Bài 1: Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc và KTS Đào Ngọc Nghiêm từng nói gì về quy hoạch Hồ Tây? |
Kiến trúc sư trưởng đã nhìn ra điểm nghẽn từ thập kỷ trước, nhưng…
Trong cuốn “Địa chí vùng Tây Hồ”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm từng viết: “Trong quá trình phát triển Thăng Long – Hà Nội, dù là ở thời kỳ nào, khu vực xung quanh hồ Tây luôn được chú trọng khai thác những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, về môi trường, về giá trị các làng nghề truyền thống và cả về các truyền thuyết. Song định hướng được đồng bộ, để đầu tư được hợp lý, có hiệu quả phải kể đến từ khi có Quy hoạch chi tiết phê duyệt vào tháng 11/1994 và tiếp sau là các quy hoạch chi tiết cho các khu vực cụ thể hoặc lân cận tiếp giáp hồ Tây. Gần 15 năm qua (thời điểm năm 2010) thời gian chưa nhiều nhưng với tốc độ phát triển cao đã thực sự tạo được diện mạo mới cho Hồ Tây để từng bước trở thành trung tâm mới của Hà Nội về dịch vụ, du lịch, nghỉ ngơi. Song bên cạnh đó còn không ít tồn tại”.
Không gian Hồ Tây có nơi sau bao năm dường như đã trở thành ao nước tù |
Trước hết phải kể đến việc khai thác mặt nước hồ Tây. Trên thế giới, trong ranh giới đô thị có hồ nước với diện tích 500ha là rất hiếm. Đây không chỉ là cảnh quan thiên nhiên, nơi cải tạo vi khí hậu cho cả thành phố mà còn rất cần được khai thác hợp lý phục vụ môi trường sống mới. Đã có những đề tài nghiên cứu khoa học, vài dự án cục bộ chuyên ngành nhưng thật đáng tiếc đến nay vẫn chưa có một định hướng khai thác nào mang tính pháp lý được phê duyệt. Dự án cải tạo chất lượng nước hồ vẫn dang dở chưa có giải pháp thích hợp. Mặt nước được khai thác từng phần như: bến cá, nơi tập đánh gôn (khu Câu lạc bộ Hà Nội), nhà thuyền, bến nhà thuyền phục vụ ăn uống và thật lạ lùng là nhiều thuyền còn được neo đậu cố định để phục vụ ăn uống nhất là khu vực ven đường Thanh Niên… Phục vụ đại trà cho quảng đại quần chúng chỉ là vài xe đạp nước, vài thuyền buồm hay thuyền thể thao đôi khi có lễ hội. Việc nuôi thủy sản với việc khai thác tùy tiện đã làm mất đi giá trị hồ Tây. Đã đến lúc cần có nghiên cứu tổng quan cho công việc khai tác quản lý mặt nước hồ Tây với yêu cầu hiện đại, nhưng mang bản sắc của Hà Nội và đáp ứng yêu cầu của nhiều người dân, của lớp người trẻ tuổi (thủy phi cơ, nhảy dù, lướt ván).
Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm xung quanh hồ Tây đã hình thành các làng nghề truyền thống lâu đời: trồng hoa, câu cảnh, làm giấy, rau đặc sản; Trong quá trình đô thị hóa vừa qua những nơi này đã chuyển đổi sang đất ở, xây nhà cho người nước ngoài thuê hoặc dành cho lớp người có thu nhập cao để ở. Đáng tiếc nhất là không quản lý thích hợp việc chuyển đổi chức năng sử dụng đất sang đất ở, nên còn đâu làng Nghi Tàm với nghề trồng cây cảnh, Hồ Tây trồng quất, Nhật Tân trồng đào…Rõ rệt nhất là khu bán đảo Quảng An với ý đồ quy hoạch nhằm tạo trục không gian với hệ thống cây xanh, mặt nước phục vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí với điểm kết thúc là công trình văn hóa dạng tháp (có đề xuất là tháp truyền hình, tháp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long…). Đáng tiếc sau khi vấp váp ở bước khởi động, đến nay vẫn chưa hình thành được trục không gian này, chưa tạo được sự kế tục liên hoàn với không gian xanh từ Cổ Loa (Đông Anh). Mong đợi của người dân Thủ đô, liên kết quá khứ - truyền thống (Cổ Loa) với hiện đại (trục bán đảo Quảng An) đến nay vẫn chưa được khởi động lại.
Mặt nước hồ Đầm Trị trở thành nơi xả rác gây ô nhiễm nặng nề |
Các công trình đã xây dựng xung quanh hồ Tây, nhìn về tổng quan không gian (chiều cao công trình) là phù hợp, không có sự đột biến, không ảnh hưởng đến không gian các di tích song phong cách kiến trúc của một số công trình đang là vấn đề cần xem xét. Công trình khách sạn Sheraton (K5) đã tạo được sự tương phản cho bản thân công trình (tổ hợp khối cao và thấp tầng) nhưng phong cách kiến trúc tòa nhà cao 18 tầng còn khô cứng, đơn giản, chưa hài hòa với cảnh quan, chưa tương xứng với vị trí ven hồ. Cụm công trình “làng du lịch Việt – Nhật” đành rằng bố trí tầng cao là hợp lý song các dãy nhà 5 đến 6 tầng này có chiều dài quá lớn, lại chưa xử lý thỏa đáng cảnh quan hai đầu hồi nên nhìn từ hồ vào còn che chắn luồng người nhìn ra hồ.
“Đáng tiếc hơn cả là việc thiếu quản lý các nhà thấp tầng xây dựng trong bán đảo Quảng An và ven hồ, mỗi nhà mỗi kiểu chắp nhặt đủ các loại từ mái dốc “kiểu Anh”, mái vòm “kiểu Hồi giáo”, tháp chuông; xem ra như một món lẩu “thập cẩm” là không mấy ai thích. Trách nhiệm này không chỉ vì thiếu quy hoạch chi tiết mà phải chăng là thiếu quản lý giám sát trong đầu tư xây dựng. Hồ Tây là khu cảnh quan đặc trung của Hà Nội, của Thủ đô Việt Nam, nên chăng cũng phải có cách làm quy hoạch mới, cách quản lý mới. Sớm hình thành quy hoạch kiểm soát phát triển, quy chế quản lý kiến trúc đô thị khu vực Hồ Tây và nên có một Ban quản lý riêng thì mới hy vọng có được đủ căn cứ để quản lý tốt và người dân có định hướng tham gia trong đầu tư xây dựng”- Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm từng đưa ra nhận xét.
“Đè nát” quy hoạch tổng thể vì những “giấc mơ con”
Dù rằng những ý kiến để “đánh thức” Hồ Tây của những tên tuổi như nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc hay kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm đã được đưa vào tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”như một cuốn “di cảo” lưu truyền cho hậu thế. Đáng tiếc thay, những ý kiến quý báu này dường như vẫn chỉ được những nhà làm quản lý đặt trên giá sách khiến cho cảnh quan của Hồ Tây đâu còn là “Tây Hồ bát cảnh”.
Ngay tại phường Quảng An, là một trong tám phường thuộc quận Tây Hồ; nằm trong Quy hoạch phân khu đô thị khu vực hồ Tây và phụ cận ( tỷ lệ 1/2000 ) đã được phê duyệt từ năm 2014. Tuy nhiên, đến nay, bộ mặt đô thị ở khu vực này vẫn còn nhếch nhác, cần sự điều chỉnh kịp thời.
Các công trình xây dựng trái phép đang dần chiếm lấp không gian Hồ Tây |
Cụ thể, theo Quy hoạch phân khu đô thị khu vực hồ Tây và phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000, được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4177/QĐ-UBND ngày 8/8/2014, phường Quảng An có 3 khu vực được quy hoạch làm đất công cộng và đất cây xanh trong tương lai gồm: Khu vực Ao Chùa - Đầm Trị; ô đất cuối đường Tây Hồ - Quảng Bá; một phần đường Đặng Thai Mai và Âu Cơ - khu vực gần chùa Tứ Liên.
Nổi bật trong đó là Đầm Trị, khu vực từ nhiều năm nay không ít lần được phản ánh về tình hình vi phạm trật tự xây dựng, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện quy hoạch. Một vòng quanh Đầm Trị, không khó để ghi nhận tình trạng tràn lan hàng quán tạm bợ. Nhiều chủ cơ sở thậm chí đã xây dựng cầu tạm bằng tre, nứa lấn ra hồ để phục vụ nhu cầu kinh doanh.
Từ năm 2017, UBND TP Hà Nội đã văn bản chỉ đạo chính quyền địa phương kiểm tra, kiên quyết chấn chỉnh và giải quyết dứt điểm vi phạm về trật tự xây dựng quanh khu vực. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng xây dựng công trình tạm, lấn chiếm hồ vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, hoàn toàn không bị xử lý.
Không chỉ tại Đầm Trị, nhiều vị trí khác trong khu vực được quy hoạch đất cây xanh công cộng cũng bị lấn chiếm bởi hàng quán tạm bợ bằng tôn, bạt. Trên trục đường Quảng Bá, men theo bờ hồ Tây, nhiều công trình tạm được dựng lên bằng khung sắt, lợp tôn ngang nhiên xuất hiện trên khu đất quy hoạch.
Hàng loạt công trình tạm được dựng lên bằng khung sắt, lợp tôn ngang nhiên xuất hiện trên khu đất quy hoạch. |
Bên cạnh hàng loạt quán xá nhếch nhác, lụp sụp, không khó để nhận thấy một số công trình nhà ở quy mô lớn len lỏi trong khu vực dân cư trên địa bàn phường Quảng An. Trong khi đó, Quy hoạch phân khu đô thị khu vực hồ Tây và phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 đã quy định: Đối với khu vực dân cư hiện có thực hiện theo Tiêu chuẩn, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam áp dụng đối với nhà ở liên kế và nhà ở riêng lẻ và các quy định khống chế tại đồ án bao gồm: Tầng cao tối đa 5 tầng; Đối với khu vực làng xóm kiểm soát đặc biệt không xây dựng cao quá 3 tầng (12m).
Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, chính việc chưa có quy hoạch chi tiết (quy hoạch tỷ lệ 1/500) là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng ở khu vực này.
Quy hoạch mới cần nhìn rộng hơn, xa hơn
Nhận xét về sự phát triển quy hoạch, theo TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm, tư duy đổi mới là xuyên suốt và ngày càng hoàn thiện. Những đề xuất gần đây không mâu thuẫn với quy hoạch cũ mà còn nâng tầm, tạo đột phá phát triển cho Thủ đô trong giai đoạn mới, phát huy được lợi thế hiếm có 500 ha mặt hồ giữa thủ đô mà rất hiếm quốc gia có được.
Để đánh thức không gian Hồ Tây, giữa tháng 7/2022, UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến người dân đối với đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An. Ông Nguyễn Lê Hoàng - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, thực tế, Đồ án này bắt đầu được triển khai vào năm 2016. Ở thời điểm đó, cơ quan chức năng bắt đầu điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 tại các ô quy hoạch.
Đến tháng 8/2021, UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị khu vực hồ Tây và vùng phụ cận, tỷ lệ 1/2.000. Ngay sau đó, TP đã giao UBND quận Tây Hồ tổ chức lập quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500. Quận Tây Hồ đang thực hiện các bước theo chỉ đạo của TP Hà Nội; dự kiến hoàn thành đồ án này trước tháng 8-9/2022 để trình UBND TP Hà Nội xem xét.
Những bãi rác tự phát liên tục xuất hiện |
Về lộ trình, sau khi lấy ý kiến cộng đồng dân cư, quận Tây Hồ sẽ cập nhật tất cả các ý kiến đóng góp, gửi chuyển lại cho đơn vị tư vấn hoàn chỉnh thêm. Trên cơ sở đó, quận sẽ báo cáo Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định lại đồ án. Sau khi đủ điều kiện, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội sẽ báo cáo thành phố; nếu thành phố phê duyệt thì đây là cơ sở để thực hiện các khâu tiếp theo.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, quy hoạch chi tiết này là phù hợp với quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực hồ Tây và phụ cận tỷ lệ 1/2000, trong đó khuyến khích xây dựng các không gian đô thị mới hiện đại, đồng bộ, gìn giữ các công trình di tích lịch sử, mang đậm nét văn hóa dân tộc, ưu tiên phát triển các chức năng về công cộng, cơ quan, trường học.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà Nội cho rằng: Về mặt định hướng, khu vực Hồ Tây đã được xác định quy hoạch từ năm 1992, nhưng cụ thể từng lô đất, từng khu vực được bố trí những công trình gì thì còn có sự khác nhau. Riêng bán đảo Quảng An đã có rất nhiều quy hoạch, ví dụ như quy hoạch phía tây Hồ Tây năm 1994, sau đó đến quy hoạch quận Tây Hồ, và gần đây là quy hoạch phân khu A6 cũng đã xác định rõ chức năng. Như vậy chỉ có một vấn đề được đặt ra là làm thế nào để gắn kết các quy hoạch khu vực Hồ Tây này với tổng thể phát triển của thành phố Hà Nội. Đây là bài học từ khu vực phố cổ, khu vực Hoàn Kiếm như chúng ta đã thấy. Khu vực Hoàn Kiếm từ năm 1995 đã đặt ra phố đi bộ nhưng mãi tận hơn 15 năm sau chúng ta mới tổ chức được tuyến phố đi bộ.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là phải tuyên truyền để nhân dân thấy rõ rằng sự phát triển của Hà Nội không chỉ bó hẹp trong khu vực nội đô lịch sử, ở những khu vực chúng ta thường quan tâm như Hồ Hoàn Kiếm, Ba Đình hay phố cổ mà phải phát triển xa hơn. Trong đó, Hồ Tây là khu vực tiềm năng rất lớn, và đặc biệt là tiềm năng về văn hóa bởi chưa có khu vực nào có giá trị văn hóa xác định chặt chẽ như ở đây.
Đi ngược lại lịch sử, từ thời phong kiến, rất nhiều doanh nhân, nhà văn hóa đã quan tâm đến khu vực Hồ Tây như Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Trãi... Hơn nữa, chưa bao giờ khu vực Hồ Tây và bán đảo Quảng An có nhiều di tích tầm cỡ quốc gia như vậy. Chúng ta thấy có tới 30 di tích quốc gia đã xếp hạng và còn gần 25 di tích chưa xếp hạng nhưng rất có giá trị.
Một điều đặc biệt, đây là khu vực mang đậm dấu ấn văn hóa Thăng Long Hà Nội, đặc biệt là làng nghề, cả làng nghề thủ công, làng nghề ẩm thực,... Một vấn đề nữa về cảnh quan ở bán đảo Hồ Tây và Hồ Tây là những người làm công tác quy hoạch, kiến trúc từ những năm 2012 trở đi đã nghiên cứu kỹ hơn. Đặc biệt từng có hội thảo quốc tế mà ở đó rất nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã đề nghị nhà nước công nhận khu vực Hồ Tây là danh lam thắng cảnh quốc gia, là di tích đặc biệt, tuy nhiên đến nay chưa triển khai được.
Để tránh ý kiến trái chiều phải tiếp cận tổng thể
“Tôi cho rằng vấn đề mấu chốt nhất để tránh những ý kiến trái chiều trong thời gian gần đây về quy hoạch trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An là phải tiếp cận được tổng thể, thấy được mục tiêu phát huy, khai thác giá trị văn hóa rất phong phú, rất đa năng của khu vực này. Đặc biệt, thực hiện quy hoạch sẽ tạo động lực mới để tiếp tục phát huy những định hướng mà chúng ta đã đặt ra từ gần 30 năm nay. Đây là một tiềm lực rất lớn để chúng ta phát triển Hà Nội, hướng tới năm 2030 để trở thành đất nước xanh, văn minh, văn hiến, hiện đại”.
Về mặt định hướng, khu vực Hồ Tây đã được xác định quy hoạch từ năm 1992, nhưng cụ thể từng lô đất, từng khu vực được bố trí những công trình gì thì còn có sự khác nhau. Riêng bán đảo Quảng An đã có rất nhiều quy hoạch, ví dụ như quy hoạch phía tây Hồ Tây năm 1994, sau đó đến quy hoạch quận Tây Hồ, và gần đây là quy hoạch phân khu A6 cũng đã xác định rõ chức năng. Như vậy chỉ có một vấn đề được đặt ra là làm thế nào để gắn kết các quy hoạch khu vực Hồ Tây này với tổng thể phát triển của thành phố Hà Nội. Đây là bài học từ khu vực phố cổ, khu vực Hoàn Kiếm như chúng ta đã thấy. Khu vực Hoàn Kiếm từ năm 1995 đã đặt ra phố đi bộ nhưng mãi tận hơn 15 năm sau chúng ta mới tổ chức được tuyến phố đi bộ.
Trong điều chỉnh quy hoạch lần này đã rất chú trọng đến yếu tố cảnh quan của khu vực trục trung tâm bán đảo Quảng An. Ở đây cũng đã kết thừa, phát huy những giá trị đã có. Nhưng có lẽ chúng ta vẫn phải nhìn nhận, phải tìm hiểu kỹ hơn nữa về mối quan hệ giao thông, về liên kết giữa khu vực này với xung quanh như thế nào ?
Những túp lều tạm bợ, nhếch nhác vẫn tồn tại giữa nơi được xem là "bán đảo đẹp nhất thủ đô" |
Ví dụ Hồ Tây có giá trị như thế chắc chắn không lâu chúng ta sẽ khai thác, tổ chức các du lịch, dịch vụ trên mặt nước và điều này đã được đặt ra từ rất lâu. Vậy việc kết nối giữa giao thông thủy với các dịch vụ mặt nước Hồ Tây như thế nào phải làm cho rõ hơn. Đặc biệt là giao thông đường bộ, kết nối không chỉ qua tuyến đường Đặng Thai Mai, mà còn qua các tuyến đường đê Lạc Long Quân, Âu Cơ như thế nào và gắn kết với các tuyến đường vành đai ở ven Sông Hồng mà chúng ta đang quyết tâm triển khai.Về mặt định hướng, khu vực Hồ Tây đã được xác định quy hoạch từ năm 1992, nhưng cụ thể từng lô đất, từng khu vực được bố trí những công trình gì thì còn có sự khác nhau. Riêng bán đảo Quảng An đã có rất nhiều quy hoạch, ví dụ như quy hoạch phía tây Hồ Tây năm 1994, sau đó đến quy hoạch quận Tây Hồ, và gần đây là quy hoạch phân khu A6 cũng đã xác định rõ chức năng. Như vậy chỉ có một vấn đề được đặt ra là làm thế nào để gắn kết các quy hoạch khu vực Hồ Tây này với tổng thể phát triển của thành phố Hà Nội. Đây là bài học từ khu vực phố cổ, khu vực Hoàn Kiếm như chúng ta đã thấy. Khu vực Hoàn Kiếm từ năm 1995 đã đặt ra phố đi bộ nhưng mãi tận hơn 15 năm sau chúng ta mới tổ chức được tuyến phố đi bộ.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là phải tuyên truyền để nhân dân thấy rõ rằng sự phát triển của Hà Nội không chỉ bó hẹp trong khu vực nội đô lịch sử, ở những khu vực chúng ta thường quan tâm như Hồ Hoàn Kiếm, Ba Đình hay phố cổ mà phải phát triển xa hơn. Trong đó, Hồ Tây là khu vực tiềm năng rất lớn, và đặc biệt là tiềm năng về văn hóa bởi chưa có khu vực nào có giá trị văn hoá.
Đặc biệt, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" cũng nêu rõ nhiệm vụ “Rà soát, cập nhật “Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội” vào điều chỉnh bổ sung Quy hoạch Thành phố”. Thành phố đặt mục tiêu bố trí quỹ đất, nguồn lực cho các dự án phát triển văn hóa chất lượng cao, ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, tạo không gian văn hóa cho cộng đồng.
Việc lập Quy hoạch chi tiết khu vực không gian trung tâm bán đảo Quảng An là phù hợp định hướng phát triển văn hóa của Đảng, Nhà nước, củng cố quyết tâm: Đầu tư phát triển văn hóa song hành với phát triển kinh tế.
Hiện cũng có một số ý kiến cho rằng quy hoạch này sẽ ảnh hưởng tới sinh kế cũng như môi trường và giao thông trong một khu vực vốn đông đúc. Trong khi đó, thành phố định hướng phát triển khu vực này thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật của Thủ đô. Đối với đồ án này, phạm vi ranh giới, quy mô diện tích, mật độ xây dựng, tầng cao công trình và dân số của 3 ô quy hoạch 16, 17,19 theo quy hoạch phân khu được duyệt, không làm tăng quy mô dân số.
Về mặt giao thông, đồ án cũng đã quy hoạch mạng lưới giao thông và có kế hoạch đầu tư hạ tầng kỹ thuật chung cho bán đảo Quảng An. Trước mắt, dự kiến nâng cấp mở rộng một số tuyến đường giao thông theo quy hoạch với mục đích đảm bảo giao thông kết nối thuận tiện thông suốt bên trong và bên ngoài khu vực nghiên cứu, bố trí các điểm bãi đỗ xe đồng bộ, hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc được bổ sung đầy đủ cho khu vực…
Đồng thời, thành phố Hà Nội cho rằng phát triển công trình văn hóa đương đại đi đôi với bảo tồn các giá trị lịch sử hiện hữu là nguyên lý cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Theo đó, quy hoạch này sẽ hình thành trục không gian chính mang ý nghĩa tâm linh - cảnh quan, kéo dài từ đường Đặng Thai Mai đến sát Hồ Tây. Điểm khởi đầu là khu vực quảng trường giao thông, giao giữa đường Đặng Thai Mai với đường có lộ giới 22m, tiếp đến là chuỗi công trình di sản văn hóa - tôn giáo kết hợp với khu vực cây xanh cảnh quan, điểm nhấn đặc trưng cho toàn khu vực. Tiếp nối là không gian quảng trường nghệ thuật dẫn hướng đến mặt nước hồ Đầm Trị và hồ Tây. Kết thúc trục không gian là công trình điểm nhấn nhà hát thành phố và cảnh quan mặt nước hồ Tây.
(Còn nữa)