Bài 2: Doanh nghiệp hiện thực hóa khát vọng tự chủ công nghiệp Bài 1: Tầm quan trọng của tự chủ công nghiệp |
Liên kết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Theo các chuyên gia, mặc dù công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu, song củng cố vững chắc ngành công nghiệp hỗ trợ tăng cường khả năng linh hoạt nguồn cung ứng, cần phải có hướng đi mới. Trong đó cần xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao theo mô hình chuyên sâu, liên kết thành chuỗi, tạo thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế CIEM cho rằng, ở vị trí trung tâm châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam có nhiều lợi thế trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Mặc dù vậy, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa tương xứng.
Cũng theo ông Thành, để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần xác định “hạt giống tiềm năng”. Khi có được những "hạt giống tiềm năng" thì cần có chính sách hỗ trợ quan trọng, đặc biệt là hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu đàn. Từ đó, những “sếu đầu đàn” này sẽ thu hút tạo dựng được liên kết với các doanh nghiệp và các thể chế liên quan, tạo nên một hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ bền vững.
Cần cú huých đủ mạnh để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: Thaco |
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Ðiền, nhìn nhận, trong chuỗi liên kết, các đô thị lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có vai trò quan trọng. Đây là trung tâm của chuỗi liên kết. Do vậy, cần dành quỹ đất thích hợp cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi liên kết ngành, tạo thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ.
Việc quy hoạch khu, cụm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao giúp các doanh nghiệp thuận tiện hơn trong quá trình hoạt động. Song khi quy hoạch, cần tính đến khả năng tạo chuỗi liên kết ngành cho doanh nghiệp nội tham gia.
Để làm được điều này, các cơ quan chức năng cần xây dựng các mô hình mẫu tổ chức sản xuất ở các ngành từ khâu nghiên cứu thị trường, thiết kế sản phẩm, tổ chức doanh nghiệp vệ tinh sản xuất các chi tiết, linh kiện… đến thiết lập hệ thống phân phối ra thị trường. Các cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi phải được dàn đều cho các doanh nghiệp trong tất cả các khâu từ nghiên cứu, sản xuất đến cung ứng nguyên, vật liệu, phân phối ra thị trường.
Mặt khác, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu chỉ tập trung vào chính sách ưu đãi đầu tư từ các địa phương, cao hơn là trung ương thì chưa đủ mạnh để các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, các cơ quan chức năng cần sớm đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao, tiến tới kiến tạo chuỗi cung ứng "Made in Vietnam". Đặc biệt, theo các doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ vốn từ cơ quan chức năng phải nhất quán, hạn chế thay đổi để giúp doanh nghiệp có điều kiện đầu tư, phát triển.
Bệ đỡ từ “chính sách”
Theo các chuyên gia, công nghiệp hỗ trợ vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển, tuy nhiên để phát triển các cơ quan chức năng cần có những chính sách, tạo bệ đỡ cho doanh nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết, đang xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, bên cạnh việc mở rộng danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho phù hợp với xu thế hiện nay, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP đưa ra một điểm mà Bộ Công Thương đánh giá là cốt lõi của việc sửa đổi, đó là cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp.
Bên cạnh các giải pháp chính sách, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và các doanh nhiệp FDI như Samsung, Toyota để triển khai các giải pháp nâng cao năng lực, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, trong đó chú trọng xây dựng các khu, cụm công nghiệp liên kết ngành; tăng cường nguồn nguyên liệu trong nước phục vụ sản xuất, hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu; hoàn thiện các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp.
Riêng đối với việc mở rộng thị trường, ngoài việc xúc tiến đầu tư, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng các khu, cụm công nghiệp liên kết ngành và khu vực liên kết ngành, để có một doanh nghiệp đầu đàn đầu tư vào, kéo theo các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, từ đó giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi thế doanh nghiệp.
Cùng với những cơ chế, chính sách, hiện Bộ Công Thương đang đẩy nhanh xây dựng 2 Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp phía Bắc và Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp phía Nam.
Theo đó, 2 trung tâm này đóng vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hỗ trợ và khuyến khích các địa phương xây dựng các Trung tâm đổi mới sáng tạo công nghiệp tại các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp.
Hiện nay 2 Trung tâm này đang kiện toàn bộ máy tổ chức và đã có các hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại một số địa phương trên cả nước như hỗ trợ cải tiến, kết nối doanh nghiệp ngành ô tô, điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may, da giầy; hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh; nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế IATF 16949, CE/UL. Các Trung tâm đang tích cực hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam như Toyota, Mitsubishi, Canon nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn này.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) thời gian tới việc phát triển trung tâm hỗ công nghiệp tại các địa phương có tiềm năng về phát triển công nghiệp phù hợp với lợi thế cạnh tranh từ nguồn lực của địa phương với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nâng cao trình độ quản lý, công nghệ sản xuất và giá trị gia tăng.
Với hàng loạt những quyết sách trên, nhiều địa phương, cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” đủ mạnh để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp cận nguồn vốn, công nghệ nâng cao năng lực cạnh tranh.