tiên Du đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Viết Trung (SN 1995, trú xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) cùng 5 bị can khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các quyết định và lệnh này đã được Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiên Du phê chuẩn
Đối tượng Trung tại Cơ quan Công an |
Trước đó, từ tháng 5/2022, Trung đã thuê mặt sàn tầng 7 tòa nhà có địa chỉ ở Vũ Tông Phan, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, để mở văn phòng và thuê nhiều đối tượng làm việc.
Ngày 6/10/2022, đối tượng Phạm Viết Trung đăng ký thành lập Công ty cổ phần dược phẩm SPARTA, địa chỉ trụ sở chính tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội, đứng tên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc quản lý điều hành.
Với hình thức qua mạng Internet, Trung chia thành các nhóm kinh doanh có mô hình hoạt động như nhau tạo lập các trang Fanpage giả mạo “Bệnh viện quân đội 108 - Chuyên khoa nội tiết” hoặc “Bệnh viện quân y 103” trên mạng xã hội Facebook đăng tải nội dung, hình ảnh có liên quan đến các bệnh viện trên để bán các mặt hàng thuốc, thực phẩm chức năng.
Vì lầm tưởng là các Fanpage chính thống của các bệnh viện, nên các bệnh nhân để lại thông tin cá nhân: Họ tên, số điện thoại. Sau đó, các đối tượng sẽ gọi điện và tự xưng là bác sỹ của Bệnh viện 108 hoặc Bệnh viện 103 để tư vấn, mời chào mua các liệu trình thuốc điều trị bệnh tiểu đường, huyết áp…
Nhằm chiếm đoạt tài sản, thu lợi bất chính các đối tượng đưa thông tin sai sự thật, là sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng độc quyền do Bệnh viện 108, Bệnh viện 103 điều chế, sản xuất để bán với giá cao gấp nhiều lần.
Bằng những phương thức, thủ đoạn kể trên, từ tháng 6/2022 đến khi bị bắt, Trung và đồng phạm đã chiếm đoạt tổng số tiền gần 50 tỷ đồng của hơn 7.000 bị hại trên toàn quốc, trong đó có nhiều bị hại trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Cá bị sốc nước, chết hàng loạt
Khoảng 2 giờ sáng 6/10, trong lúc đi kiểm tra các lồng bè nuôi cá trên sông Nghèn thuộc thôn Sông Hải, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), nhiều hộ dân bàng hoàng khi phát hiện hàng chục tấn cá bị chết, thiệt hại ước tính hàng tỷ đồng.
Sáng cùng ngày, hàng chục hộ dân nuôi cá nhanh chóng thu gom cá chết từ trong lồng bè, đưa lên bờ để bán cho người dân và thương lái, với hy vọng vớt vát lại một ít tiền vốn. Nhiều hộ dân thả nuôi từ 1.500 – 3.000 con cá vược. Bình thường cá bán với giá 150.000 - 250.000 đồng/kg, hiện tại cá bị chết chỉ bán được với giá 70.000 - 80.000 đồng/kg.
Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn cho biết, do xảy ra tình trạng sốc nước nên hơn 50 tấn cá vược nuôi lồng bè của 56 hộ dân trên địa bàn bị chết, nổi trắng mặt nước, thiệt hại rất nặng nề, hàng chục hộ dân trắng tay chỉ sau một đêm.
Cá chết hàng loạt được người dân vớt lên bờ |
Trước những thiệt hại mà người dân đang phải gánh chịu, chính quyền địa phương đã báo cáo sự việc cho UBND huyện Thạch Hà đề xuất phương án cho các hộ nuôi cá đưa cá lên trụ sở Trung tâm văn hóa của huyện để bán, đồng thời tuyên truyền người dân và cán bộ trong xã và huyện mua "giải cứu" số lượng cá bị chết và đã được lãnh đạo huyện đồng ý phương án này.
Hiện tượng cá nuôi lồng bè tại xã Thạch Sơn bị chết hầu như xảy ra hàng năm, tuy nhiên số lượng cá chết năm nay vượt xa so với các năm trước. Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu để kiểm tra, truy tìm nguyên nhân. Bước đầu xác định, mưa lớn những ngày qua đã cuốn theo lượng lớn chất bẩn, làm gia tăng độ đục trong nước, gây thiếu hụt oxy khiến cá bị ngạt và chết hàng loạt.