Bài 1: Từ nghị quyết đến hành động Bài 2: Để có bộ máy tinh gọn, hiệu quả |
Cuộc “cách mạng hành chính lần hai”
Từng là đại biểu Quốc hội nhiều khóa, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng 4 khóa trước, ông Vũ Mão rất hoan nghênh Bộ Công Thương thu gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Song theo ông, nghiên cứu về lịch sử ngành công thương thấy bộ máy rất to lớn, gồm 6 bộ và 4 tổng cục gộp lại. Trong hơn 10 năm qua, đã có một cuộc cải cách từ chủ trương cải tổ bộ máy Chính phủ trước đây. Giờ tiếp tục sắp xếp, có thể coi là một cuộc cách mạng “lần hai” đối với Bộ Công Thương. Đây là một chủ trương lớn, là hướng đi lâu dài và phải có từng bước đi hợp lý. Vì thế, Bộ Công Thương chủ trương ban đầu sắp xếp các cục, vụ, viện hành chính cũng là cần thiết nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì chưa đủ.
Dây chuyền tuyển than ở Công ty Tuyển than Cửa Ông. Ảnh: CẤN DŨNG. |
“Tôi nhớ lại thời điểm đó về lý lẽ lập luận tại sao thu gọn đầu mối vì thấy nhiều đầu mối quá cồng kềnh, Chính phủ khó chỉ đạo. Năm 1995, chúng ta bắt đầu nhập Bộ Thủy lợi vào với Bộ Nông nghiệp, trước đó là nhập Bộ Lâm nghiệp vào với Bộ Nông nghiệp, sau đó nhập Bộ Thủy lợi. Bộ Công nghiệp thì hợp nhất từ Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Năng lượng. Trước đó, Bộ Kinh tế đối ngoại, Bộ Nội thương, Bộ Vật tư hợp nhất thành Bộ Thương nghiệp, Bộ Cơ khí và Luyện kim đổi thành Bộ Công nghiệp nặng… ít nhất là có 6 bộ. Nghị quyết số 01/2007/NQ-QH12 của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XII, hợp nhất Bộ Công nghiệp với Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương”-ông Vũ Mão nhớ lại.
Cần sự vào cuộc của Chính phủ và các bộ, ngành
“Về lâu dài, ở tầm vĩ mô, Chính phủ cần tổng kết lại xem trong vòng hơn 10 năm vừa qua sáp nhập bộ đa ngành như vậy thì cái gì được và cái gì chưa được để khắc phục. Những bộ trở thành “siêu bộ” là quá lớn dẫn đến hậu quả khó quản lý thì phải tiếp tục cải tổ. Chúng ta chủ trương tất cả các doanh nghiệp nhà nước không thuộc các bộ quản lý nhưng trên thực tiễn vừa qua vẫn nằm trong sự quản lý của các bộ ở các mức độ khác nhau. Bộ Công Thương hiện đang quản lý hàng chục doanh nghiệp, về lâu dài cũng cần sắp xếp lại”-ông Vũ Mão kiến nghị.
Theo ông Vũ Mão, nhìn một cách tổng thể, hiện nay bộ máy chúng ta chưa ổn, các tổng cục là các bộ con nằm trong bộ lớn, như vậy không đạt được yêu cầu của chúng ta là bộ đa ngành, tinh giản biên chế cuối cùng lại phình ra, đấy là nguyên nhân rất sâu xa mà không có tổng kết. Cho nên, việc sắp xếp lại bộ máy Bộ Công Thương đã đi đầu nhưng nhìn xa hơn thì cần sự vào cuộc chung của cả Chính phủ và các bộ, ngành để có cách làm toàn diện, tổng thể.
Nên vận dụng kinh nghiệm quốc tế
Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm cho rằng, hiện nay bộ máy chúng ta quá cồng kềnh, biên chế phình ra quá lớn, rất hạn chế trong việc điều hành, quản lý đất nước, mặc dù chúng ta đã có nhiều chủ trương để giảm biên chế nhưng kết quả không được như ý muốn, mà ngày càng tăng lên. Bộ Công Thương vừa qua phát hiện một số trường hợp đề bạt, tuyển dụng rồi điều chỉnh không đúng, cách điều hành, quản lý chưa tốt. Việc Bộ Công Thương đi đầu trong việc sắp xếp lại bộ máy có ý nghĩa quan trọng giải quyết những bức xúc từ thực tiễn, cũng là điều nhân dân mong đợi.
Nữ công nhân tại Công ty Giày Vĩnh Phúc. Ảnh: CẤN DŨNG. |
“Tôi cho rằng, qua tồn tại, khuyết điểm của Bộ Công Thương đã được Quốc hội và dư luận nêu lên và Trung ương đã bắt đầu xử lý một số vấn đề, việc tự động có phương án để sắp xếp, bố trí rút gọn đầu mối, giảm các biên chế không cần thiết, kém hiệu lực là một điều rất cần. Việc làm này không những cần thiết trong bộ và cũng là điểm chúng ta cần rút kinh nghiệm cho các cơ quan, nhất là các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan dịch vụ phục vụ, cơ quan hành chính để có tác dụng khắc phục những khuyết điểm. Qua đó rút kinh nghiệm, tạo nên yếu tố giải quyết đồng bộ, cụ thể hơn, nhanh chóng hơn về chủ trương mà chúng ta rất nhiều năm không làm được là thu gọn bộ máy cho gọn nhẹ. Tôi cho rằng, chủ trương rất tốt và phải làm nghiêm túc, làm có bài bản, hệ thống và có sự phối hợp giữa các ngành, các cấp và có sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ, giám sát của Quốc hội để chủ trương này được thực hiện điển hình thông qua Bộ Công Thương, tạo nên lòng tin của nhân dân, cử tri đối với đường lối chính sách, chủ trương nghị quyết của chúng ta”-ông Vũ Mão khẳng định.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, để việc triển khai hiệu quả, cần rà soát lại tất cả các đầu mối theo quy chế chung, theo hội nhập hiện nay và thông lệ quốc tế để xác định đầu mối bao nhiêu là đủ, kể cả phải hướng theo mô hình chung của thế giới, theo nguyên tắc kinh tế thị trường. Về phương án Bộ Công Thương đề xuất, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, bộ theo dõi chuyên ngành đã tự đề ra, tự sắp xếp để rút gọn, chứng tỏ bộ đã có kiểm nghiệm thực tiễn, rút ra cái được và chưa được. Không ai có thể hiểu được bằng người trong cuộc. Tuy nhiên, đây cũng là chủ trương chưa qua thực tiễn cho nên phải trải qua quá trình thực hiện mới có thể biết mặt mạnh, mặt yếu và cần tiếp tục bổ sung cho phù hợp, điều chỉnh trong quá trình thực hiện.
Nguyên Minh - Kim Dung - Hoàng Nhưỡng - Báo qdnd.vn xuất bản ngày 7/12/2016