Quảng Ninh: Hành trình phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”- Bài 1: Hóa giải “điểm nghẽn” |
Kiểm soát ô nhiễm tại nguồn
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chỉ rõ định hướng của tỉnh Quảng Ninh: “Đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu". Trên cơ sở đó, tỉnh đã ban hành nhiều chương trình kế hoạch đi sâu vào quản lý từng thành phần môi trường, kiểm soát từng loại chất thải của các hoạt động phát triển kinh tế xã hội như: Không khí, nước thải, chất thải sinh hoạt, chất thải nhựa….
Điển hình như việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gâyô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư đã được các địa phương tích cực thực hiện. Đến nay có 11/13 địa phương đã xây dựng kế hoạch di dời, 2 địa phương còn lại (Quảng Yên, Tiên Yên) đang triển khai xây dựng.
Tỉnh và các đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ cũng đã quan tâm đã đầu tư, triển khai xây dựng 157 trạm quan trắc môi trường tự động nhằm nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, kiểm soát môi trường tự động trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kiểm soát chặt chẽ, liên tục chất lượng môi trường nước, không khí, cảnh báo sớm ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trong công tác quản lý nhà nước về môi trường. Các dữ liệu về môi trường được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân được biết và cùng giám sát chất lượng môi trường.
Hiện nay có 5/5 KCN (gồm KCN Cái Lân, Hải Yên, Đông Mai, Việt Hưng, Texhong Hải Hà - giai đoạn 1) đang hoạt động đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo thu gom toàn bộ nước thải phát sinh của KCN. Chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và liên tục được quan trắc tự động, liên tục kết nối, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra, 5/5 KCN đã có phương án ứng phó và khắc phục sự cố của hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN; 80% các cụm công nghiệp có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung trước khi đưa vào hoạt động.
Hệ thống xử lý nước thải của Công ty TNHH Yazaki tại KCN Đông Mai, TP Uông Bí |
Như tại KCN Đông Mai, chủ đầu tư hạ tầng đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải với công suất 1.100 m3/ngày đêm, đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường tại giấy xác nhận số 39/GXN-TNMT ngày 29/11/2019.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó giám đốc Xí nghiệp quản lý vận hành KCN Đông Mai cho biết: “Các doanh nghiệp thứ cấp đều có hệ thống xử lý nước thải sơ bộ trước khi đưa về trạm xử lý chung. Dự kiến trong năm 2023, đơn vị sẽ hoàn thành nốt Trạm xử lý nước thải tập trung modul số 2 với công suất 2.600 m3/ngày”.
Được biết, tỉnh Quảng Ninh cũng tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chỉ tính năm 2021, UBND tỉnh và các sở, ngành đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với 681 tổ chức, cá nhân, với tổng số tiền xử phạt trên 12,7 tỷ đồng.
Chủ động phòng ngừa
Nghị quyết 12- NQ/TU ngày 12/3/2018 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2020, có nêu rõ: “Đối với nhiệm vụ và giải pháp Chủ động phòng ngừa, kiểm soát tình trạng ô nhiễm và suy thoát môi trường, tập trung vào các khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, khu hành chính kinh tế - đặc biệt Vân Đồn: Hạn chế tối đa và tiến tới chấm dứt hoạt động các nhóm ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Toàn bộ các dự án trước khi cấp phép hoạt động đều phải đảm bảo thủ tục pháp lý về môi trường theo đúng quy định; không chấp thuận các dự án đầu tư với công nghệ lạc hậu và các loại hình sản xuất phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Ninh thực hiện công tác kiểm tra, lấy mẫu nước thải các đơn vị sản xuất tại KCN |
Quảng Ninh cùng là một trong số ít các địa phương trong cả nước ban hành quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng, bè, giàn có sử dụng phao nổi. Trên cơ sở đó, tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương chuyển đổi lồng, bè, giàn bằng phao xốp sang vật liệu thân thiện với môi trường.
Hiện tỉnh Quảng Ninh đang đặt mục tiêu thay thế toàn bộ số phao xốp trong nuôi trồng thủy sản bằng phao HDPE trước ngày 31/12/2022 nhằm trả lại vùng nuôi thân thiện với môi trường. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã chuyển đổi được khoảng hơn 89 vạn quả phao đạt quy chuẩn địa phương trong tổng số khoảng 3 triệu quả cần chuyển đổi, đạt tỉ lệ khoảng 30%.
Đối với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh đã đầu tư 40 máy móc, 3 thiết bị xử lý nước thải, 10 thùng rác nổi cỡ lớn, 117 thùng rác tại các điểm thăm quan... Các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra những hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; ra quân thu gom rác thải rắn sinh hoạt tại các luồng, tuyến, khu vực dịch vụ, chân đảo, bãi cát...; lắp đặt các thiết bị phân ly dầu – nước tại 100% tàu du lịch. Bên cạnh đó, tất cả các công trình nổi tại khu vực bảo vệ tuyệt đối di sản đã được thay thế phao xốp bằng các vật liệu bền vững, thân thiện môi trường. Tỉnh đã khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt 5 khu vực có đa dạng sinh học cao, tập trung các loài quý hiếm, đặc hữu trên vịnh Hạ Long, bảo tồn các loại thực vật quý.
Bè nuôi thủy hải sản trên Vịnh Hạ Long đã được thay thế bằng vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường |
Ngoài ra, nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường công tác tuyên truyền phong trào Chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền tại các cơ sở; bằng các hình thức tuyên truyền như băng zôn, khẩu hiệu, poster, túi được in ấn trên chất liệu vải thay thế các sản phẩm nhựa.
Ông Phạm Duy Thanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết: “Đến nay cơ bản các siêu thị trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai giảm thiểu chất thải nhựa với những cam kết cụ thể hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” như: Không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong các hoạt động thường xuyên của đơn vị; khuyến khích nhà cung cấp sử dụng bao bì thân thiên với môi trường, giấy tái chế thay thế túi nilon để bao gói các sản phẩm; 100% rác thải trong hoạt động trong hoạt động kinh doanh được thu gom, phân loại tại nguồn, chuyển giao đến cơ sở xử lý, tái chế theo quy định của pháp luật...”
Tỉnh Quảng Ninh đặt ra lộ trình phấn đấu đến năm 2025 sẽ chấm dứt khai thác, đóng cửa toàn bộ mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường để hoàn nguyên môi trường. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh. |
Bài 3: Hoàn thiện chính sách về bảo vệ môi trường