Đơn hàng bị cắt giảm, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khănQuảng Nam: Sản xuất công nghiệp gặp khó – Nguyên nhân do đâu? |
Doanh nghiệp sản xuất thiếu đơn hàng, hoạt động cầm chừng
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, tính đến tháng 4/2023, toàn tỉnh có 54 doanh nghiệp giải thể, 631 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng hơn 12% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 68 doanh nghiệp. Ngoài nông, lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ, các ngành kinh tế khác đều gặp nhiều khó khăn.
Hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng trong quý I giảm 27,4% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp giảm 27,3%, xây dựng giảm 28,4%. Nguyên nhân được xác định là do nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng mới, chi phí nguyên vật liệu tăng cao, thị trường tiêu dùng thu hẹp, các đơn hàng xuất khẩu giảm sút, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao do nguồn cung khan hiếm.
Riêng đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô chủ lực của tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thị trường ô tô những tháng đầu năm có phần ảm đạm. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3 giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất giảm và chỉ số tồn kho tiếp tục tăng 193%.
Ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thị trường ô tô những tháng đầu năm có phần ảm đạm |
Tại Công ty TNHH một thành viên Panko Tam Thăng (Lô số 1, Khu công nghiệp Tam Thăng, xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), quý 1/2023 đã phải giảm gần 800 lao động, thứ bảy hàng tuần không sản xuất. Nhiều khó khăn của thị trường tiêu thụ sản xuất ở các nước đối tác khiến hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Nhiều công ty khác tại Khu công nghiệp Tam Thăng, Bắc Chu Lai cũng rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, không làm việc vào cả thứ sáu, thứ bảy, cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng hoặc đơn hàng ít.
Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện đối với nhóm doanh nghiệp xây dựng, những năm vừa qua, tình hình dịch bệnh COVID -19 giãn cách xã hội kéo dài khiến sản xuất kinh doanh ngừng hoạt động, một số chính sách hỗ trợ vay vốn ngân hàng, giảm thuế, giảm thời gian nộp thuế chưa được thực hiện. Một số công trình, dự án xây lắp thì giá sắt thép tăng đột biến 20-30%, giá nhiên liệu tăng dẫn đến cước phí vận chuyển tăng so với giá dự toán, một số công trình dự án hợp đồng theo giá cố định không được nhà nước điều chỉnh giá và bị lỗ nặng.
Giá nhân công theo định mức xây dựng quá thấp so với thực tế, các mỏ vật liệu đất, đá, cát để phục vụ thi công bị khan hiếm, nguồn cung không đáp ứng cầu do đó doanh nghiệp phải mua giá cao để đáp ứng tiến độ dự án.
Doanh nghiệp bất động sản: Khó chồng khó
Ông Trần Quốc Bảo - Ủy viên Ban chấp hành VCCI, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho hay, đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản, hiện công tác giải phóng mặt bằng đang gặp phải vô vàn khó khăn, xuất phát từ ý chí của các hộ dân, một phần cũng là từ các chính sách của nhà nước.
Cụ thể, các hộ dân ảnh hưởng đất nông nghiệp nhưng yêu cầu bố trí đất tái định cư, dù đã tổ chức họp vận động, đối thoại nhiều lần nhưng vẫn chưa đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng. Các trường hợp tranh chấp đất đai rất khó giải quyết, các hộ dân không đồng ý hoà giải nên thủ tục thu hồi đất cũng gặp nhiều khó khăn.
Các doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục pháp lý |
Ngoài ra, quy trình, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất kéo dài gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Nhiều trường hợp đã có quyết định cưỡng chế thu hồi đất cách đây một năm nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa triển khai thực hiện cưỡng chế.
Hơn nữa, các cá nhân, hộ gia đình không đồng ý ký hồ sơ đề nghị công nhận đất ở; không phối hợp kiểm kê; không đồng ý phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (phương án dự kiến) được công khai, không đồng ý bốc thăm lô tái định cư, dẫn đến không thể trình thẩm định phương án theo quy định.
Mặt khác, đơn giá bồi thường cho các hộ dân theo quy định hiện nay là quá thấp, dẫn đến việc không nhận được sự đồng thuận của các hộ dân bị vướng giải phóng mặt bằng tại các dự án, các hộ dân không đồng ý theo phương án được duyệt, không nhận tiền bồi thường và đòi hỏi với mức giá cao gấp 5-7 lần so với giá quy định. Hộ dân đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng không đồng ý bàn giao mặt bằng để thi công xây dựng dự án,…
Công tác quản lý hiện chưa được đảm bảo. Tuy chủ đầu tư đã phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý nhưng người dân vẫn ngoan cố thực hiện.
Ông Trần Quốc Bảo cũng cho biết, các doanh nghiệp bất động sản cũng đang gặp những khó khăn nhất định về thủ tục pháp lý. “Trong thời kì kinh tế khó khăn như hiện nay, việc vừa phải bỏ ra chi phí để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, vừa phải nộp tiền sử dụng đất cùng lúc nhưng chưa được trừ chi phí giải phóng mặt bằng thực sự là một gánh nặng lớn với các chủ đầu tư, ngoài ra các doanh nghiệp đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng tỉnh nhà chưa áp dụng các hình thức gia hạn thời gian nộp thuế, giãn nợ thuế, miễn tiền chậm nộp thuế” ông Bảo thông tin và mong tỉnh sớm có cơ chế về các chính sách thuế để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Ngoài ra, công tác điều chỉnh quy hoạch dự án còn nhiều thủ tục thông qua nhiều ý kiến của các sở ban ngành nên thường bị động không kịp thời. Hạng mục cấp điện – điện chiếu sáng của một số dự án đã được công ty đầu tư xây dựng theo đúng theo quy hoạch được duyệt và thiết kế đã được cơ quan chuyên môn thẩm định nhưng khi nghiệm thu bàn giao, tiếp nhận đơn vị Điện lực yêu cầu phải bổ sung thêm trạm biến áp.
Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng kết nối hạ tầng khung của các dự án trong khu đô thị chưa được đồng bộ dẫn đến tình trạng ngập úng trong mùa mưa gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Hằng năm khi mùa mưa bão đến, chủ đầu tư đều phải tự bỏ ra chi phí rất lớn để khơi thông dòng chảy, hạn chế mức thấp nhất tình trạng ngập úng tại dự án để đảm bảo đời sống của các hộ dân.