Bài 1: Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm rõ 7 vấn đề về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) Bộ Công Thương: Lấy ý kiến xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) |
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy - đoàn Ninh Thuận phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 10/11 |
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương - Đoàn Gia Lai tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khắc phục những bất cập, vướng mắc đã phát sinh.
Đồng thời nhấn mạnh yêu cầu sửa đổi luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm thích ứng với môi trường kinh doanh mới và đáp ứng các yêu cầu yêu cầu trong xu thế hội nhập quốc tế cũng như thực hiện các cam kết mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương, dự thảo Luật vẫn chưa quy định đầy đủ, cân đối và hài hòa giữa lợi ích của các chủ thể tham gia trong quan hệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát để quy định thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đáp ứng yêu cầu và mục đích đề ra.
Cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh của Luật, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương chỉ rõ, dự thảo Luật có sự thay đổi rất lớn về phạm vi điều chỉnh khi đã sửa đổi khái niệm người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng bây giờ trong dự thảo luật là chỉ bao gồm cá nhân mà không bao gồm tổ chức mua sắm hàng hóa và dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của tổ chức.
Cho rằng lý do của việc không điều chỉnh đối với tổ chức trong dự thảo Luật là chưa thuyết phục, không tán thành với sửa đổi này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị cần phải điều chỉnh đối với tổ chức.
Không phải khi nào người tiêu dùng là tổ chức cũng có đủ khả năng để đối mặt được với các hành vi vi phạm từ phía nhà sản xuất kinh doanh. "Nếu Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không bảo vệ họ thì quyền lợi của nhóm đối tượng này có thể dễ bị xâm hại và gây thiệt hại chung cho xã hội. Kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này dù tương đối khác nhau song nhiều nước vẫn điều chỉnh cả cá nhân, tổ chức cũng như nhóm cá nhân" - đại biểu nêu.
Về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng và sử dụng thông tin của người tiêu dùng, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị tiếp tục nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa ra phạm vi về thông tin của người tiêu dùng cho phù hợp; cần quy định chặt chẽ để bảo vệ khỏi bị lộ, lọt hoặc bị sử dụng thông tin trái phép.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương cũng đề nghị cần phải rà soát lại các quy định liên quan đến trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật cũng như là tính khả thi của quy định trên thực tế.
Đồng quan điểm, đại biểu Chamaléa Thị Thủy - Đoàn Ninh Thuận nêu, chủ thể người tiêu dùng là chủ thể trung tâm của luật do đó phải làm rõ khái niệm người tiêu dùng. Song, quy định như dự thảo luật vẫn chưa đầy đủ, vấn đề cần quan tâm là mục đích tiêu dùng, còn chủ thể sử dụng là cá nhân hay tổ chức đều cần được luật này điều chỉnh và bảo vệ.
Về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đại biểu cho rằng việc dự thảo luật đã xác định việc cần phải bảo vệ quyền lợi cho đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương là cần thiết và nhân văn.
Tuy nhiên, chính sách, cách thức cụ thể để bảo vệ nhóm đối tượng này vẫn chưa thể hiện rõ. Nếu không quy định rõ sẽ khó có tính khả thi trong áp dụng thực tiễn. Do đó, cần quy định rõ chính sách riêng về vấn đề này để đảm bảo pháp luật được thực thi hiệu quả.
Về vấn đề xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu cho biết thời gian qua, các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn về tính mạng của người tiêu dùng.
"Thực tế cho thấy, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bộc lộ những hạn chế và chưa phát huy hiệu quả. Do đó, cần phải có quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" - đại biểu Chamaléa Thị Thủy nói.