Bắc Kạn: Quan tâm phát triển hạ tầng công nghiệp Đầu tư hơn 5.700 tỷ đồng xây dựng tuyến Cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn |
Ngày 1/2, thông tin từ UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, UBND tỉnh Bắc Kạn vừa phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc giai đoạn 2021 - 2030 tại Quyết định số 171/QĐ-UBND ngày 31/1/2024.
Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc (Bắc Kạn) có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng |
Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc nằm trên địa bàn các xã Xuân Lạc, Đồng Lạc, Bản Thi thuộc huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Khu có diện tích rừng hơn 3.954ha với rừng tự nhiên chiếm hơn 99%. Hệ thực vật rừng phong phú với tổng 670 loài, 440 chi, 145 họ trong 5 ngành, trong đó có tới 63 loài có giá trị bảo tồn.
Hệ động vật rừng đa dạng với tổng 192 loài động vật và 76 họ, trong đó có mặt của 46 loài thú thuộc 7 bộ, 21 họ; 108 loài chim thuộc 14 bộ, 41 họ và 18 loài bò sát thuộc 8 họ, trong đó có tới 59 loài có giá trị bảo tồn...
Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc đặt mục tiêu đến năm 2025, Ban Quản lý bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc đón được ít nhất 30% lượng khách du lịch đến huyện Chợ Đồn; thu hút được ít nhất một nhà đầu tư thuê môi trường rừng có trách nhiệm tham gia đầu tư phát triển các mô hình du lịch sinh thái đáp ứng được các tiêu chí đề ra của du lịch sinh thái ở Khu bảo tồn; tạo việc làm cho khoảng 50 lao động (cả trực tiếp và gián tiếp), góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của các xã vùng lõi và vùng đệm Khu bảo tồn; xây dựng được 10 - 20% các tuyến và công trình trên tuyến để phục vụ du lịch sinh thái…
Mục tiêu từ 2025 đến năm 2030 tăng trưởng 10%, mỗi năm đón được 50 - 75% lượng khách du lịch đến Chợ Đồn (bao gồm cả khách quốc tế và khách nội địa); 100% các tuyến, điểm phục vụ du lịch sinh thái trên tuyến được hoàn thành vận hành và hoạt động hiệu quả về môi trường, kinh tế và xã hội, góp phần tích cực vào các hoạt động bảo tồn, nâng cao nhận thức, thu nhập cho Khu bảo tồn và cộng đồng địa phương; 30% - 50% các công trình phục vụ đón tiếp, điều hành, nhà hàng dịch vụ, trò chơi… và 20% các công trình lưu trú nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch nghỉ dưỡng được hoàn thiện và đưa vào sử dụng; du lịch dần trở thành một trong các nguồn thu cho Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc và là nguồn tái đầu tư quan trọng cho các hoạt động quản lý, bảo tồn thiên nhiên và phục hồi các loài, hệ sinh thái bị suy thoái.
Đoạn đường hầm trên một tuyến đường do người Pháp xây dựng cách đây hàng trăm năm trong Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc (Ảnh: BBK) |
Theo Đề án, tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc sẽ phát triển 5 điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí gồm: Điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Cầu Mục; điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Lũng Trang; điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Lũng Lỳ; điểm du lịch sinh thái Bản Thi 1 và điểm du lịch sinh thái Bản Thi 2.
Đồng thời phát triển 9 Tuyến du lịch gồm: Tuyến Ngã 3 Cầu Mục - Đầu Cáp Bình Trai - Phja Khao; tuyến Ngã 3 Cầu Mục - Lũng Trang - Lũng Lỳ - Lũng Nặm Thúm - thôn Nà Dạ; tuyến Ngã 3 Cầu Mục - Lũng Cháy; tuyến Ngã 3 Cầu Mục - Cốc Tộc; Tuyến Bản Thi - Đồng Lạc - Cốc Tộc; tuyến Ngã 3 Cầu Mục - Cao Bình; tuyến Lòng Bốc - Suối Nậm Phiêng - Khuổi Lịa; tuyến Phja Khao - Bản Thi và tuyến Ngã 3 Cầu Mục - Lũng Trang - Núi Tam Sao.
Tổng mức đầu tư khái toán của Đề án là trên 336 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn kêu gọi đầu tư xã hội hóa và nguồn hợp pháp khác trong giai đoạn từ 2024 - 2030.
Sau khi Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được phê duyệt, chủ rừng có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê môi trường rừng lập dự án đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu xây dựng Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của khu vực và nằm trong Quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Bắc Kạn, từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. |