Ngày 27/1, GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, các bác sĩ của Viện đã trình diễn thành công một ca can thiệp động mạch vành phức tạp tại Hội nghị quốc tế về Tim mạch can thiệp Singapore 2024 (diễn ra từ 25 - 27/1). Đây là hội nghị khoa học lớn trên thế giới về tim mạch can thiệp.
Hình ảnh ê-kíp can thiệp thực hiện tại Việt Nam. Ảnh: Bác sĩ cung cấp |
Ca can thiệp là một bệnh nhân nữ có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch cao, 80 tuổi, có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch bao gồm: Tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2, hút thuốc lá nhiều năm và đã cắt một bên thận cách 5 năm.
Theo PGS Phạm Mạnh Hùng, bệnh nhân nhập viện và được các bác sĩ nhận định nguy cơ cao, nhiều bệnh lý đi kèm, tổn thương động mạch vành rất phức tạp với nhiều chỗ hẹp, vôi hóa toàn bộ car ba nhánh động mạch vành. Đây là vị trí trọng yếu, là gốc của các nhánh động mạch vành bên trái.
"Với tổn thương nghiêm trọng này, trước đây, buộc phải mổ mở. Tuy nhiên, đây là một ca khó, bệnh nhân mắc nhiều bệnh nền, nguy cơ tử vong cao nếu tiến hành phẫu thuật tim mở. Vì vậy, các bác sĩ đã quyết định lựa chọn biện pháp can thiệp nong và đặt stent cho người bệnh", GS Hùng thông tin.
Các bác sĩ chia làm 2 thì can thiệp. Lần thứ nhất, can thiệp nhánh động mạch vành phải, là nhánh thứ yếu trước đó một tuần, để tạo thuận lợi cho lần can thiệp này.
Lần can thiệp thứ 2 do GS Phạm Mạnh Hùng làm trưởng nhóm, được truyền hình trực tiếp sang đầu cầu Hội nghị Tim mạch can thiệp Singapore (Singlive). Điểm đặc biệt của ca can thiệp là trong quá trình tiến hành, nhiều kỹ thuật, "mẹo" đã được các bác sĩ Việt trực tiếp chia sẻ với chuyên gia nước ngoài.
Ca can thiệp tim mạch phức tạp do các bác sĩ Việt Nam thực hiện được trình chiếu trong Hội nghị quốc tế về Tim mạch can thiệp tại Singapore. Ảnh: Bác sĩ cung cấp |
Để vượt qua trở ngại khó khăn của tổn thương phức tạp cũng như đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh như, các bác sĩ đã có cách làm sáng tạo như: Sử dụng siêu âm trong lòng mạch để hướng dẫn can thiệp chính xác; sử dụng "mẹo" với hai dây dẫn để trượt stent qua các góc uốn lượn, hoặc cách uốn dây dẫn để lái vào những vị trí khó khăn…
Chia sẻ với phóng viên, GS Hùng đánh giá, chuyên ngành tim mạch can thiệp của Việt Nam phát triển vượt bậc, sánh ngang các nước trong khu vực và trên thế giới.
"Buổi trình diễn kỹ thuật này đã chứng minh sự hội nhập quốc tế của chuyên ngành tim mạch can thiệp của Việt Nam, đồng thời khẳng định "chỗ đứng" của các bác sĩ tim mạch can thiệp Việt Nam trên thế giới. Vì vậy, người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm khi điều trị trong nước cũng như dần dần thu hút bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam điều trị", Viện trưởng Viện tim mạch Việt Nam nhấn mạnh.