Bài 3: Hai phó giáo sư kinh tế và văn hoá khuyến nghị những gì về quy hoạch Hồ Tây? |
Học thế giới để cùng đồng tốc với thế giới
Câu chuyện quy hoạch khu vực bán đảo Quảng An và khu vực ven Hồ Tây đã được đề cập cách đây 30 năm. Song câu chuyện này chỉ thật sự “sôi động” khi UBND quận Tây Hồ triển khai lấy ý kiến người dân về quy hoạch Hồ Tây và bán đảo Quảng An. Chuyện chắc chẳng có gì đáng nói nếu như ở khu vực lập quy hoạch không đề xuất xây dựng một tổ hợp văn hóa mà “trái tim” là nhà hát đa năng và “chạm” vào một số lợi ích khi tại khu vực này hiện có rất nhiều công trình xây dựng trái phép.
Ngay sau khi nhận được những ý kiến quan tâm của người dân, ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: Với tốc độ đô thị hóa nhanh trong nhiều năm qua, Hà Nội đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt công viên cây xanh, các không gian văn hóa, nghệ thuật và vui chơi giải trí phục vụ cộng đồng. Nắm bắt thực trạng này, đơn vị tư vấn quy hoạch khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An đã đề xuất gia tăng các không gian xanh và tạo dựng không gian công viên cây xanh giữa lòng đô thị.
Bản đồ quy hoạch Hồ Tây và bán đảo Quảng An được đề xuất gia tăng các không gian xanh |
Ý tưởng chính của thiết kế tổng mặt bằng là tận dụng tối đa các lợi thế về văn hóa, lịch sử và điều kiện tự nhiên mặt nước, cây xanh của khu đất, tạo nên một lá phổi xanh, sạch, đẹp và hiện đại cho thủ đô. Với mục tiêu phát triển khu vực Hồ Tây mang tầm quốc tế, khu vực Quảng An được quy hoạch để xây dựng mới trung tâm văn hóa dọc bờ Bắc và bờ Nam sông Hồng, gắn với trục kết nối không gian thành cổ Hà Nội và trục Tây Hồ Tây - Hồ Tây - Cổ Loa. Đồ án cũng đã có những đề xuất hết sức rõ ràng về kết nối không gian đô thị, hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe… Từ đó cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, bổ sung bãi đỗ xe, bảo vệ môi trường sinh thái mặt nước Hồ Tây và môi trường khu vực.
“Thế nên, nếu quy hoạch này được hiện thực hóa, các tổ chức, người dân tại các khu dân cư, đô thị quanh Hồ Tây sẽ không chỉ được hưởng không gian sống trong lành, hạ tầng xã hội đồng bộ, mà còn có thêm lợi thế về giao thông cùng khuôn viên xanh - sinh thái. Những vấn đề xảy ra trước khi có quy hoạch như ô nhiễm môi trường, ngập úng liên quan tới thoát nước… cũng sẽ được giải quyết. Việc phát triển các dịch vụ du lịch phụ trợ còn tạo điều kiện để các hộ dân quanh khu vực có thêm công ăn việc làm, phát triển kinh tế. Quận cũng đã nghiên cứu và sẽ có chính sách phù hợp để đảm bảo ổn định cuộc sống và quyền lợi của người dân trong tương lai”- ông Hoàng cho biết.
Trong khi đó, chia sẻ về việc lựa chọn xây dựng một tổ hợp văn hóa, trong đó có 1 nhà hát Opera mang xu thế thời đại được biết, Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch thành phố Hà Nội đã họp cho ý kiến (17/18 phiếu) thống nhất: Vị trí công trình đặt tại hồ Đầm Trị là trung tâm, điểm kết thúc trục không gian bán đảo kết nối với Hồ Tây là hợp lý.
Về hình thái kiến trúc nhà hát với ý tưởng ngọc trai vươn lên từ mặt nước là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo phù hợp cảnh quan Hồ Tây. Việc lựa chọn phương án kiến trúc đã được tiến hành chặt chẽ và tuân thủ đúng quy định pháp lý. Ông Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho biết: "Hiện nay chúng tôi cũng được biết có nhiều luống ý kiến cho rằng quy hoạch sai về nguyên lý quy hoạch đô thị đương đại. Nhưng quy hoạch vùng Hồ Tây này đã được các hệ thống chuyên gia ở các tầng lớp khác nhau cho ý kiến và các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương cho ý kiến thì mới có quy hoạch này".
Ông Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam (ảnh VOV) |
Cho ý kiến về việc xây dựng một tổ hợp công trình văn hóa mà trung tâm là nhà hát Opera ngay tại Hồ Tây với những trầm tích văn hóa truyền thống dày đặc, PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nguyên Uỷ viên Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng: Trong lịch sử phát triển, cũng không phải cứ có nhu cầu đầy ra thì mới làm đâu. Nếu mà như thế thì nhu cầu không bao giờ có đầy được cả, bởi vì ta phải có giữa cung- cầu đi liền nâng đỡ. Thậm chí phải tạo ra nhu cầu, khuyến khích nhu cầu ấy, phải tiên đoán được sự phát triển để dẫn dắt nhu cầu. Cũng không thể đong đếm là nhu cầu lên tới mấy nghìn rồi thì ta sẽ xây dựng cái nhà hát một nghìn chỗ chắc ăn. Như thế, chẳng bao giờ có được cái nhà hát cả.
Chính vì vậy, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng: Việc xây dựng, đề xuất ý tưởng phải có tính dự báo cho nhu cầu 10 năm sau như nào thì mới đặt vấn đề xây nhà hát từ bây giờ, 3 năm sau bắt đầu xây, 10 năm sau chúng ta có nhà hát….Còn nếu tiếp cận theo khía cạnh, 10 năm sau dân mới có nhu cầu thì 10 năm sau hãy xây thì đó là cách tiếp cận rất dở. Chúng ta biết, các công trình văn hóa lớn của loài người đều mang tính điên rồ hết, điên rồ ở đây theo nghĩa vượt tầm thời đại, theo nghĩa khác thường, không có cái khác thường như thế, không thể nảy sinh nhu cầu. Đối với các công trình văn hóa lớn của thế giới cũng vậy, muốn tạo ra một kỳ tích, nhu cầu, phải có ý tưởng. Đến lúc này, năng lực tạo ra “điên rồ” ở Việt Nam không có mấy đâu. Đột biến để phát triển hiếm lắm. Đến bây giờ, học thế giới cùng đồng tốc với thế giới ”- PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Đình Thiên: Phải chớp ngay lấy thời cơ khi có những ý tưởng...điên rồ |
PGS.TS Trần Đình Thiên cũng bày tỏ ý kiến hoàn toàn đồng ý với ý tưởng của Hà Nội khi lập quy hoạch khu vực Hồ Tây, bán đảo Quảng An thành một tổ hợp văn hóa kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.
“Hà Nội đặt ra vấn đề rất rõ ràng, về câu chuyện có ý tưởng mạnh mẽ, quyết liệt, để nâng tầm văn hóa lên, để có một sự sánh vai, đẩy nhanh nhu cầu hưởng thụ văn hóa cùng với loài người. Nói như vậy để đặt ra vấn đề xây dựng công trình văn hóa đẳng cấp cao, trong đó có nhà hát là vấn đề phải được đặt ra. Thảo luận nghiêm túc. Đừng vì tinh thần theo phương cách cổ truyền, “cơm chưa no đã đi nhảy múa, điên à?”. Cách nghĩ đấy tôi nghĩ có phần hợp lý trong điều kiện hoàn cảnh còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cách nghĩ ấy là cách nghĩ phần nhiều hướng về quá khứ chứ không phải cách nghĩ cho tương lai. Nghĩ đến nâng cao giá trị con người lên, kéo con người đi cùng thế giới”-PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết.
Nhìn nhận thực tế về sự cần thiết của việc xây dựng những công trình văn hóa “vươn tầm thời đại” giữa không gian Hồ Tây, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng: “Thậm chí tôi nghĩ, ai có ý tưởng điên rồ làm việc ấy phải chớp ngay thời cơ. Chứ đừng có mãi nghĩ là dân đói còn phải no đã…Nếu ai có sẵn lòng làm thì nên tạo điều kiện. Nhưng cũng xin thưa rằng, ở đây không thể làm theo kiểu trọc phú được mà phải làm đưa đất nước lên trong cuộc đua tranh với loài người, xứng đáng lịch sử 4000 năm, đã hầu như đi chậm, bây giờ là một bước nhảy thực sự có ý nghĩa. Nước ta nguồn lực ít, nếu làm một thứ không đến nơi đến chốn thì khi nó hoàn thành đương nhiên là bị dè bỉu, chê trách thì không chấp nhận được”.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên việc xây dựng các công trình này phải đặt mục tiêu nhất quán nó phải trở thành một biểu tượng văn hóa, biểu tượng của đất nước, đồng thời là biểu tượng của thủ đô văn hiến, để ta nhìn vào đó như một cái chất văn hóa, tụ hội, tinh hoa văn hóa của Hà Nội, đất nước.
“Viên ngọc Hồ Tây” đang bị bào mòn một cách lãng phí
Ngay khi quận Tây Hồ công bố quy hoạch có một dự án xây dựng nhà hát Opera với bản thiết kế được kỳ vọng sẽ mang tầm quốc tế. Trong khi đó, một tập đoàn tư nhân sẵn sàng “chung lưng đấu cật” để đóng góp cho sự phát triển văn hóa của Thủ đô, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng: Đây là câu chuyện đại sự, phải có thái độ rất nghiêm túc và phải đặt vấn đề sớm. Bởi có đặt vấn đề thì mới cớ sự chuẩn bị nghiêm túc để biết được có làm được hay không và lựa chọn những nhà đầu tư xứng đáng.
“Người đầu tư không chỉ có tiền mà còn phải có ý tưởng và có cả người mà cô đặc hóa định hình ý tưởng vào trong một không gian kiến trúc, một hình dạng kiến trúc đẳng cấp. Hiện Việt Nam chưa có những công trình nào mang tầm vóc của thế giới. Vì vậy, cần có thời gian làm từ bây giờ, ủng hộ cách tiếp cận và cần có một nhà hát Việt Nam hiện đại, “đua tranh” với thế giới để mà kéo thế giới đến Việt Nam. Chứ không phải cứ lọ mọ, múa rối nước, hát chèo, hay thôi chưa đủ…Nhưng nói thật, ngay cả lúc đói, một dân tộc có văn hóa vẫn cứ bàn đến văn hóa. Và nếu công trình tầm cỡ thì vẫn cứ cần bàn sớm, chứ không phải vì đói mà không nghĩ đến cái đẹp, cái cao cả”- PGS.TS Trần Đình Thiên nêu quan điểm.
Phối cảnh thiết kế nhà hát Opera Hồ Tây |
Hiện ở Hồ Tây, theo ông Thiên, thực trạng quản lý phát triển quả rất là lãng phí. “Một viên ngọc, ta sử dụng kéo mấy cái nhà hang nổi ra, không còn cái gì. Đọc báo thấy dư luận quan tâm về việ đặt nhà hát gắn Hồ Tây rất hợp lý. Tây Hồ là vùng đất thiêng, Hồ Tây là viên ngọc. Tuy nhiên, trong tổ hợp phát triển, đừng làm nhà hát độc chọi mà phải xây dựng tổ hợp giải trí mang tính công nghiệp văn hóa. Đây cũng là chỗ giới thiệu hình ảnh Việt Nam bằng công nghệ cao. Tạo ra chuyện kể của Việt Nam. Nếu kết nối được với di sản, tài nguyên văn hóa tuyệt vời xung quanh thì rất tốt và tôi cho rằng cách tiếp cận này rất nên. Tổ hợp văn hóa ấy cũng là chỗ để khéo léo giới thiệu Việt Nam, bởi công nghệ cao bây giờ giúp những điều sẵn có ấy trở nên mê hoặc hơn rất nhiều. Tính hấp dẫn của trung tâm ấy sẽ rất là cao”.
Đồng thời, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng cái gọi là “tổ hợp văn hóa” ở đó phải thế nào mới xứng đáng, không làm theo kiểu “nửa vời” đóng triền miên như nhiều nhà hát, công trình của Việt Nam. Đó quả thực là điều vô cùng đáng buồn. Để doanh nghiệp có tầm vóc, đẳng cấp, tầm nhìn văn hóa xây dựng tôi có thể tin được nó sẽ “sống” với mức độ hấp dẫn ngày càng cao.
Bài học từ thế giới
Nhìn nhận dưới góc độ chuyên môn, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc bày tỏ quan điểm: Pháp xây Nhà hát lớn khi Hà Nội chỉ có 20.000 dân. Hiện nay số dân đã gần 10 triệu ng gấp 500 lần. Trong khi các nhà hát ở Hà Nội và TP.HCM hiện không thể biểu diễn âm nhạc với đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật của thế giới. Nếu chưa có 1 phòng hòa nhạc chuẩn, âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam khó thể phát triển.
“Chỉ có ca khúc quần chúng, ca múa nhạc thôi. Như đá bóng mà không có sân bóng đạt chuẩn vậy. Nếu có phòng hòa nhạc chuẩn, chúng ta sẽ có Bach, Mozart, Beethoven, Berlioz, Chopin, Tchaikovsky, Stravinsky... sống động. Các dàn nhạc danh tiếng trên thế giới sẽ đến biểu diễn. Sinh hoạt văn hóa sẽ chuẩn mực, dân trí sẽ được nâng cao”- nhạc sĩ Phúc bày tỏ quan điểm.
Cũng theo vị nhạc sĩ này: “Công trình nhà hát Opera tại Quảng An là công trình xã hội hoá. Chả nhẽ 100 triệu dân mà ko có nổi 1 cái nhà hát và 1 cái dàn nhạc giao hưởng đạt chuẩn ?. Thời xây tháp Eiffel ở Paris, dân chúng phản đối ầm ầm, rất nhiều nhà văn, thơ, văn nghệ sỹ ký đơn đề nghị hủy dự án. Vậy nhưng hiện nay tháp Eiffel là biểu tượng của Paris và nước Pháp”- nhạc sĩ Phúc bày tỏ quan điểm.
Đưa ra những góc nhìn mới về quy hoạch trục không gian bán đảo Quảng An (quận Tây Hồ), Kiến trúc sư (KTS) Hoàng Hữu Phê, người nhận bằng Tiến sĩ quy hoạch đô thị ở London, Anh vào năm 1998, từng tham gia quy hoạch và thiết kế nhiều công trình nổi tiếng ở nước ta cho rằng: Về mặt thiết kế công trình, tại khu vực hồ Tây chưa có công trình tầm cỡ nào về hoạt động văn hóa nghệ thuật được xây dựng. Tiếp nối quy hoạch từ năm 1994 về việc xây dựng hồ Tây thành trung tâm văn hóa mới của Thủ đô, quy hoạch trục không gian bán đảo Quảng An hướng tới hình thành hệ thống nhiều công trình như trục cảnh quan đi bộ, quảng trường, bảo tàng nghệ thuật, triển lãm, và nhà hát nổi trên Đầm Trị là một cơ hội lớn để đầu tư cho những công trình biểu tượng bề thế, phản ánh trình độ, mức độ phát triển hiện tại. Đây cũng là các thành tố vật thể cần thiết cho trung tâm văn hóa mới.
Kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê |
Chính vì vậy, theo KTS Hoàng Hữu Phê: “Một nhà hát tầm cỡ khu vực chắc chắn là ưu tiên hàng đầu cho Trung tâm Văn hóa - giao dịch quốc tế Hồ Tây, nếu muốn đẩy nhanh quá trình hội nhập và đưa Việt Nam vào tâm điểm của khu vực Đông Nam Á trên lĩnh vực văn hóa”.
TS.KTS Hoàng Hữu Phê nêu nguyên do: Đối với các ngành âm nhạc biểu diễn và điện ảnh, thành công của chúng phụ thuộc gần như hoàn toàn vào công nghệ nghe nhìn hiện đại đã có những bước phát triển vượt bậc, và yêu cầu các không gian và thiết bị chuyên dụng được thiết kế kỹ lưỡng. Các cơ sở biểu diễn hiện nay ở Hà Nội, tuy đã phục vụ tuyệt vời cho cộng đồng dân cư đô thị từ ngày xây dựng, nhưng chỉ có công suất hạn chế, không còn thích hợp với quy mô rất lớn của các hoạt động văn hóa tầm cỡ khu vực hoặc toàn cầu - chính là đích nhắm tới của nền công nghiệp văn hóa mới của Việt Nam.
Do đó, một nhà hát tầm cỡ với các không gian và hệ thống phụ trợ sẽ là tâm điểm, hoặc là cực vị thế quan trọng nhất, tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với cộng đồng dân cư Thủ đô và bè bạn năm châu. Cơ sở vật chất - kỹ thuật tầm cỡ quốc tế của nhà hát này sẽ là nơi đào tạo các tài năng với những hứa hẹn phát triển rực rỡ của giới trẻ làm nghệ thuật, những người góp phần xây dựng sức mạnh mềm của đất nước, mà ai cũng biết là sẽ đóng một vai trò đáng kể trong các chiến lược phát triển kinh tế của một đất nước Việt Nam hùng mạnh và văn minh.
Thời điểm “vàng” để biến giấc mơ thành hiện thực
Đánh giá về việc triển khai quy hoạch Hồ Tây và bán đảo Quảng An, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội cho rằng: Lần này chúng ta mạnh dạn đặt ra một công trình mới, có thể nói đây là kế thừa định hướng rất chuẩn xác và đúng hướng từ quy hoạch năm 1992. Đồng thời, thành phố đã rút kinh nghiệm các bài học để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là mặt nước ở đây.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm |
“Tôi cho rằng vấn đề mấu chốt nhất để tránh những ý kiến trái chiều với nhau là phải tiếp cận được tổng thể, thấy được mục tiêu phát huy, khai thác giá trị văn hóa rất phong phú, rất đa năng của khu vực này, tạo động lực mới để tiếp tục phát huy những định hướng mà chúng ta đã đặt ra từ gần 30 năm nay. Đây là một tiềm lực rất lớn để chúng ta phát triển Hà Nội hướng tới năm 2030 trở thành thành phố xanh, văn minh, văn hiến, hiện đại”, ông Nghiêm nhận định.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển Cộng đồng nêu quan điểm: “Tôi cho rằng việc lấy ý kiến công khai tiến hành quy hoạch chi tiết tại khu vực Quảng An và ven Hồ Tây là cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển. Nhiều năm nay tại khu vực này đã xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, đổ rác thải bừa bãi gây ảnh hưởng tới môi trường và đời sống của nhân dân, cần thiết phải có các giải pháp phù hợp vừa khai thác được giá trị của Hồ Tây nói chung và khu vực Quảng An nói riêng.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, nhiều năm nay Hồ Tây nói chung và khu vực Quảng An nói riêng chưa tận dụng được lợi thế, chưa thực sự phát huy được tiềm năng, trong khi diện tích mặt nước tự nhiên lại bị lấn chiếm, môi trường bị hủy hoại là điều vô cùng xót xa.
PGS.TS Bùi Thị An |
Chính vì vậy, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng: Tiềm năng phát triển của khu vực Hồ Tây vô cùng lớn, đây là thời điểm thành phố cần quyết tâm triển khai thành công quy hoạch chi tiết với khu vực Quảng An cũng như các vùng phụ cận liên quan.
“Xem đồ án quy hoạch chi tiết, tôi và nhiều người khác đều nhận thấy ở khu vực này có dự kiến xây dựng nhà hát Opera là phù hợp. Những năm qua đời sống của nhân dân Thủ đô đã được nâng lên rất nhiều, sự phát triển về kinh tế cũng cần có sự song hành nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Vì vậy, tôi cho rằng việc xây dựng nhà hát là cần thiết. Tinh thần chung là chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ quy hoạch phát triển khu vực này và xây dựng nhà hát, nếu như làm được điều này thì sẽ để lại giá trị cho cộng đồng xã hội nhiều thế kỷ”, bà An cho biết.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, chúng ta phải hiểu rằng bảo tồn không có nghĩa là cứ để cho mọi thứ diễn ra một cách tự phát như lâu nay và bị lấn chiếm rồi xả rác khắp nơi không xử lý được, mà cần phải được triển khai một cách khoa học dựa trên các quy định của pháp luật và sự đồng thuận của đại bộ phận nhân dân, khai thác được các giá trị tiềm năng vốn có và duy trì nền tảng phát triển bền vững.
Hi vọng rằng, với những ý kiến đóng góp của đông đảo tầng lớp nhân dân vào quy hoạch, giấc mơ, khát vọng biến Hồ Tây trở thành không gian hội tụ giữa truyền thống và hiện đại, hội tụ tinh hoa văn hóa của đất nước sẽ sớm thành hiện thực.