Bài 1: Khi nghị trường nóng theo thị trường Bài 2: Từ Nghị quyết đến hành động Bài 3: Khi công cụ thuế phí được sử dụng đúng lúc |
Đại biểu Quốc hội đánh giá, ghi nhận
Kiểm soát giá xăng dầu có tính chất then chốt, đóng góp quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát ở mức thấp, hỗ trợ cho việc ổn định Kình tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo đời sống người dân. Đây là một thành công trong công tác quản lý giá mặt hàng chiến lược của nền kinh tế, cho thấy hiệu quả từ công cụ quản lý giá của Nhà nước, sự quyết liệt từ Chính phủ và Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn Hải Dương: Các quy định của Quốc hội ban hành thường rất kịp thời để giải quyết các vấn đề đặt ra trên thực tế |
Theo nhìn nhận của một số chuyên gia kinh tế, chính giá xăng dầu mới ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống người dân. Nhìn lại đà tăng của giá xăng, các chuyên gia phân tích, thời điểm giá xăng liên tục tăng các chuyên gia đã đề xuất giảm thuế, phí xăng dầu ròng rã nhiều tháng, nhưng khi Chính phủ, Quốc hội “vào cuộc” phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu mới được thực hiện rốt ráo.
Phân tích kỹ hơn về mức thuế, phí, nhiều chuyên gia thẳng thắn cho biết, trong cơ cấu giá cơ sở xăng, dầu, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang phải chịu có 4 loại thuế, có thời điểm chiếm hơn 38% giá xăng và khoảng 20% đối với dầu. Tức với 1 lít xăng A95, người dân phải “còng lưng” gánh tới hơn 11.300 đồng thuế, phí. Trong lúc bình thường, khi giá xăng thấp, mức phí, thuế khoảng 7.000 - 8.000 nhưng hiện phí, thuế lên đến 11.000 - 12.000 đồng.
Trong đó, thuế bảo vệ môi trường đánh “kịch khung” vào các mặt hàng xăng dầu. Bên cạnh đó, 1 lít xăng còn “cõng” các loại thuế khác, như thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, thuế nhập khẩu, thuế VAT 10%; khoản lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng, dầu và chi phí định mức 1.050-1.250 đồng/lít xăng; các chi phí khác như chi phí vận chuyển, quỹ bình ổn... Tóm lại, các loại chi phí này chiếm 62%, dẫn đến giá xăng dầu trong nước cao.
Nhìn nhận các vấn đề, Chính phủ, Quốc hội đã xem xét quyết định điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Điều này nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của dư luận xã hội và người dân hỗ trợ cho việc ổn định kinh tế vĩ mô.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu liên quan đến đời sống người dân thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước, cùng với đó là sự kỳ vọng về bình ổn thị trường xăng dầu trong bối cảnh hiện nay.
Đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhận thấy các vấn đề còn tồn tại, bất cập xung quanh thị trường xăng dầu, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội đã tổ chức nhiều phiên chất vấn, giải trình về nội dung này, ban hành một số Nghị quyết về các nội dung có liên quan như: Nghị quyết số 42/2021/QH15, Nghị quyết số 29/2022/UBTVQH15, Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH-15…
“Các quy định của Quốc hội ban hành thường rất kịp thời để giải quyết các vấn đề đặt ra trên thực tế. Điển hình như trong bối cảnh giá xăng, dầu liên tục tăng cao năm 2022, có thời điểm xăng vượt mốc 30.000 đồng/lít, gây mất bình ổn giá cả thị trường nói chung, Quốc hội đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 quy định về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong đó có nội dung giảm mức thuế bảo vệ môi trường từ 4.000 đồng/lít còn 2.000 đồng/lít” - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chỉ ra.
Trước đó, tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 3/2022 đã tổ chức chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương, trong đó có nội dung tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu. Đến cuối tháng 2/2023, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp tục tổ chức Phiên giải trình về “Tình hình thị trường xăng dầu và các kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu”.
Theo đại biểu đoàn Hải Dương, các ý kiến chất vấn và giải trình tại các phiên họp đều rất thẳng thắng, đi thẳng vào các vấn đề bức xúc liên quan đến thị trường xăng dầu đã góp phần gợi mở các giải pháp khắc phục khó khăn hiện nay, những sự thay đổi hoàn thiện chính sách, đồng thời nâng cao trách nhiệm và chất lượng trong công tác quản lý, điều hành.
“Điều này sẽ góp phần thúc đẩy sự bình ổn thị trường xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng, kiểm soát lạm phát, ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân”- đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu, tháng 6/2022 thời điểm giá xăng lập đỉnh, RON95-III lên gần 33.000 đồng/lít, giá xăng dầu tăng quá cao và liên tục khiến mọi mặt đời sống, hoạt động của doanh nghiệp, người dân đều chật vật.
Sau đó, với sự nỗ lực kịp thời của Chính phủ và Quốc hội theo dõi sát sao với các Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế xăng dầu đã phát huy hiệu lực. Cụ thể, đến kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/7/2022 giá xăng đã giảm 3.000 đồng. Đây là sự đột phá tác động tích cực đến nền kinh tế.
"Bước đi của Quốc hội rất kịp thời, tôi đánh giá cao sự chủ động với những quyết sách thiết thực bình ổn giá xăng trong tầm kiểm soát sao cho hợp lý được người dân đồng tình ủng hộ” - đại biểu Phạm Văn Hòa khẳng định.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng, tại thời điểm giá xăng giảm sâu, người dân yên tâm, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hồ hởi. Đây là một động thái như một “làn gió mát” đến với doanh nghiệp đang trong lúc khó khăn.
“Đối với doanh nghiệp vận tải hành khách, xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong từng loại hình vận tải khách, như xe buýt chi phí trung bình chiếm đến hơn 40% là nhiên liệu, còn xe taxi chiếm khoảng 28%”- ông Hòa dẫn chứng.
Có thể thấy rằng, xăng dầu là một mặt hàng rất quan trọng đối với các ngành sản xuất - kinh doanh thương mại của Việt Nam. Bởi trong cơ cấu các ngành, lưu thông hàng hóa cho thị trường thiết yếu, những sản phẩm lưu thông trong nước chủ yếu được vận chuyển qua giao thông đường bộ.
Cùng với đó, nếu giá xăng dầu bình ổn được, thì sẽ giữ được lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam, tác động tích cực đến rất nhiều ngành, kể cả lĩnh vực lưu thông hàng hóa nội địa và lĩnh vực xuất khẩu, đặc biệt giữ được lạm phát không tăng lên, góp phần tạo nên yếu tố rất quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô.
“Vì thế, chúng ta nên giữ vững giá xăng dầu sẽ góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội đã đề ra” - đại biểu Phạm Văn Hòa chia sẻ thêm.
Tăng cường hơn nữa công tác giám sát
Mặc dù vẫn còn dư địa cho kiểm soát lạm phát cả năm nhưng theo nhiều nhà kinh tế vẫn không thể chủ quan, lơ là trong công tác điều hành. Vì kiềm chế lạm phát, ổn định cuộc sống người dân, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển không chỉ là là mục tiêu quan trọng nhất trong điều hành của Chính phủ, nhất là giá năng lượng như giá xăng mà còn là cơ sở để ổn định hàng loạt các chỉ số kinh tế vĩ mô khác như tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng xuất khẩu, nhập siêu, sức mua của người dân…
Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp: Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, chiến lược, vì thế phải bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống |
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, mặt hàng chiến lược, vì thế phải bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống, để đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo xăng dầu cho tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của đất nước đặc biệt là hiện nay, chúng ta đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Từ hiện tượng khan hiếm xăng cục bộ trong thời gian qua, chúng ta cần phải có sự đánh giá tổng thể đối với ngành xăng dầu nói chung.
Sâu xa hơn, đại biểu Hòa lưu ý, thời gian tới giá xăng dầu vẫn có nhiều biến động không biết sẽ ra sao khi xung đột Nga - Ukraine đã làm gia tăng bất ổn đối với nền kinh tế toàn cầu còn đang gượng dậy sau “chấn thương” kinh tế đại dịch Covid-19 gây ra. Ngoài ra, việc áp giá trần đối với dầu của Nga khiến cho giá dầu thế giới có nhiều bất ổn, điều đó cũng ảnh hưởng tới giá xăng dầu trong nước.
“Theo tôi, thời gian tới Quốc hội, cụ thể là thành viên Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Kinh tế Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát mặt hàng này, tham gia giám sát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu luôn ổn định không bị đứt gãy. Quốc hội chủ động thường xuyên, liên tục giám sát để cho mạch xăng dầu luôn ổn định là điều hết sức cần thiết ”- đại biểu Hòa đề xuất.
Đề cập về giải pháp để khắc phục tình trạng khan hiếm xăng dầu vừa qua, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến cho hay, những khó khăn vừa qua có tác động từ thị trường xăng dầu thế giới. Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để bình ổn giá xăng dầu thời gian qua. Tới đây, Quốc hội cũng như các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát Chính phủ trong công tác điều hành xăng dầu, mục tiêu là ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Nhiều vấn đề của thị trường xăng dầu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, chỉ đạo trong Phiên chất vấn vào tháng 3/2022 và ban hành Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH15 trong đó yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu. |