Nhiều vụ việc diễn biến phức tạp
Ban chỉ đạo 389 Hà Nội cho biết, trong tháng 10, Hà Nội đã thực hiện kiểm tra 3.616 vụ; xử lý 3.376 vụ, trong đó, hàng cấm, hàng lậu 506 vụ, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 137 vụ, gian lận thương mại 2.733 vụ; khởi tố 17 vụ đối với 24 đối tượng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước 430,166 tỷ đồng.
Trong tháng 10, các lực lượng chức năng trong Ban chỉ đạo đã tích cực phối hợp, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần ổn định thị trường hàng hóa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn.
Lực lượng chức năng đang kiểm tra lô hàng vi phạm |
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng còn khó khăn, thách thức. Thực tế hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, nhiều đối tượng đã lợi dụng nền tảng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trong tháng, lực lượng công an thành phố đã bắt giữ được một số vụ kinh doanh thuốc lá với số lượng hàng hóa lớn; lực lượng hải quan cũng phát hiện, triệt phá một số vụ vận chuyển ma túy trên tuyến hàng không.
Trong thị trường nội địa, các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và xử lý các vụ vi phạm về buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại, chủ yếu là đối với nhóm các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng. Điển hình là vụ việc Đội Quản lý thị trường số 19, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Công an huyện Thạch Thất phát hiện các đối tượng có dấu hiệu làm giả thuốc chữa bệnh, thu giữ nhiều máy móc, công cụ, phương tiện, nguyên liệu phục vụ việc sản xuất thuốc tân dược.
Chặn đứng nhiều vụ việc lớn, đặc biệt là làm giả tân dược.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội - với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, đơn vị đã tham mưu cho lãnh đạo Ban chỉ đạo triển khai, theo dõi, đôn đốc các sở, ngành thành viên và Ban chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã thực hiện các chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Trưởng ban, Phó trưởng Ban chỉ đạo 389 Hà Nội trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố.
Trong tháng, Cục kiểm tra 934 vụ, xử lý 822 vụ; xử phạt hành chính 8,620 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 8,295 tỷ đồng.
Trong tháng 10, vụ việc nổi cộm nhất chính là triệt phá cơ sở làm giả thuốc tây cực lớn bằng công nghệ “xô thùng” tại Thạch Thất. Cụ thể, ngày 5/10, Đội Quản lý thị trường số 19 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế - ma tuý, Công an huyện Thạch Thất và Phòng y tế huyện Thạch Thất tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất tại địa chỉ thôn Cánh Chủ, xã Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội phát hiện cơ sở sản xuất thuốc trái phép, có dấu hiệu sản xuất hàng giả mạo là thuốc chữa bệnh.
Lô thuốc kháng viêm Alphachoay được sản xuất bằng công nghệ "xô thùng" tại Thạch Thất |
Theo ghi nhận ban đầu, cơ sở này đang có dấu hiệu sản xuất hàng loạt các loại thuốc tây giả là các loại thuốc rất phổ biển trên thị trường như kháng sinh Augmentin BID, Tetracyclin, kháng viêm Alphachoay, thuốc điều trị tiểu đường Diamicron MR…
Công nghệ sản xuất thuốc tây "xô - thùng" tại thời điểm kiểm tra |
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở có 2 công nhân đang trực tiếp tham gia sản xuất thuốc, công nhân đang chạy máy dập vỉ đóng thuốc Sabumol 2 mg dạng vỉ loại 10 viên nén/vỉ, chạy máy nén viên và tủ sấy thuốc.
Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra phát hiện hàng nghìn viên thuốc Tetracyclin TW3 250 mg và thuốc Sabumol 2 mg. Toàn bộ số hàng hóa trên chủ cơ sở không xuất trình được hồ sơ đăng ký thuốc.
Về nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia, dụng cụ bao gói dùng trong sản xuất, đoàn kiểm tra cho biết nhiều loại phụ gia thực phẩm trong sản xuất thực phẩm xuất xứ Trung Quốc. Thậm chí, có loại nguyên liệu dùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nguyên liệu thậm chí còn được đựng trong các “xô, thùng” rất thô sơ. Hiện vụ việc vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Lực lượng công an thành phố, chỉ đạo lực lượng công an thủ đô, công an các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng vận chuyển, buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu trên địa bàn thành phố; Tập trung đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm...
Đơn vị kịp thời điều tra làm rõ, đề nghị truy tố các vụ án liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do các cơ quan chức năng khác chuyển đến.
Trong tháng, lực lượng công an Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ 337 vụ, xử lý 316 vụ. Xử phạt hành chính 3,709 tỷ đồng. Truy thu thuế, thu hồi thuế 9,5 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 6,808 tỷ đồng. Khởi tố 17 vụ, đối với 24 đối tượng.
Cục Hải quan thành phố đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn để chia sẻ thông tin nhằm đấu tranh phát hiện, bắt giữ các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm qua biên giới vào Việt Nam.
Trong tháng, Cục phát hiện, bắt giữ 113 vụ; xử lý 113 vụ. Xử phạt vi phạm hành chính 3,278 tỷ đồng; trị giá hàng vi phạm 487 triệu đồng. Trị giá hàng vi phạm 351 tỷ đồng.
Từ nay đến cuối năm, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội xác định đây là thời điểm cao điểm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Nhiều mặt hàng như rượu bia, thuốc lá, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm đông lạnh… sẽ có cơ hội tràn vào nước ta. Chính vì thế, việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng này được đặt lên hàng đầu.
Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cũng chỉ đạo các quận, huyện, thị xã: Tích cực triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của cấp trên về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, nắm địa bàn và lên kế hoạch kiểm tra, kiểm soát đối với các nhóm, ngành hàng thiết yếu.
Các địa phương xác định rõ các trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn quản lý và tổ chức đấu tranh ngăn chặn, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…