Việc Bộ Công Thương vừa công bố đề xuất phương án sắp xếp lại tổ chức bộ máy của bộ đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Đây là bộ đầu tiên tái cơ cấu bộ máy hành chính trên quy mô lớn. Với phương án sắp xếp ban đầu giảm tới 7 vụ, cục trực thuộc bộ cùng hàng loạt sắp xếp khác đã cho thấy quyết tâm chính trị cao, đổi mới để phát triển nhưng cũng còn không ít thách thức và những vấn đề đặt ra
Giảm 7 cục, vụ; sáp nhập nhiều
Cuối tháng 11-2016 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã quyết định đưa ra bàn cùng tập thể Ban cán sự bộ, nhất trí thông qua phương án kiện toàn và tái cấu trúc bộ máy theo đúng phương châm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề ra: Xây dựng Chính phủ hành động, phục vụ, kiến tạo, liêm chính, nói đi đôi với làm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (người đứng) họp chỉ đạo công việc tại Bộ Công Thương. Ảnh: CẤN DŨNG |
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, bộ đã có những "hội nghị Diên Hồng", lấy ý kiến mọi cán bộ trong bộ về dự kiến kiện toàn, tinh giản bộ máy cho phù hợp... Phương án sắp xếp lại bộ máy sẽ có nhiều cải tổ mạnh mẽ, giảm từ 35 đầu mối xuống chỉ còn 28 đầu mối trực thuộc bộ. Trong đó, Tổng cục Năng lượng tách thành một cục và 2 vụ; Vụ Thị trường thương mại Miền núi và Biên giới nhập vào Vụ Thị trường trong nước và Cục Xuất nhập khẩu; Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Công nghiệp nặng nhập thành Cục Công nghiệp; Vụ Tài chính tách một phần về Vụ Kế hoạch, một phần về Vụ Đổi mới phát triển doanh nghiệp. Vụ Phát triển nguồn nhân lực (trước kia tách ra từ Vụ Tổ chức cán bộ), nay nhập lại về Vụ Tổ chức cán bộ. Vụ Thi đua khen thưởng và Cục Công tác phía Nam (trước kia là Văn phòng đại diện Bộ Công Thương tại TP Hồ Chí Minh) nhập về thuộc Văn phòng Bộ Công Thương. Các Vụ KV1, KV2, KV3, KV4 nhập lại thành 2 vụ: Âu-Mỹ và Á-Phi; Vụ Hợp tác Quốc tế nhập về 2 vụ: Âu-Mỹ và Á-Phi; 2 viện nghiên cứu (Thương mại và Chính sách công nghiệp) nhập thành một viện. Bộ cũng sẽ thành lập thêm Cục Phòng vệ Thương mại cho phù hợp xu thế hội nhập. Nâng cấp thành lập Tổng cục Quản lý thị trường từ Cục Quản lý thị trường...
“Mục tiêu sắp xếp lại bộ máy là giảm các đầu mối theo hướng tinh gọn, tránh sự cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị theo đúng tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW. Trên cơ sở rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, Bộ Công Thương thực hiện sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của tổng cục, cục, vụ, viện theo hướng thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, hiệu quả quản lý Nhà nước của bộ, góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính”-lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định.
Đi đầu, dũng cảm
Đổi mới, tái cấu trúc bộ máy hành chính không phải là vấn đề mới, nó đã được đề cập nhiều lần trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Nhưng phương án hành động cụ thể và trên phạm vi lớn như đề xuất của Bộ Công Thương thì chưa thấy đơn vị nào làm được. Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương hoan nghênh chủ trương của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Ông Vũ Quốc Hùng, chia sẻ: “Quốc hội cũng đã yêu cầu, Hội nghị Trung ương 4 khóa XI cũng đã có nghị quyết về tinh giản bộ máy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là bộ trưởng đi đầu, dũng cảm thực hiện việc này là rất tốt”.
Hoạt động xuất nhập khẩu nhộn nhịp tại cảng Hải Phòng. Ảnh: CẤN DŨNG |
Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã nêu rõ thực tế: “Hiệu quả công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, tổng số biên chế có xu hướng tăng lên... Chưa xác định rõ, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu quản lý Nhà nước, yêu cầu cung cấp dịch vụ công của từng ngành, từng lĩnh vực, từng khu vực cụ thể... Người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương chưa làm hết thẩm quyền và trách nhiệm đối với công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; còn có biểu hiện ngại va chạm, nể nang, thiếu nhất quán trong quán triệt, chỉ đạo, tổ chức thực hiện...”.
Trên thực tế, hầu như chỉ thấy các đơn vị xin tăng thêm biên chế, mở thêm đầu mối, hiếm thấy đơn vị nào xin cắt giảm hàng loạt như Bộ Công Thương. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Đảng trong cả nhiệm kỳ, trong đó có vấn đề cấp bách về “Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”.
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng vừa qua cũng đề cập: “Kiên quyết thực hiện đúng mục tiêu, có hiệu quả việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đổi mới chính sách tiền lương”.
Ông Trịnh Gia Hiểu, Chuyên viên cao cấp, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội cho rằng, Bộ Công Thương đã quyết liệt thực hiện chủ trương của Đảng về cải cách hành chính, thể hiện động thái “nói đi đôi với làm” của người đứng đầu, trước hết là thực hiện đúng lời hứa với Thủ tướng Chính phủ. Đã có sự chuyển biến rõ rệt từ sự quyết liệt của người đứng đầu.
Còn theo Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm, đây thực sự là một cuộc “đại phẫu” bởi kể từ khi sáp nhập Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp cách đây gần 10 năm, đây là lần đầu tiên Bộ Công Thương có một cuộc rà soát lớn nhằm tái cơ cấu lại bộ máy vốn đang bị dư luận chỉ trích là quá cồng kềnh và có nhiều khuyết điểm, hạn chế, làm nóng dư luận thời gian qua. Việc cải tổ này là kịp thời và nó cũng đã được đích danh Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Chuyển động từ người đứng đầu
Tái cơ cấu ngay chính Bộ Công Thương là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Bộ Công Thương vào ngày 12-7-2016. Thủ tướng đã thẳng thắn nêu ra những con số và chỉ đạo: Bộ Công Thương cần tái cơ cấu ngay tại cơ quan bộ khi mà bộ có tới 30 vụ, 10 trường đại học, 22 trường cao đẳng, 11 tập đoàn, tổng công ty…, nắm giữ nhiều hạ tầng kinh tế hết sức quan trọng của đất nước, chiếm khoảng hơn 2/3 tổng thu ngân sách mỗi năm nhưng cũng còn rất nhiều hạn chế, lực cản.
“Bộ máy cồng kềnh, người thì đông, đi vào rồi lại đi ra, làm việc không có hiệu quả thì làm sao phát triển được. Chúng ta cứ nói tái cơ cấu toàn ngành nhưng ngay trong bộ máy của Bộ Công Thương cũng cần tái cơ cấu triệt để, công khai. Người nào việc nấy mới có hiệu quả, xác thực”, Thủ tướng đặt ra yêu cầu với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và lưu ý, thách thức lớn với ngành công thương là thể chế quản lý còn nửa thị trường, nửa kế hoạch hóa, thiếu mạnh mẽ, mạch lạc trong xây dựng chính sách, điều hành....
Tại cuộc làm việc gần đây giữa Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Công Thương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương sắp xếp, tổ chức lại bộ máy đi liền với tinh giản biên chế. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã cam kết, Bộ Công Thương sẽ là một trong những bộ đi đầu trong tái cơ cấu bộ máy, đổi mới công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.
Phương án đề xuất của Bộ Công Thương mới chỉ là bước đầu, nhưng việc hành động kịp thời, quyết liệt ấy rất đáng hoan nghênh. Nó đã thể hiện rõ quyết tâm đổi mới, nhìn thẳng vào sự thật, dám nghĩ, dám làm mà rất ít bộ, ngành dám đương đầu với lĩnh vực cải cách hành chính vốn có rất nhiều khó khăn, phức tạp, tồn tại nhiều năm qua.
Nguyên Minh - Kim Dung - Hoàng Nhưỡng - Báo qdnd.vn xuất bản ngày 05/12/2016