Sáng 9/1, Ban chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Thanh kiểm tra 28.585 vụ trong năm 2022
Trong năm 2022, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đã thanh tra, kiểm tra 28.585 vụ; xử lý hành chính: 26.063 vụ (đạt 103% so với cùng kỳ năm 2021). Khởi tố hình sự 130 vụ đối với 190 đối tượng. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu 3.534 vụ, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ 928 vụ, hàng gian lận thương kại 21.601 vụ. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu hơn 3.720 tỷ đồng, tăng 118% so với cùng kỳ năm 2021).
Ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát biểu tại hội nghị |
Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đã thanh tra, kiểm tra 5.383 vụ, xử lý: 4.741 vụ vi phạm. Phạt hành chính: 55 tỷ 162 triệu đồng. Trị giá hàng tịch thu 23 tỷ 708 triệu đồng; Trị giá hàng tiêu hủy, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm: 47 tỷ 976 triệu đồng.
Công an thành phố Hà Nội phát hiện 2.766 vụ, xử lý: 2.593 vụ, phạt hành chính: 26 tỷ 947 triệu đồng; truy thu thuế, thu hồi thuế: 143 tỷ 311 triệu đồng. Trị giá hàng vi phạm: 56 tỷ 302 triệu đồng. Khởi tố 125 vụ đối với 184 đối tượng.
Cục Hải quan thành phố Hà Nội phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.247 vụ, phạt hành chính: 29 tỷ 669 triệu đồng; truy thu thuế, thu hồi thuế: 4 tỷ 793 triệu đồng. Trị giá hàng vi phạm: 471 tỷ 052 triệu đồng. Khởi tố 05 vụ đối với 06 đối tượng.
Năm 2022 cũng là một năm “nóng” với đại dịch Covid 19. Chính vì thế, các mặt hàng chống dịch như thuốc, kit test Covid... cũng được thanh kiểm tra gắt gao. Sở Y tế Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 640 trường hợp, xử lý 454 trường hợp vi phạm với số tiền phạt: 8 tỷ 711 triệu đồng.
Giải quyết triệt để tình trạng thiếu kho bãi lưu trữ hàng hóa vi phạm
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị |
Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội cho biết, một vấn đề tồn tại đã từ lâu đối với các cơ quan chức năng, liên quan đến công tác xử lý tang vật vi phạm của các vụ án, đó là thiếu kho bãi lưu trữ hàng vi phạm và thiếu chế tài, quy định đối với lĩnh vực này. Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng đưa ra ví dụ, có một số mặt hàng như hàng tươi sống, hàng hải sản, hàng đông lạnh, nếu không có kho bãi để lưu và cơ chế xử lý linh hoạt sẽ khiến hàng hóa bị hỏng, vừa gây lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. Hay một số mặt hàng như ô tô vi phạm, khi đưa ra xử lý, có những vụ án phải mất hơn mười năm mới củng cố hoàn thiện hồ sơ. Khi ấy ô tô cũng đã trở thành đống sắt vụn, gây lãng phí nguồn lực của xã hội. Từ những thực tế trên, Thiếu tướng Phạm Thanh Tùng đề nghị, phải có quy định về vấn đề xử lý vật chứng rõ ràng. Bên cạnh đó, cần sớm tiến hành xây dựng kho bãi để tiến hành lưu trữ những tang vật đang trong quá trình điều tra.
Đồng tình với ý kiến của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, đại diện Cục Hải quan thành phố Hà Nội cũng nêu những khó khăn mà lực lượng hải quan gặp phải trong công tác lưu trữ hàng hóa vi phạm và những chế tài cụ thể để xử lý. “Điển hình có những vụ việc đã gửi lại kho lưu trữ của chúng tôi đã hai năm rồi nhưng vẫn chưa có hướng xử lý” – đại diện Cục Hải quan thành phố Hà Nội cho biết.
Sẽ chỉ đạo dứt điểm
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết sẽ xử lý sớm và dứt điểm tình trạng thiếu kho bãi lưu trữ hàng vi phạm trên địa bàn thành phố |
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền - Trưởng Ban chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội cho biết, trước những kiến nghị về vấn đề kho bãi lưu trữ hàng hóa vi phạm, thành phố sẽ cho triển khai ngay trong thời gian tới. Ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, ngay sau hội nghị này, UBND thành phố Hà Nội sẽ đề nghị văn phòng triển khai luôn công tác này. Mỗi quận, huyện trên địa bàn thành phố sẽ tiến hành rà soát lại ngay quỹ đất, quỹ nhà để triển khai xây dựng hệ thống kho bãi phù hợp tại địa phương và tham mưu lại với UBND thành phố. Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền cũng đưa ra đề nghị các bên nghiên cứu phương án khả thi nhất xem đơn vị nào sẽ quản lý các kho này? “Nên chăng giao cho lực lượng công an quản lý các kho bãi lưu trữ hàng vi phạm bởi lực lượng này đã có sẵn kinh nghiệm và các biện pháp cần thiết để triển khai” – Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền đưa ra gợi ý.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền cũng hoàn toàn đồng tình với kiến nghị của các đại biểu về hướng xử lý các mặt hàng vi phạm. Cần đánh giá nhanh chất lượng và tiến hành thanh lý như thế nào cho linh hoạt, tránh lãng phí của cải xã hội.
Tuy nhiên, ông Quyền cũng thừa nhận, có những vụ việc cần để làm rõ cũng không hề đơn giản và mất nhiều thời gian. Đây là vấn đề cần được liên ngành các bên vào cuộc và nỗ lực trong thời gian tới.