Trà sen Hồ Tây - thức uống thuần khiết của người Việt |
Dư luận đang đặc biệt quan tâm dự thảo Đồ án Quy hoạch chi tiết bán đảo Quảng An. Vượt lên những ý kiến khen chê, cần nhìn quy hoạch trong bức tranh tổng thể giấc mơ thế kỷ đánh thức Hồ Tây để không bỏ lỡ một cơ hội vàng phát triển.
Giấc mơ từ mấy nghìn năm
Chỉ có thể hiểu quy hoạch bán đảo Quảng An cần làm gì, làm như thế nào nếu nhìn tổng thể câu chuyện quy hoạch Hồ Tây từ đầu thế kỷ đến nay. Và một trong những nhà nghiên cứu quy hoạch đã nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này chính là Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc và cộng sự. Từ xa xưa, trong dân gian vẫn truyền tụng câu thành ngữ nói về tầm quan trọng của Hồ Tây với Hà Nội: “Địa vô Tây Hồ, Thăng Long bất thành đô” (tạm dịch: Đất không có Hồ Tây, Thăng Long không thành kinh đô).
Với diện tích bề mặt lên tới 500 ha, Hồ Tây đứng đầu bảng trong số các hồ ở thủ đô Hà Nội về cả 2 phương diện bề rộng và cảnh đẹp từng đi vào ca dao Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ. Trải mấy nghìn năm lịch sử, các triều đại đều coi trọng Hồ Tây, khai thác và hình thành nên các công trình văn hoá đậm đặc ở các dải đất xung quanh hồ.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc lúc còn đương thời |
Từ thế kỷ 18, chúa Trịnh Sâm đã là người đầu tiên khởi xướng Festival Hồ vào năm 1774 – 1775, rước đuốc, chơi đèn, ngự ở các ly cung trên Tây Hồ. Xung quanh Hồ Tây hiện đã có tới 37 di tích đã được xếp hạng là di tích quốc gia. Hằng năm trên địa bàn quận Tây Hồ có tới 14 lễ hội truyền thống độc đáo. Từ thời Lý, Hồ Tây đã có 13 làng nghề chuyên canh: hoa cây cảnh ở Nghi Tàm, Ngọc Hà, quất ở Tứ Liên, Quảng Bá, đào ở Nhật Tân, Phú Thượng, cá cảnh ở Yên Phụ, trồng dâu, nuôi tằm ở Nghi Tàm, dệt lụa, the ở Bưởi, trồng thuốc nam ở Đại Yên, đúc đồng ở Ngũ Xã…
Thật lạ lùng, trong lịch sử nước ta, người đầu tiên phát hiện ra Hồ Tây chính là Lạc Long Quân, vị vua mở đầu triều đại Hùng Vương, đã góp công khai khẩn, phát triển không gian kinh tế và văn hoá Hồ Tây và ngày nay vẫn còn con đường mang tên ngài, con đường huyết mạch của quận.
Vậy mà đến nay, giấc mơ đánh thức Hồ Tây vẫn còn dang dở, vắt qua nhiều thế kỷ.
Địa chí vùng Tây Hồ - cái nhìn toàn cảnh về quy hoạch Hồ Tây
Năm 2017, Nhà xuất bản Hà Nội công bố cuốn sách Địa chí vùng Tây Hồ của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc. Sách có bề dày 1099 trang. Cuốn sách là công trình biên soạn từ đề tài khoa học cấp Thành phố, nâng cấp, bố cục thành tác phẩm để đưa vào Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
Cuốn sách gồm 8 phần: 1/ Nêu điều kiện tự nhiên, lịch sử hình thành vùng đất Tây Hồ; 2/Hồ Tây – Hồ Trúc Bạch – Kẻ Bưởi và sông Thiên Phù; 3/Cư dân – lịch sử, 4/ Kinh tế; 5/ Văn hóa – nghệ thuật; 6/Di tích lịch sử văn hóa, cách mạng kháng chiến; 7/Văn học; 8/ Giáo dục và y tế; 9/ Quy hoạch vùng Tây Hồ; 10/ Các làng cũ ven hồ. Như vậy có thể thấy nhà Hà Nội học ưu tiên dành hẳn một chương cho quy hoạch vùng Tây Hồ, đánh giá những biến đổi của khu vực này thời gian qua, đồng thời có những kiến nghị về quy hoạch vùng Hồ Tây rất xác đáng.
Cuốn Dư địa chí Tây Hồ của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc |
Nhận xét về cuốn sách, PGS.TS Nguyễn Hoàn ngay từ khi đọc bản thảo cho rằng, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã viết: “Đây là một địa chí Vùng Tây Hồ (tất nhiên chủ yếu viết về hồ Tây, hồ Trúc Bạch và quận Tây Hồ), song nó mở ra một vùng quanh bờ các hồ khoảng vài ba kilomet, vì vùng này có quan hệ mật thiết với Hồ Tây, hồ Trúc Bạch về địa lý, địa chất, cũng như lịch sử, văn hóa, xã hội. Trên cơ sở phân tích các tài liệu, tác giả đã kết luận được: Hồ Tây là khúc uốn của sông Hồng cổ, bị bỏ dòng sau khi chuyển dịch lên phía Bắc.
Đặc biệt, trong Phần chín: Quy hoạch, tác giả trình bày trong 68 trang đánh máy, với khoảng 40 sơ đồ và ảnh minh họa. Tác giả đã hệ thống hóa các bản quy hoạch vùng Tây Hồ qua các thòi kỳ lịch sử: từ thời phong kiến thời kỳ Pháp thuộc, thời kỳ sau cách mạng 8 – 1945 với vai trò của Hồ Tây trong quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội từ 1954 đến 2005 cùng với một số đồ án quy hoạch chi tiết vùng Tây Hồ thời kỳ sau 1954.
Cụ thể:
Quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/2000, năm 1994
Quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/2000 năm 2001
Quy hoạch chi tiết, khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra).
Quy hoạch chi tiết khu đô thị mới tây hồ Tây tỷ lệ 1/2000 năm 2005 và một số công trình kiến trúc ven Tây Hồ, hồ Trúc Bạch.
Tác giả đã sưu tầm, cập nhật, hệ thống hóa các thông tin để cung cấp cho chúng ta một bức tranh tổng thể về vai trò của vùng Tây Hồ đối với quy hoạch Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, tới năm 2005.
Song người đọc mong mỏi có thêm thông tin mới cần được cập nhật về vai trò của Hồ Tây trong mối quan hệ chặt chẽ với quy hoạch mới của Thủ đô Hà Nội tới năm 2030 và tầm nhìn tới 2050. Được biết, trong cuốn sách do nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc chủ biên, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm chính là tác giả của những phần về qui hoạch.
Quy hoạch khu vực Hồ Tây năm 1994
Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc và kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Tây tỷ lệ 1/2000 (năm 1994): Sau điều chỉnh quy hoạch, tổng mặt bằng Thủ đô Hà Nội được duyệt năm 1992, quy hoạch khu vực Hồ Tây đã được UBND Thành phố Hà Nội giao cho Viện thiết kế quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu với mục tiêu:
- Xác định rõ chức năng trong khu vực với yêu cầu khai thác có hiệu quả về đất đai, cảnh quan và môi trường vào mục đích văn hóa, nghỉ ngơi.
- Giữ gìn cảnh quan thiên nhiên tôn tạo nâng tầm giá trị.
- Xác định rõ từng giai đoạn xây dựng và các dự án ưu tiên. Về vị trí, quy mô, khu vực Tây Hồ được xác định tổng diện tích là 1.216ha (trong đó có khoảng 500ha mặt nước).
- Phía Bắc, Đông Bắc giáp sông Hồng.
- Phía Đông giáp hồ Trúc Bạch.
- Phía Nam giáp đường Hoàng Hoa Thám. Phía Tây giáp đường quy hoạch dự kiến song song với đường Lạc Long Quân từ nút giao thông cắt với đường chéo Nam Thăng Long tại Nghĩa Đô đến nút giao cắt với đường đê Nhật Tân.
Quy hoạch khu vực Hồ Tây năm 1994 |
* Về tính chất, chức năng khu vực Hồ Tây Khu vực hồ Tây phải được quy hoạch xây dựng thành:
+ Trung tâm giao dịch quốc tế
+ Trung tâm dịch vụ, du lịch
+ Trung tâm văn hóa thể thao và là vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên phục vụ các hoạt động vui chơi giải trí của Thủ đô.
* Định hướng quy hoạch kiến trúc khu vực hồ Tây được phân thành những khu chức năng sau:
- Khu vực Nam hồ Tây, từ vườn hoa Lý Tự Trọng đến chợ Bưởi, chủ yếu dành để xây dựng những công trình tạo thành trung tâm giao dịch quốc tế.
- Khu vực phía Tây hồ Tây từ chợ Bưởi đến ngã tư Nhật Tân được ưu tiên xây dựng khách sạn cao tầng, phần ven hồ ưu tiên trồng cây xanh và đường đi dạo.
- Khu vực phía Đông Bắc hồ Tây bao gồm phần đất từ ngã ba Nhật Tân, Quảng Bá, Tứ Liên, Nghi Tàm đến Yên Phụ được ưu tiên dành để tổ chức các hoạt động du lịch, nghỉ ngơi, giải trí và công viên cây xanh, xây dựng khách sạn, cụm nhà nghỉ kiểu biệt thự thấp tầng và đoạn từ giữa bán đảo về phía đê xây dựng khách sạn cao tầng tại các vị trí thích hợp.
- Khu vực ven hồ Tây (diện tích khoảng 500ha) chu vi 16km được ưu tiên sử dụng cho hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục thể thao và du lịch.
- Khu vực các làng xóm có nghề truyền thống hiện có xung quanh hồ Tây cần được giữ gìn, quy hoạch cải tạo và lập thành các dự án khai thác phát triển để cải thiện điều kiện sống và môi trường phục vụ cho các hoạt động tham quan du lịch. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo phát triển độc lập và đồng bộ.
….
Việc quản lý hành chính khu vực Hồ Tây khi đó vẫn thuộc huyện Từ Liêm và quận Ba Đình (xin lưu ý: đây là Quy hoạch năm 1992, khi đó chưa có quận Tây Hồ), UBND Thành phố Hà Nội cần xem xét khả năng hình thành quận mới và giao khu vực này cho một tổ chức chuyên trách quản lý khai thác đầu tư phát triển.
Cần tính toán thêm nhu cầu xây dựng các công trình phục vụ công cộng hàng ngày như chợ, trường học, y tế... để phục vụ cho dân cư trong khu vực; đồng thời có các dự án kèm theo các biện pháp và cơ chế để duy trì, bảo tồn các làng cổ truyền thống đang bị biến dạng do sức ép của sự gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa.
Các dự án xây dựng tại khu vực hồ Tây phải đảm bảo các quy chuẩn về độ thông thoáng, tầm nhìn không gian gắn kết với cảnh quan thiên nhiên sao cho tỷ lệ cây xanh phải trên 70% tổng diện tích khu quy hoạch.
- Cần lập ngay hồ sơ cắm mốc đường đỏ một số tuyến đường chính và mốc giới bờ Hồ Tây để quản lý chặt chẽ việc xây dựng tự phát.
Quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ năm 2001
Căn cứ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998, trên cơ sở địa giới hành chính quận Tây Hồ đã được thành lập, UBND đã xem xét và phê duyệt Quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ tại Quyết định số 4/2001/QĐUB ngày 29/6/2001. Trong đó đã một lần nữa xác lập rõ vai trò, chức năng khu vực Hồ Tây.
Căn cứ Quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 47/2001/QĐ-UB ngày 29-6-2001 và điều lệ quản lý xây dựng kèm theo Quyết định số 48/2001/QĐ-UB khu vực xung quanh hồ Tây được xác định:
a. Khu Đông Bắc hồ Tây gồm bán đảo Quảng An và khu đất dọc đường Nghi Tàm, Âu Cơ:
+ Phía trong đê dành xây dựng công trình công cộng, theo Quyết định số 473/BXD về Quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Tây.
+ Khu vực bán đảo Quảng An (theo Quy hoạch chi tiết 1/500) được phê duyệt ngày 24-12-1994.
b. Phía Tây hồ Tây trên đường vành đai 2:
+ Các làng xóm ven hồ đến Lạc Long Quân được bảo tồn tôn tạo, ưu tiên các dự án cây xanh, trồng hoa, trung tâm giải trí, văn hóa.
+ Các khu đất từ Lạc Long Quân đến vành đai 2, ưu tiên xây dựng công trình công cộng, trung tâm hành chính quận, Trung tâm giao dịch quốc tế, thương mại.
c. Phía Nam hồ Tây
+ Thụy Khuê đến ven đường đại hồ Tây cần di dời các cơ sở sản xuất, dành đất xây dựng công trình công cộng, nhà nghỉ, làng xóm cổ truyền giữ lại.
+ Đoạn từ Thụy Khuê đến đường Hoàng Hoa Thám dành để xây dựng các công trình thương mại, trụ sở, văn phòng giao dịch
+ Dọc đường Thanh Niên: công viên cây xanh công cộng.
+ Mặt nước hồ Tây dành cho sinh hoạt công cộng, thể dục của của thể thao, du lịch và giải trí.
Quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Hồ Tây năm 2005
Để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai đầu tư xây dựng mới khu Trung tâm Tây hồ Tây, thành phố đã cho triển khai nghiên cứu cả khu vực Tây hồ Tây (còn gọi là Khu đô thị mới Tây hồ Tây).
Phần quy hoạch sử dụng đất và giao thông do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập và được phê duyệt tại Quyết định số 13/2005/QĐ-UB ngày 1/2/2005 của Chủ tịch UBND thành phố với các nội dung chủ yếu sau:
Vị trí: Khu đô thị mới Hồ Tây nằm phía Tây Bắc Thành phố Hà Nội, kề cận phía Tây hồ Tây, thuộc địa giới hành chính các phường: Nhật Tân, Bưởi, Xuân La (quận Tây Hồ), các phường Nghĩa Đô, Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), các xã Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm) thành phố Hà Nội.
Mục tiêu: Xây dựng một khu đô thị mới đồng bộ, hiện đại trong đó có khu Trung tâm Tây hồ Tây, một trong những trung tâm lớn của Thủ đô Hà Nội với chức năng là Trung tâm Hành chính trong đó có trụ sở của một số cơ quan Trung ương, Trung tâm Giao dịch Tài chính, Thương mại và Trung tâm Văn hóa của Thành phố, phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể Hà Nội đến năm 2020.
- Xác định quỹ đất hiện có, đề xuất quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đồng bộ khớp nối hạ tầng các khu dân cư hiện có, các dự án đã và đang triển khai trong khu vực, đảm bảo cho sự phát triển bền vững giữa khu đô thị mới và khu dân cư.
Tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan cho khu vực phía Tây Hồ Tây theo hướng đô thị hiện đại, hài hòa giữa các công trình và thiên nhiên. Quy hoạch sử dụng đất: Với quy mô nghiên cứu khoảng 847,41ha, Quy hoạch sử dụng đất được chia ra thành 17 ô giới hạn bởi các đường cấp thành phố, liên khu vực, khu vực và phân khu vực với các chức năng sử dụng đất.
Tổ chức không gian quy hoạch: Kiến trúc trọng tâm bố cục không gian trong quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Tây hồ Tây là khu trung tâm hành chính, trong đó có trụ sở của một số cơ quan Trung ương, trung tâm giao dịch tài chính, thương mại và trung tâm văn hóa của Thành phố với các công trình kiến trúc hiện đại, bề thế tạo dựng bộ mặt kiến trúc đô thị ở khu vực Trung tâm. Từ đó hình thành hệ thống quảng trường, trung tâm, kết nối với không gian cây xanh mặt nước hồ Tây thông qua hệ thống cây xanh có chiều rộng khoảng 100m. Dưới quảng trường trung tâm và trục chính nối ra hồ Tây tổ chức bãi đỗ xe ngầm kết hợp với các công trình thương mại dịch vụ.
Về phía Tây khu vực Trung tâm hành chính, chính trị của Thành phố và quảng trường Trung tâm là hệ thống công viên cây xanh kết hợp hồ điều hòa. Công viên Hữu nghị và Công viên Thành phố vì Hòa Bình, tạo môi trường khí hậu trong lành cho khu đô thị.
Quy hoạch khu Tây Hồ Tây 1998 |
Từ Trung tâm hành chính là trọng tâm bố cục không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan của khu đô thị mới Tây hồ Tây, hình thành các tổ hợp công trình theo trục trung tâm nối ra hồ Tây theo nguyên tắc đối xứng, tạo sự nghiêm trang bề thế của khu trung tâm.
Quy hoạch chi tiết khu đô thị Nam Thăng Long - Hà Nội
Tỷ lệ 1/2000 do Công ty TNHH Tư vấn và thiết kế đầu tư phát triển lập và hoàn thiện tháng 6 năm 2002 đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 119/2002/QĐ-UB ngày 27/8/2002.
Vị trí Khu đô thị Nam Thăng Long nằm ở phía Tây Bắc thành phố Hà Nội thuộc địa giới hành chính các phường Phú Thượng, Xuân La, Nhật Tân quận Tây Hồ và các xã Đông Ngạc, Xuân Đỉnh huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Quy hoạch chi tiết khu đô thị Nam Thăng Long - Hà Nội |
Qua thực tiễn triển khai, theo đánh giá, về quy hoạch: Ưu điểm lớn nhất là đã xác lập được cơ cấu sử dụng đất hợp lý, về quy mô ở với 4 đơn vị ở độc lập gắn kết với lõi trung tâm là công viên, hồ nước tạo nên được môi trường ở yên tĩnh, tiện nghi. Hệ thống giao thông hạ tầng kỹ thuật được thiết kế hiện đại gắn kết với mạng lưới chung của cả thành phố...
Nét mới đáng quan trọng trong quy hoạch đơn vị ở là không gian trải, bám đường giao thông để khai thác lợi thế thương mại mà tổ chức bằng giải pháp tổ hợp các nhóm ở độc lập yên tĩnh. Về tổ chức không gian, ưu điểm là tạo vùng không gian xanh mặt nước lớn ở trung tâm. Không gian cao từ đường vành đai 3 và thấp dần về phía đông (Hồ Tây) với không gian mở ra hồ rộng hàng trăm mét. Thực tiễn trong vài năm qua, Hà Nội đã phát triển mạnh, nhiều khu đô thị mới đã hình thành, chúng ta đã thấy được những ưu nhược điểm, có những bài học kinh nghiệm đáng kể. Từ đó cho thấy cũng cần nhìn nhận, nghiên cứu kỹ hơn để xác lập được quy hoạch chi tiết 1/500 có chất lượng cao hơn với khu đô thị Ciputra, đó là:
- Nghiên cứu kỹ hơn mạng đường giao thông nội bộ để gắn kết hai bên tuyến đường khu vực, nhất là tạo tuyến đường dạo quanh công viên để mọi người dân được tiếp cận, không nên chỉ dành cho một số hộ ven công viên.
- Khu công viên, mặt nước ở trung tâm khu đô thị có diện tích lớn (khoảng 40ha) cần được phân khu hợp lý nhằm tạo kiến trúc cảnh quan có giá trị. Ở đây nên kết hợp với đặc trưng truyền thống trồng hoa, xây dựng nét riêng cho khu đô thị.
Xét về tổng thể khi hoàn thành, khu Ciputra sẽ có khả năng làm cho khu vực Hồ Tây có sức sống mới. Trung tâm khu đô thị mới Tây hồ Tây được xây dựng tổ hợp hiện đại, phục vụ các ngành tài chính, ngân hàng; trung tâm thương mại; khách sạn cao cấp; văn phòng giao dịch; trung tâm văn hoá đa chức năng; dịch vụ công cộng, văn phòng kết hợp nhà ở cao cấp; nhà trẻ, mẫu giáo; công viên cây xanh... Đây sẽ là một khu đô thị hiện đại vào bậc nhất ở Thủ đô.
Cũng trong cuốn sách, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc và KTS Đào Ngọc Nghiêm còn tham khảo đồ án quy hoạch chi tiết phần phía Nam Hồ Tây do chuyên gia Pháp nghiên cứu năm 1995. Theo đó, thực hiện chương trình hợp tác giữa Hà Nội và vùng Ile de Pháp, nhóm chuyên gia của Viện quy hoạch vùng Paris Pháp đã hợp tác nghiên cứu với Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội về một số giải pháp quy hoạch cho một phần phía Nam bờ hồ Tây (lô đất giữa đường Lạc Long Quân và Hoàng Hoa Thám). Đây chỉ là nghiên cứu chuyển giao kinh nghiệm song qua đó thấy rõ: Tôn trọng cảnh quan tự nhiên phần sát hồ Tây để phục vụ du lịch, hạn chế xây dựng công trình (cảnh quan ưu tiên cho cộng đồng). Giải quyết các tuyến đi bộ cây xanh nối thông hồ Tây với các lô đất bên trong. Tăng cường chức năng trung tâm giao dịch tài chính quốc tế trên tuyến đường Hoàng Hoa Thám được cải tạo mở rộng. Qua đó đồ án này tuy không trình duyệt để áp dụng song cũng khẳng định không gian mặt nước và cây xanh hồ Tây vẫn là thành phần quan trọng được các tác giả Pháp đặc biệt quan tâm khi quy hoạch xung quanh hồ…
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc từng in riêng 13 tập sách về Hà Nội bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp, trong đó có các cuốn Mặt gương Tây Hồ; Phố và đường Hà Nội, Hà Nội - Cõi đất con người. Giáo sư Sử học Lê Văn Lan đánh giá về ông: "Ông là sự tiếp nối dòng mạch công trình của những cây bút chuyên khảo như Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp, Hoa Bằng, Nguyễn Văn Tố, và lại chỉ khuôn các công trình của mình vào cho Hà Nội. Trong thời gian gần đây, miên man và cơ man nào là sách viết về Hà Nội nhưng lại thiếu vắng hẳn những công trình như của Nguyễn Vinh Phúc". Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc là 1 trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2010. TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội là tác giả phần viết về qui hoạch trong cuốn sách “Địa chí vùng Tây Hồ” |