"Mạch máu" năng lượng - "bánh mì" của nền kinh tế
Năng lượng nói chung và xăng, dầu nói riêng là mặt hàng chiến lược, có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - chính trị - xã hội. Mọi sự thay đổi về giá xăng, dầu có tác động trực tiếp tới toàn bộ hoạt động trong nền kinh tế quốc dân và đời sống dân cư.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên |
Do đó, vai trò của Nhà nước trong việc quản lý, điều tiết cung cầu, điều hành giá xăng, dầu nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu với thế giới, đóng vai trò quan trọng, không chỉ hướng tới xây dựng thị trường xăng dầu Việt Nam theo cơ chế thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mà còn góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội cũng như bảo đảm sự hài hòa 3 lợi ích: Nhà nước - người tiêu dùng - doanh nghiệp.
Trong nhiều nhiệm kỳ, đặc biệt là nhiệm kỳ 2021-2026, Quốc hội đã luôn nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của năng lượng, trong đó, có xăng dầu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, Quốc hội vẫn bám sát các chỉ đạo của Đảng, đồng hành cùng Chính phủ để nhanh chóng nhận diện và đưa ra các giải pháp định hướng cụ thể.
Khi những khó khăn, tác động của đại dịch Covid-19 chưa chấm dứt thì đầu năm 2022, cuộc xung đột Nga - Ukraina xảy ra đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng xăng dầu đối với châu Âu và lan ra cả thế giới. Giá dầu mỏ theo đó cũng tăng đột biến, vượt mức 100USD/thùng.
Những biến động về giá năng lượng ngay lập tức tác động tiêu cực đến các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội châu Âu. Ở nhiều quốc gia châu Âu, người dân bất mãn xuống đường biểu tình vì lạm phát, chi phí sinh hoạt leo thang, nguy cơ thiếu khí đốt sưởi ấm trong mùa Đông.
Giá dầu, khí đốt tăng cao khiến nhiều quốc gia ở châu Á, châu Mỹ, châu Âu rơi vào tình cảnh khó khăn, người dân phải xếp hàng mua xăng dầu. Trong khi đó, các quốc gia dùng dầu, và khí cho sản xuất điện cũng rơi vào tình trạng cắt điện luân phiên hoặc giảm tiêu dùng điện ở mức tối đa.
Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB), giá dầu ảnh hưởng tới 64% biến động giá lương thực. Cụ thể, năm 2022, lạm phát đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, tác động 100% các nước tiên tiến, 87% các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Tình trạng thiếu hụt và giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao đã xảy ra trong các chuỗi giá trị toàn cầu, dẫn tới sản xuất đình trệ và giá sản xuất tăng lên.
Tại Việt Nam, theo nhận định của Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố địa chính trị khác nhau, trong đó có cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine và sản lượng khai thác dầu của OPEC… Do đó, giá xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp; giá dầu tăng cao trong khi đây là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất và tiêu dùng; tình trạng thiếu hụt gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng… tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước, ảnh hưởng đến kích cầu tiêu dùng đối với thương mại.
Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm cho rằng, khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước. Trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế.
Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Đối với nền kinh tế nước ta, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5%; chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.
Khó khăn, thách thức là vậy, song với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, an ninh năng lượng quốc gia được giữ vững, người dân, doanh nghiệp không bị thiếu điện, thiếu xăng dầu để sản xuất hay tiêu dùng. Kết quả đó không phải ngẫu nhiên mà là cả một quá trình từ tư tưởng, nhận thức đến hành động khi năng lượng, trong đó có dầu khí, than, điện luôn được ưu tiên chú trọng.
Thông điệp quan trọng của Chủ tịch Quốc hội khi tình hình "không bình thường"
Dữ liệu lịch sử cho thấy, ngay từ những năm 1955, thời điểm miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ đến việc xây dựng ngành công nghiệp Dầu khí. Minh chứng cho tư tưởng này, trong các chuyến thăm Đông Âu (1957) hay Liên Xô (1959), Bác Hồ đã giành thời gian thăm giàn khoan, nhà máy lọc dầu và khu công nghiệp dầu khí của các nước bạn. Hay trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bác đã luôn nhắc nhở, động viên những người lính vận tải phải “Yêu xe như con, quý xăng như máu”.
Còn nhớ, trong phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội chiều 16/3/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị Chính phủ cần xây dựng kịch bản đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng trong mọi tình huống, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, tiếp tục điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Hay tại phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 6/7/2022 để xem xét quyết định điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, xăng dầu là một loại vật tư chiến lược, đồng thời là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu không chỉ đối với tiêu dùng mà đối với cả sản xuất. Do đó, nguyên tắc quản lý giá xăng, dầu theo quy định trong Luật Giá, quản lý theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự điều tiết của Nhà nước và xăng dầu nằm trong danh mục các mặt hàng nhà nước bình ổn giá.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, chi phí xăng, dầu trong nền kinh tế Việt Nam chiếm khoảng 3,52% tổng chi phí của nền kinh tế, gas khoảng 1,45%. Nếu giá xăng dầu tăng khoảng 10% thì GDP của toàn bộ nền kinh tế giảm khoảng 0,5%. Do đó, trong bối cảnh giá dầu tăng thì việc bình ổn giá là hết sức quan trọng, vừa kiềm chế lạm phát.
Cũng tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm khẩn trương xem xét, nghiên cứu đối với những vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu, trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn neo ở mức cao để trình Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp. “Nếu bình thường ta sẽ xử lý theo tình thế bình thường, nếu cần cấp bách ta xử lý theo tình huống cấp bách, tinh thần là như vậy” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Thực tế, trong thời gian qua, bên cạnh việc bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, để xây dựng, ban hành nhiều Luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm tạo điều kiện phát triển ngành xăng dầu theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, Quốc hội đã thực hiện vai trò giám sát tối cao của mình với tinh thần đổi mới, sáng tạo, hiệu quả và phương châm “đồng hành cùng Chính phủ và vì người dân”.
Theo đánh giá chung của các chuyên gia, cùng với sự vận hành của nền kinh tế, công tác điều hành giá xăng, dầu trong nước đã từng bước chuyển mình theo cơ chế thị trường mang tính đột phá. Từ việc quy định một giá xăng, dầu áp dụng thống nhất cho cả nước đến cơ chế giá định hướng và nay là cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của nhà nước; từ chỗ nhà nước bù lỗ từ ngân sách chuyển sang doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh của mình.
Đến nay, các chính sách quản lý vĩ mô về thị trường và cơ chế điều tiết giá xăng, dầu của Nhà nước đã góp phần làm thay đổi diện mạo thị trường xăng, dầu ở nước ta. An ninh năng lượng quốc gia thời gian qua được đảm bảo; nguồn cung xăng dầu đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của nhân dân, không xảy ra hiện tượng thiếu xăng, dầu trong bất kỳ tình huống nào.
Hệ thống phân phối được mở rộng với 36 đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng, dầu được cấp phép và hàng trăm thương nhân phân phối tham gia thị trường xăng, dầu. Giá xăng, dầu trong nước được điều hành công khai, minh bạch, bám sát tín hiệu giá xăng dầu trên thị trường thế giới.
Quỹ bình ổn giá xăng, dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả trong việc tạo nên một “bước đệm” nhằm góp phần bình ổn giá trong trường hợp cần thiết, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội. Tâm lý người dân đã quen với việc điều chỉnh tăng/giảm giá xăng, dầu thường xuyên; hiếm thấy hiện tượng “té nước theo mưa” như trước đây.
Tuy nhiên, thế giới biến chuyển không ngừng và có nhiều bất ngờ xảy ra, đơn cử như: Đại dịch toàn cầu Covid-19, hay cuộc xung đột Nga - Ukraine đã ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường năng lượng Việt Nam, đặc biệt là xăng dầu như đã đề cập ở trên. Đã có thời điểm trong năm 2022, một số nơi xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung; cơ chế chính sách chưa kịp thay đổi so với thực tiễn, nhất là về cơ chế giá đã gây ra những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp xăng dầu, doanh nghiệp sản xuất và người dân.
Từ quan sát, lắng nghe phản ánh thực tế, cùng với những báo cáo của Chính phủ, Bộ/ngành, Quốc hội đã sớm dự báo những ảnh hưởng của thị trường quốc tế và trong nước để đưa ra những định hướng, quyết sách, trong đó có chương trình giám sát về thực thi chính sách năng lượng.
Ngay trong tháng 3/2022, thực hiện quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các cơ quan có liên quan thực hiện theo dõi, nắm bắt tình hình về sản xuất, nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu trong giai đoạn hiện nay và việc bình ổn thị trường xăng dầu trong nước; tình hình hoạt động và thực trạng về tài chính của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Đồng thời, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội. Trên cơ sở đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả giám sát trong tháng 3/2022. Tại Nghị quyết số 42/2021/QH15, Quốc hội đã quyết nghị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được sử dụng lợi nhuận sau thuế, sau trích các quỹ để xử lý số tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn và thực hiện dự toán, quyết toán theo quy định.
Cũng liên quan đến công tác giám sát, ngày 4/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 23/2022/UBTVQH15 về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, có chương trình giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” về những vấn đề cụ thể như: Cung cầu và an ninh năng lượng; quy hoạch tổng thể và quy hoạch các phân ngành năng lượng; bảo vệ môi trường, giảm phát thải; Khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng; quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; một số nội dung khác, như vấn đề hợp tác quốc tế; xã hội; quốc phòng, an ninh liên quan đến phát triển năng lượng; một số dự án năng lượng chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc.
Cung ứng xăng dầu - Nghị trường nóng theo thị trường
Triển khai các Nghị quyết về chương trình giám sát, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các Uỷ ban/cơ quan trực thuộc, Chủ tịch, các Phó chủ tịch Quốc hội và người đứng đầu các Uỷ ban liên quan đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, giám sát cụ thể; các đoàn đại biểu Quốc hội đã vào cuộc tích cực bằng việc tổ chức hàng trăm phiên họp; tổ chức, kiểm tra thực tế và làm việc với các cơ quan chính quyền ở địa phương, doanh nghiệp liên quan để lắng nghe những kết quả, khó khăn vướng mắc… làm cơ sở báo cáo Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên |
Trên thực tế, bằng tinh thần trách nhiệm của mình và phát huy vai trò đại diện của đại biểu dân cử, vấn đề xăng dầu luôn được Quốc hội, đại biểu quốc hội quan tâm nghiên cứu chất vấn các thành viên Chính phủ tại các kỳ họp của Quốc hội hoặc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Và hầu như tất cả những vấn đề liên quan đến xăng dầu đề cập tại Nghị trường Quốc hội hay bên hành lang; thậm chí ở phiên chất vấn các trưởng ngành không liên quan đến xăng dầu cũng đều trở nên "nóng bỏng" với sự quan tâm đặc biệt của đại biểu và cơ quan báo chí.
Đơn cử như ngày 16/3/2022, tại Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về nhiều nhóm vấn đề của ngành Công Thương trong đó có tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu.
Ngày 8/6, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoáng XV, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, hàng chục đại biểu cũng truy vấn trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về giá xăng dầu và các giải pháp hạ nhiệt giá xăng dầu bằng các công cụ thuế...
Thậm chí, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ vào sáng 5/11 (Kỳ họp Quốc hội thứ 4) cũng trở nên "nóng" hơn khi Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - mời Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình về vấn đề xăng dầu.
Nhìn chung, các vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm đều xoay quanh chủ đề về công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, lưu trữ, xuất nhập khẩu, hệ thống phân phối xăng dầu; điều hành giá cả, thuế, chiết khấu xăng dầu và các vấn đề liên quan đến chất lượng, môi trường…
Từ các chất vấn của các đại biểu tại các phiên/kỳ họp, các Bộ liên quan như: Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Khoa học Công nghệ… đã có những báo cáo, giải trình, trả lời từng vấn đề đi kèm các giải pháp cụ thể. Đơn cử như đại biểu cho rằng cấp phép quá nhiều cho thương nhân đầu mối, xuất nhập khẩu xăng dầu gây khó khăn cho công tác quản lý, hay việc điều hành giá chưa phù hợp, nguyên nhân của việc thiếu nguồn cung hay cần sớm sửa đổi những quy định trong Nghị định 95/2021/NQ-CP của Chính phủ vì đã lạc hậu...
Trả lời các câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, điều hành giá xăng dầu phải thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành theo đó 10 ngày một lần điều chỉnh giá xăng dầu một lần và căn cứ điều chỉnh là tính giá bình quân 10 ngày trước của thị trường thế giới. Đối với vấn đề cấp phép, Bộ Công Thương đã thực hiện theo đúng quy định hiện hành và không cấp mới thêm mà chỉ cấp đổi giấy phép.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp từng giờ, khủng hoảng năng lượng diễn ra nhiều nơi; các ảnh hưởng về nguồn vốn, tỷ giá...đã ảnh hưởng tới nguồn cung ở một số nơi, một số thời điểm; hệ thống kinh doanh xăng dầu của nước ta hiện nay đa tầng, nấc dẫn đến làm tăng chi phí phân phối.
Từ thực tiễn, Chính phủ cũng đã nhìn nhận thấy một số quy định không còn phù hợp nên đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu sửa Nghị định 95 để phù hợp. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề xuất nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý, nghiên cứu sắp xếp lại hệ thống phân phối; rà soát, cập nhật, phản ánh đầy đủ, kịp thời các chi phí định mức, chi phí tạo nguồn, chi phí phát sinh thực tế vào công thức tính giá cơ sở để các hoạt động tạo nguồn, cung ứng, phân phối xăng dầu diễn ra một cách thuận lợi.
Cùng với đó, tăng cường giám sát thực hiện chính sách pháp luật nhằm đảm bảo thị trường xăng dầu hoạt động công khai minh bạch và hài hoà lợi ích giữa các bên tham gia; phối hợp với các Bộ, ngành chức năng tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ và cùng các cơ quan chức năng theo thẩm quyền của mình tiếp tục sử dụng công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn xăng dầu và chính sách an sinh (khi cần thiết) để điều hành giá bán lẻ xăng dầu phù hợp với biến động giá thế giới, đáp ứng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định an sinh xã hội... Quan trọng hơn là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thích ứng với biến đổi của tình hình kinh tế - chính trị thế giới, phù hợp với các cam kết quốc tế về môi trường của Việt Nam.
Cũng từ các báo cáo, giải trình đề xuất của các Bộ/ngành, doanh nghiệp, người dân, các đại biểu cũng hiểu rõ những khó khăn đến từ khách quan, chủ quan từ đó đưa ra các ý kiến của mình nhằm “hiến kế” cho Quốc hội, Chính phủ, các bộ/ngành/địa phương trong công tác quản lý thị trường xăng dầu hiệu quả.
Đặc biệt, vào tháng 2/2023, căn cứ chức năng giám sát theo quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH15 ngày 28/3/2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XV và theo chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức “Phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.
Có thể khẳng định với tinh thần trách nhiệm, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, cán bộ, chuyên nghiệp, sự vào cuộc của Quốc hội về vấn đề xăng dầu, năng lượng… đã cho thấy, Quốc hội, đại biểu Quốc hội ngày càng gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân hơn.
Phát huy đúng, đầy đủ vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng niềm tin của nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ hội nhập toàn cầu.
Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 16/3/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Nếu giá xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp thì bên cạnh kết hợp Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và điều hành bằng thuế, cần tiếp tục áp dụng các công cụ khác để kịp thời hỗ trợ người dân trước những khó khăn do ảnh hưởng của giá xăng dầu. |