Bài toán lúa gạo và thời điểm quyết định đối với an ninh lương thực toàn cầu Ứng phó diễn biến khó lường từ thị trường gạo |
Để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Bộ Công Thương vừa phát đi thông tin về các phương án ứng phó với diễn biến khó lường trên thị trường gạo toàn cầu, Trong đó nhấn mạnh, cần phải đảm bảo lượng gạo dự trữ, cẩn trọng trong đàm phán giá gạoxuất khẩu để đạt giá trị cao nhất.
Trong bối cảnh tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước (Ấn Độ, UAE, Nga), hiện tượng thời tiết tiêu cực của El Nino gây ảnh hưởng đến sản xuất lương thực, ngũ cốc tại nhiều khu vực. Đặc biệt, diễn biến địa chính trị còn diễn biến phức tạp (Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen)... đã tác động mạnh đến nguồn cung sản lượng gạo toàn cầu, làm quan ngại về các vấn đề an ninh lương thực thế giới cũng như ảnh hưởng đến xu hướng phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia khi tình trạng lạm phát chưa được cải thiện.
Ấn Độ áp thuế xuất khẩu gạo lên tới 20% vào một số loại gạo chủ lực của chính nước này từ tháng 9/2022. |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha, năng suất trung bình đạt 6,07 tấn/ha, sản lượng đạt trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022. Với sản lượng lúa dự kiến như trên, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023. Theo thống kê, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2023 đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn, còn khoảng 2,67 triệu tấn cho xuất khẩu trong 5 tháng còn lại của năm 2023.
Trước bối cảnh diễn biến khó lường của thị trường thương mại gạo toàn cầu, đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 03/7/2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất,xuất khẩu gạo và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, Bộ Công Thương đã triển khai bình ổn giá thóc, gạo trong nước, đảm bảo an ninh lương thực, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã có các Văn bản số 584/XNK-NS gửi các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và Văn bản số 585/XNK-NS gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam đề nghị phối hợp triển khai một số nội dung liên quan.
Theo đó, văn bản đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP trong đó thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước đồng thời báo cáo tình hình lượng thóc, gạo tồn kho, tình hình ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu theo quy định hiện hành. Chủ động bám sát tình hình thị thường thương mại toàn cầu để tổ chức phương án sản xuất, giao dịch đàm phán phù hợp, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu.
Ngày 31/7, Bộ Công Thương có công văn gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam; Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo về việc thực hiện trách nhiệm về xuất khẩu gạo. Công văn nêu rõ, để góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa; bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước; đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia.
Theo đó, yêu cầu thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc quy định của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước. Báo cáo tình hình lượng thóc, gạo tồn kho, tình hình ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định. Chủ động theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo toàn cầu, trao đổi với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, kịp thời báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình hình liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo trên thị trường trong nước và quốc tế và đề xuất giải pháp phù hợp với bộ, ngành liên quan.
Về cân đối cung cầu, bình ổn giá, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, ngày 3/8/2023, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các địa phương thực hiện trách nhiệm chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn có phương án về nguồn hàng thóc, gạo để đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm. Chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết.
Tồn trữ lượng lương thực tối thiểu có đủ đảm bảo an ninh lương thực? |
Để công tác phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương, ngày 4/8/2023, Hiệp hội Lương thực và các thương nhân, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo. Trên cơ sở đó, cùng thống nhất triển khai quyết liệt nhóm giải pháp để đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá lương thực trong nước và tạo thuận lợi, hạn chế rủi ro cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm.
Nhận định về tình hình xuất khẩu gạo thời gian qua, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thông tin giá gạo VN đắt nhất thế giới trước tiên là tin vui, bởi lẽ, từ trước đến nay, giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn giá gạo của Thái Lan. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu tăng cao sẽ đẩy giá gạo trong nước cũng tăng. Do đó, các doanh nghiệp cần xem xét, tính toán như thế nào cho hợp lý lúc này là vấn đề căng não.
Mặt khác, giá gạo tăng cao như vậy nhưng người nhẽ ra nên được được hưởng nhiều nhất đó là nông dân - những người trực tiếp sản xuất ra hạt gạo, song thực tế lại không như vậy.
Một vấn đề nữa mà các doanh nghiệp cũng cần lưu ý đó là sự biến động về giá này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, tăng và đứng ở mức rất cao nhưng sau đó sẽ giảm xuống và trở về mức cân bằng. Mức này thường thấp hơn mức đã lập đỉnh khá nhiều. Vì vậy, các doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng, nếu doanh nghiệp không tỉnh táo, “đu đỉnh” sẽ dẫn đến “già néo đứt giây”.
Từ khi có dấu hiệu “bão giá” gạo, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trên cả nước tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương để theo dõi sát tình hình, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước.