Bộ Tài chính đề xuất giảm 35 nghìn tỷ đồng thuế giá trị gia tăng trong năm 2023 Chính phủ đồng ý phương án giảm thuế VAT về 8% |
Kỳ 1: Giảm 2% thuế giá trị gia tăng- Đúng mong đợi nhưng tốt hơn nếu đẩy sớm lên
Trên cơ sở các ý kiến liên quan đến việc giảm thuế và giãn thuế nêu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, tại Nghị quyết của phiên họp, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương khẩn trương xử lý, giải quyết vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét tiếp tục chính sách giảm 2% thuế thuế giá trị gia tăng.
Bộ Tài chính đã thiết kế và trình Chính phủ báo cáo Quốc hội chốt 2 phương án. Phương án 1, giảm 2% mức thuế suất giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).
Phương án 2, giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10%, trừ một số nhóm hàng hoá, dịch vụ như đã áp dụng trong năm 2022 theo Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Về thời gian thực hiện, Bộ Tài chính dự kiến kiến là từ ngày 1/7/2023 (ngày ban hành) đến hết ngày 31/12/2023.
Đây không phải là lần đầu tiên việc giảm thuế giá trị gia tăng được tiến hành. Năm 2022 nhằm giảm bớt áp lực khó khăn cho doanh nghiệp, việc giảm thuế này cũng đã được thực hiện với tổng số tiền khoảng 38.900 tỷ đồng trong tổng số tiền thuế miễn, giảm ước khoảng 50.200 tỷ đồng
Tuy nhiên sau khi thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ từ 10% xuống 8%, doanh nghiệp đã có phản ánh gặp nhiều khó khăn về thực hiện với việc nhiều doanh nghiệp bối rối với việc xác định thuế với từng danh mục sản phẩm. Cùng đó việc quy định phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng mới được áp dụng thuế suất 8% khiến cho chi phí của doanh nghiệp tăng lên.
Ảnh minh hoạ |
Chia sẻ về tác động của đợt giảm thuế giá trị gia tăng lần này, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op nhìn nhận, đây là giải pháp đáng trông chờ của người tiêu dùng, nhà phân phối, đơn vị sản xuất trong thời điểm hiện nay. Còn ông Nguyễn Hồ Thiện Nhân - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) cho rằng, việc giảm thuế sẽ làm giảm giá thành sản phẩm, kích thích tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay
Từ kinh nghiệm của năm 2022, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng để các doanh nghiệp rộng đường thụ hưởng chính sách cũng như các chính sách thực sự “thấm” tới doanh nghiệp, dù việc giảm thêm 2% thuế giá trị gia tăng của năm 2023 được thực hiện theo phương án nào thì cũng cần được thiết kế rõ ràng để có thể thực hiện được ngay. Chứ không lặp lại trạng thái “ngơ ngác” như đã từng diễn ra làm giảm hiệu lực chính sách cũng như giảm thiểu thuộc tính “độ trễ” của chính sách.
Ông Nguyễn Anh Đức phân tích, là thực tế ngay từ cuối năm 2022 các doanh nghiệp đã có đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2%. Tuy nhiên việc ra quyết định giai đoạn này có độ trễ nhất định và có những doanh nghiệp đã không vượt qua được khó khăn trong suốt thời gian chờ đợi chính sách.
“Dù vậy đây vẫn là điểm đáng mong chờ của thị trường và hy vọng sẽ có nhiều thúc đẩy cho việc kích cầu cho tiêu dùng, thúc đẩy kinh doanh trong thời gian tới. Bởi lẽ cùng với việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng, các doanh nghiệp cũng sẽ thực hiện đồng loạt giải pháp kích cầu khác nhằm để qua đó kích đúng chỗ, đúng lúc nhằm thúc đẩy tiêu dùng”, ông Nguyễn Anh Đức nói.
Cùng quan điểm chính sách giảm thuế có thể chọn thời điểm sớm hơn, ông Nguyễn Hồ Thiện Nhân, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) cho rằng đây giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp mà HUBA đã đề xuất, kiến nghị trong nhiều cuộc họp. HUBA cho rằng việc áp dụng từ thời điểm 1/7/2023 là hơi trễ và nên tiến hành càng sớm càng tốt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đánh giá về hiệu ứng của chủ trương giảm thuế, ông Nguyễn Anh Đức cho rằng sẽ có một số khó khăn nhỏ với doanh nghiệp là việc giảm thuế 2% này tùy ngành nghề, tùy đối tượng khác nhau lại có những mức đánh giá khác nhau.
“Chẳng hạn với bán lẻ như chúng tôi đang cung ứng trên thị trường hàng trăm ngàn mặt hàng sẽ có những khó khăn liên quan đến việc điều chỉnh các chương trình điện toán làm sao cho phù hợp, đúng với yêu cầu của các hướng dẫn”, ông Đức nói.
Kỳ 2: Nghị định 12/2023/NĐ-CP và câu chuyện kết hợp chính sách tài khoá và tiền tệ