Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ hợp tác xã Sơn La livestream bán hàng trên Tiktok Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ nông sản |
Triển khai rộng rãi các lớp tập huấn
Tháng 4/2023, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Sơn La và nền tảng mạng xã hội Tiktok tổ chức khóa tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Ông Nguyễn Lâm Thanh- Đại diện Tiktok Việt Nam thông tin: Tại khóa tập huấn, doanh nghiệp, HTX được chuyên gia trực tiếp hướng dẫn và hỗ trợ triển khai các hoạt động bán hàng trên nền tảng số từ khâu chuẩn bị, tạo tài khoản, đưa sản phẩm lên gian hàng và theo dõi đơn hàng; cách chụp ảnh, xây dựng nội dung giới thiệu sản phẩm; cách thức gói bọc, vận chuyển đảm bảo chất lượng sản phẩm và truyền đạt thông tin về sản phẩm với khách hàng thông qua hoạt động livestream. Cùng với đó, các học viên được các chuyên gia nền tảng mạng xã hội Tiktok Việt Nam hướng dẫn, thực hành kỹ năng livestream bán hàng tại vườn cây ăn quả ở bản Hôm, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La.
Bộ Công Thương phối hợp tổ chức nhiều khoá tập huấn kinh doanh trên nền tảng số |
Không chỉ tại Sơn La, khóa tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số được triển khai rộng rãi trên khắp cả nước, trong đó có nhiều địa phương thuộc khu vực trung du miền núi, địa phương kém phát triển. Từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà cung ứng phát triển đa dạng kênh phân phối từ truyền thống đến hiện đại và kênh phân phối số. Đồng thời, giúp thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại.
Ông Nguyễn Thành Dương- Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, cho biết: Năm 2023 nằm trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với Tiktok triển khai 15 khoá đào tạo tập huấn về việc nâng cao kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, áp dụng cho các đối tượng là doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và tập trung vào kỹ năng mang tính xu thế hiện nay là livestream bán hàng, thu hút 1.000 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tham dự.
“Trong những lớp tập huấn này, chúng tôi xây dựng bài học lý thuyết song song với thực hành. Với phần thực hành chúng tôi khởi tạo thử các buổi livestream trực tiếp tại lớp. Từ đó, các chuyên gia, giảng viên sẽ tư vấn cho doanh nghiệp, HTX cách xây dựng kịch bản livestream, cách tương tác với khách hàng hiệu quả nhất”, ông Nguyễn Thành Dương nói.
Doanh nghiệp, hợp tác xã đánh giá cao
Bán hàng trên nền tảng mạng xã hội hay kinh doanh trên nền tảng số "nở rộ" trong những năm gần đây bởi có nhiều ưu điểm. Nói về điều này, ông Nguyễn Lâm Thanh, cho hay: Bán hàng trên nền tảng xã hội nói chung, Tiktok nói riêng giúp người bán đặc tả quá trình sản xuất, giới thiệu về chất lượng sản phẩm và đặc biệt cho phép người sản xuất bán trực tiếp đến người tiêu thụ.
“Thực ra, ban đầu chúng tôi thiết kế chương trình nhằm giúp người dân khu vực nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số có niềm hy vọng là sản phẩm của họ vẫn có thể ứng dụng công nghệ thông tin để đưa trực tiếp tới người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được vượt ngoài mong đợi”, ông Nguyễn Lâm Thanh nói.
Livestream bán hàng giúp các doanh nghiệp, HTX vùng sâu, vùng xa tiết kiệm chi phí, mở rộng thị trường tiêu thụ |
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Dương cũng phân tích: Phương thức bán hàng livestream có thể tối ưu hoá quy trình mua hàng. Với quy trình truyền thống khi kinh doanh trên môi trường số là phải xây dựng video giới thiệu sản phẩm, sau đó chạy quảng cáo trên một số nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo… nhưng với phương thức này người bán có thể tương tác trực tiếp với người mua. Như vậy, từ việc biết đến thương hiệu sản phẩm cho tới việc mua hàng chỉ là 1 bước và quá trình mua hàng được tối ưu hoá.
Ngoài ra, livestream còn giúp tăng tính tương tác giữa người mua và người bán. Với phương thức kinh doanh trên nền tảng số truyền thống, người bán sẽ phải hỏi đơn hỏi hàng thông qua massenge, một số công cụ khác nhưng với livestream có thể tương tác trực tiếp với người mua thông qua công cụ bình luận và có thể giải đáp ngay thắc mắc liên quan đến chất lượng sản phẩm, ưu đãi.
Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cũng cho hay: Thực tế, đã có những đối tượng áp dụng thành công các kỹ năng được tập huấn. Ví dụ, một doanh nghiệp bán cá bò tại tỉnh Bình Thuận, đi từ con số 0 khi tham dự lớp tập huấn cho đến thời điểm hiện tại ngày đạt doanh thu cao nhất lên đến 148 triệu đồng. Tệp khách hàng của doanh nghiệp không chỉ bó hẹp trong tỉnh Bình Thuận mà đã mở rộng ra cả nước.
Ở “vai” của người thực hành, bà Nguyễn Thị Dung- Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, tỉnh Sơn La nhìn nhận: Khóa tập huấn mang lại sự tự tin khi được đào tạo một cách bài bản.
Ông Nguyễn Đình Hướng- Giám đốc HTX Hưng Thịnh, tỉnh Sơn La cũng bày tỏ: Thay vì phải mang sản phẩm đi khắp nơi quảng bá, bán hàng, thông qua ứng dụng công nghệ thành viên HTX có thể ở tại địa phương livestream giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên mọi miền tổ quốc.