Tập trung trồng vải sạch xuất khẩu
Xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang năm nay là năm thứ hai gia đình ông Vũ Văn Mến tham gia vào dự án sản xuất vải thiều sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để xuất sang thị trường Nhật Bản. Với hơn 2 ha trồng vải, ông Vũ Văn Mến cho biết: Dù trồng vải theo các tiêu chuẩn này đòi hỏi quy trình kỹ thuật, canh tác tỉ mỉ hơn, nhưng bù lại gia đình ông không phải lo “được mùa mất giá”, lợi nhuận cao hơn bình thường từ 15-25%.
Vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang được đánh giá cao về chất lượng (Ảnh: Cấn Dũng) |
“Bây giờ chúng tôi không phải lo đầu ra như trước, vì đã có hợp tác xã và các công ty xuất nhập khẩu vào tiêu thụ hết cho người nông dân. Theo đó, hiện nay, nhiều hộ dân ở Quý Sơn, Lục Ngạn chuyển sang trồng vải sạch xuất khẩu, nhất là sau khi vải thiều Lục Ngạn được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản” - ông Vũ Văn Mến hào hứng chia sẻ và cho chúng tôi xem cuốn nhật ký ghi chi tiết ngày bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật và cách tưới nước cho cây vải thiều.
Dẫn chúng tôi đi thăm các vườn trồng vải khác, ông Ngô Xuân Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn cho hay: Sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản, diện tích trồng vải xuất đi Nhật của xã đã tăng và hiện Quý Sơn có hơn 37 ha vải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.
“Địa phương xác định đây là hướng đi hiệu quả, sản xuất ra vải sạch, an toàn. Bởi việc xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” như Nhật Bản, đòi hỏi quy trình sản xuất rất khắt khe. Do đó, chúng tôi xác định là phải tích cực tuyên truyền cho bà con và địa phương đã giao cho cán bộ chuyên môn hướng dẫn trực tiếp và giám sát quy trình sản xuất” - ông Ngô Xuân Toàn nói.
Theo ông Nguyễn Thế Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn: Năm 2021, tổng diện tích trồng vải của toàn huyện Lục Ngạn là 15.450 ha, sản lượng ước đạt trên 120.000 tấn (trong đó vải chín sớm khoảng 30.000 tấn); thời gian thu hoạch bắt đầu từ khoảng 20/5 - 20/7/2021. Trong đó, diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP là hơn 12.400 ha (tăng 700 ha so với năm 2020) và theo quy trình GlobalGap khoảng 318 ha.
Về thị trường xuất khẩu, đối với thị trường Trung Quốc, huyện tập trung chỉ đạo sản xuất đối với 36 mã số vùng trồng đã được Trung Quốc chấp thuận với diện tích 15.290 ha và duy trì 229 mã số cơ sở đóng gói phục vụ đủ nhu cầu xuất khẩu; đối với thị trường Mỹ, EU, duy trì sản xuất 18 mã số vùng cho 394 hộ sản xuất vải thiều xuất khẩu vào các thị trường này với diện tích 217,89 ha.
Đặc biệt, đối với thị trường Nhật Bản, huyện đã chỉ đạo 27 mã số vùng trồng (tăng 9 mã số với năm 2020), diện tích 194,5 ha (tăng 96,5 ha) sản xuất đảm bảo chất lượng, đồng thời, duy trì một cơ sở xông hơi khử trùng, đóng gói đáp ứng nhu cầu phục vụ xuất khẩu.
“Mặc dù, hiện nay, vải thiều Lục Ngạn chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc (chiếm 90%) và 10% được xuất sang các thị trường cao cấp như Hoa Kỳ, Singapore, Australia... Tuy nhiên, sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản hứa hẹn sẽ mang đến nhiều thay đổi và tín hiệu khởi sắc cho bà con nơi đây, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ vải thiều Việt Nam ở nhiều thị trường khác nhau” - đại diện UBND huyện Lục Ngạn nhấn mạnh.
Thương hiệu sẽ ngày càng được mở rộng
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Là địa phương có thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang đã và đang ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch về cơ chế, chính sách để hỗ trợ nông nghiệp và đăng ký sở hữu trí tuệ nhằm xây dựng các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, bảo hộ, chỉ dẫn địa lý rõ ràng, hướng đến thị trường xuất khẩu.
Tỉnh Bắc Giang kỳ vọng việc xuất khẩu vải thiều trong thời gian tới sẽ gia tăng cả về số lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm (Ảnh: Cấn Dũng) |
“Với việc vải thiều Lục Ngạn được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản đã khẳng định, người trồng vải Bắc Giang hoàn toàn có thể sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí, yêu cầu của một thị trường khó tính nhất như Nhật Bản” - ông Mai Sơn khẳng định, đồng thời kỳ vọng, việc xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn trong thời gian tới sẽ gia tăng cả về số lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm. Thương hiệu “vải thiều Lục Ngạn” ngày càng được mở rộng và có uy tín trên thị trường toàn cầu.
Theo ông Mai Sơn, để phát triển bền vững thương hiệu vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang có một số định hướng sau: Tiếp tục thực hiện các chính sách đã ban hành về hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp trong đó có sản phẩm vải thiều; duy trì và nâng cao chất lượng diện tích sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, mở rộng mô hình sản xuất vải thiều hữu cơ; triển khai nhân rộng việc áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ ứng dụng công nghệ tiên tiến về bảo quản, chế biến vải thiều sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm; hỗ trợ tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu vải thiều Lục Ngạn.
Chia sẻ lại hành trình đăng ký chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản, ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho hay: Vốn nổi tiếng là một thị trường khó tính, cùng những quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất khắt khe, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản vô cùng phức tạp.
Ngoài lý do khác biệt về pháp luật bảo hộ chỉ dẫn địa lý giữa hai quốc gia, hồ sơ vải thiều Lục Ngạn vướng phải nhiều khó khăn về các thông số kĩ thuật của hồ sơ đơn và khó khăn về năng lực tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Vì vậy, để có thể vượt qua được “ngọn thái sơn” này, các cơ quan hữu quan đã phải tác động ở nhiều cấp, các kênh hợp tác song phương được thực hiện tích cực.
Tuy nhiên, ông Đinh Hữu Phí cho rằng: Việc vải thiều Lục Ngạn được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản, mới chỉ là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh cho vải thiều Lục Ngạn đến với thị trường Nhật Bản. Đã và sẽ cần rất nhiều nỗ lực từ nhiều phía, nhiều cấp, bộ, ngành, để vải thiều Lục Ngạn tiếp tục giữ vững được thị trường khó tính này, đồng thời mở rộng hơn nữa chỗ đứng của mình.
Ông Nguyễn Thế Thi chia sẻ thêm: Hiện nay, do tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước còn diễn biến phức tạp, UBND huyện Lục Ngạn cũng đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều với 2 phương án (tình huống). Cụ thể, phương án 1: Tình hình dịch trong nước vẫn còn nhưng được kiểm soát, các hoạt động giao thương được trở lại bình thường.
Với phương án này, UBND dự kiến tiêu thụ vải thiều tươi khoảng 114.000 tấn (trong đó: tiêu thụ trong nước: 51.000 tấn, xuất khẩu: 53.000 tấn); chế biến sấy khô, nước ép, đóng hộp khoảng 6.000 tấn (sấy khô: 2.000 tấn; nước ép, đóng hộp, đông lạnh: 4.000 tấn). Ở phương án 2: Tình hình dịch trong nước tiếp tục diễn ra phức tạp, UBND huyện dự kiến tiêu thụ vải thiều tươi khoảng 95.000 tấn (trong đó, tiêu thụ trong nước: 60.000 tấn, xuất khẩu: 35.000 tấn); tiêu thụ bằng hình thức khác: 25.000 tấn.
Bên cạnh đó, UBND huyện Lục Ngạn đã chuẩn bị sẵn phương án cách ly, phòng dịch Covid-19. Theo đó, các thương nhân Trung Quốc phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 của nước bạn trong vòng 3 ngày. Sau đó, những người này sẽ phải cách ly y tế tập trung 21 ngày; lấy mẫu xét nghiệm 3 lần; đồng thời tiếp tục theo dõi 7 ngày sau thời gian cách ly trên để phòng dịch. UBND huyện Lục Ngạn cũng lên sẵn kế hoạch giúp thương nhân và người dân tiêu độc, khử trùng, bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 khi thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ vải thiều.
Đáng chú ý, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch tổ chức chuỗi các sự kiện hội nghị, diễn đàn, lễ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch và xúc tiến tiêu thụ nông sản chủ lực, đặc trưng; vải thiều năm 2021. Theo đó, ngày 8/6/2021, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều với các điểm cầu trong và ngoài nước.
Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn thành công tại Nhật Bản là một niềm tự hào của người dân và chính quyền các cấp của tỉnh Bắc Giang. Từ câu chuyện quả vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, trong thời gian tới đây, nông sản Việt Nam sẽ đúc rút được nhiều kinh nghiệm, để thêm nhiều sản phẩm đạt được thành công như quả vải thiều đã làm được, ở Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ, Australia và nhiều nước khác trên thế giới. |