Tuy nhiên, việc bố trí cho người lao động rời Bắc Giang sẽ tăng áp lực cho địa phương này trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp tại Bắc Giang đang thiếu hụt lao động khá lớn.
![]() |
Hàng nghìn công nhân lao động cần sự trợ giúp |
Đến nay, Bắc Giang có 71 doanh nghiệp đủ điều kiện an toàn Covid-19 đã được chấp thuận tổ chức hoạt động trở lại, với khoảng hơn 8.000 người lao động. Tuy nhiên, với số lượng này, các doanh nghiệp vẫn thiếu hàng nghìn công nhân lao động. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, số lao động quay trở lại làm việc hiện mới đáp ứng khoảng 1/3 đến 1/2 nhu cầu.
Tại Công ty Foxconn, vừa đón gần 1.000 lao động trở lại làm việc sau hơn 1 tháng tạm nghỉ để chống dịch, song lượng lao động hiện tại chỉ đáp ứng được một nửa. Lãnh đạo công ty khá sốt ruột vì nhu cầu công việc như mở rộng sản xuất, đơn hàng gia tăng nên cần lượng công nhân rất lớn để giải quyết công việc đang tồn đọng.
Mặc dù vậy, nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm do mật độ công nhân thuê trọ tại các khu cách ly, khu giãn cách, từ ngày 12 - 15/6/2021, UBND tỉnh Bắc Giang triển khai đưa người lao động của các tỉnh, thành phố từ Bắc Giang tạm thời trở về địa phương nơi thường trú.
Đối tượng áp dụng là công nhân lao động thuộc các tỉnh, thành phố hiện đang ở trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, phải đáp ứng điều kiện xét nghiệm RT-PCR âm tính nhiều lần và có nguyện vọng trở về địa phương. Tuy nhiên, một số nơi đang có dịch như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương dù gần, có nhiều người lao động cũng không thể đưa công nhân trở về. Công nhân ở một số tỉnh như Lạng Sơn, Hòa Bình, Thái Bình đáp ứng đủ điều kiện cách ly an toàn có thể trở về địa phương.
Trong trường hợp chưa giảm tải được 50% số lượng lao động ngoài tỉnh, tiếp tục ưu tiên đưa lao động thuộc các tỉnh, thành phố về địa phương như: Thái Nguyên, Hòa Bình, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Hà Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Lai Châu, Lào Cai, Nghệ An, Sơn La, Yên Bái.
Bắc Giang có khoảng 60.000 lao động ngoại tỉnh đang ở địa phương, nhiều nhất là Lạng Sơn với trên 10.000 người. Khi dịch xảy ra, Bắc Giang đã "giữ chân" người lao động để hạn chế lây lan dịch bệnh ra toàn quốc. Tuy nhiên, hiện nay, mật độ công nhân lao động tại các nhà trọ trong khu vực cách ly xã hội, khu vực giãn cách mà chủ yếu là huyện Việt Yên, nếu không cẩn thận dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo.
Theo ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Giang, sở đã xây dựng kế hoạch cụ thể và liên lạc với 27 tỉnh, thành phố trao đổi, thống nhất về thời gian, địa điểm, số lượng để đưa công nhân ngoại tỉnh về địa phương nơi thường trú để tiếp tục theo dõi, cách ly.
Tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu người lao động trở về địa phương thực hiện đúng quy định về 5K của Bộ Y tế. Tại nơi tập trung và trong suốt quá trình vận chuyển: Người lao động phải đeo khẩu trang, hạn chế nói chuyện, không vứt rác bừa bãi. Trước khi lao động lên xe, người lao động sát khuẩn tay, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, chấp hành quy định lên xuống theo thứ tự lần lượt.
Lo ngại sự di chuyển này sẽ kéo thêm thiếu hụt lao động, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho hay, việc thiếu hụt lao động trong giai đoạn này khó tránh khỏi. Tuy nhiên, lao động đang thiếu chủ yếu là lao động phổ thông, yêu cầu tay nghề không cao. Tỉnh đang làm tốt công tác dập dịch, hy vọng thời gian tới lượng thiếu hụt này sẽ được bổ sung từ lao động ngoại tỉnh.